Tại ĐHĐCĐ diễn ra chiều 25/4/2023, ông Trịnh Hoài Giang – Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC – chia sẻ: “Với thị trường, cách nhìn nhận của HSC là không nôn nóng về việc thị trường bật tăng lại. Trong hầu hết các báo cáo kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế toàn cầu, quý 1-2 được đánh giá là quý hoạt động tệ nhất, sau đó mới được cải thiện từ quý 3-4. Chúng tôi sẽ không lạc quan sớm”.
Về dài hạn, HSC khẳng định vẫn tin tưởng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư. Tuy nhiên trong ngắn hạn, dù chưa thấy khả năng khủng hoảng tài chính song nền kinh tế theo HSC khó tăng trưởng sớm. Bởi, có 2 yếu tố chính ở đây, bao gồm:
Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu trong xu hướng suy thoái. Đặc biệt riêng thị trường Mỹ cũng là bạn hàng lớn của Việt Nam, ông Giang nhấn mạnh quan điểm không lạc quan lắm với kinh tế Mỹ vì lãi suất đang rất cao.
Thứ hai, đúng là chúng ta đang tập trung triển khai đầu tư công, tuy nhiên tốc độ hiện tại vẫn chưa thể giúp cho hoạt động kinh tế chúng ta hồi phục sớm.
“Tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt thanh khoản khoảng 10.000 tỷ đồng/ngày. Điểm số ngang hoặc thấp hơn hiện nay. Dựa vào đó công ty đặt kế hoạch kinh doanh sao cho sát với diễn biên. Đương nhiên khó có thể nói chính xách nhưng về dài hạn, đây là thời gian chúng ta có thể tìm kiếm những lĩnh vực đầu tư giá trị mang tính lâu dài.
Dù vậy, tôi đánh giá thị trường khó để trở lại thời kỳ như năm 2021, do tổng cầu nền kinh tế quá yếu, chưa kể trên nền rủi ro suy thoái kinh tế rất cao vì lãi suất cao. Thị trường lúc này còn không phải thời gian tốt để thực hiện các thương vụ IPO.
Nhưng thương vụ M&A, các nhà đầu tư họ mua lô lớn nên đây vẫn là thời gian tốt cho hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ. Nhà đầu tư theo quan sát họ cũng đang tìm kiếm cơ hội để mua doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm giá rẻ, mua vài % hay mua kiểm soát”, ông Giang nói thêm.
Hiện, thị phần môi giới của HSC là 6% so với trước là 10%. Thị phần giảm do thị phần môi giới nhà đầu tư tổ chức giảm, ảnh hưởng giảm 2% thị phần chung. Trong thời điểm thị trường bùng nổ, HSC bị hạn chế về nguồn vốn do chậm trễ tăng vốn, ảnh hưởng giảm 1-2% thị phần nữa. Một số công ty chứng khoán liên quan đến ngân hàng cho phí Net bằng 0 để lấy thị phần, họ được dòng tiền của khách hàng để phát triển dịch vụ tiền gửi và lãi suất.
HSC theo đó sẽ điều chỉnh phí cạnh tranh, nhưng cạnh tranh với phần lớn thị trường chứ không phải với những công ty dẫn đầu về giảm phí. Đặc biệt, vẫn tập trung vào chất lượng tư vấn, tập trung vào các khách hàng lớn chứ không thể làm được với hàng triệu triệu tài khoản ngoài kia. Khi dòng tiền lớn nước ngoài vào Việt Nam, điều chắc chắn sẽ xảy ra trong vòng 2-3 năm tới thì HSC sẽ đón được dòng vốn này.
“Tương lai phí giao dịch sẽ tiến về 0 và chúng tôi sẽ chuẩn bị cho điều đó. Nếu không thu phí giao dịch thì có nguồn thu khác như thu phí quản lý tài sản và HSC chuẩn bị công nghệ để làm việc này. Quản lý tài sản mỗi công ty có một cách khác nhau, với HSC chủ yếu là tư vấn”, ông Giang nói thêm.
Liên quan đến kế hoạch tăng vốn, đại diện nhấn mạnh hoàn thành tăng vốn là một thành công của HSC, sau 2 năm lên kế hoạch. Đã có hàng trăm văn bản qua lại giữa HSC và các cổ đông, cổ đông lớn HFIC và cơ quản chủ quản của HFIC là Ủy ban nhân dân Thành phố đã rất năng nổ kêu gọi sự tư vấn từ các sở ngành chuyên môn, để báo cáo xin ý kiến của Văn phòng Chính phủ. HSC tăng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng mà phải xin Văn phòng Chính phủ. Chúng ta hiểu những khó khăn mà HFIC phải chịu. Một đợt tăng vốn tốn thời gian 2 năm, đợt tăng vốn tiếp theo vừa thông qua mới nửa năm thôi.
Hiện, HSC đã nộp hồ sơ cho đợt tăng vốn tiếp theo rồi. Ủy ban Chứng khoán đã gửi văn bản cho HFIC, nhưng cũng chưa có hướng giải quyết, và đã hỏi trực tiếp đến Ủy ban nhân dân Thành phố. Công ty vẫn đang chờ câu trả lời trực tiếp từ Ủy ban nhân Thành phố để hoàn thành các đợt tăng vốn tiếp theo.