BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần cải thiện kể từ cuối năm 2023 và tốt hơn trong quý I/2024, ông đánh giá ra sao về điều này?
Ông Huang Bo, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam): Đúng vậy, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế đã phục hồi trong nửa cuối năm 2023, và hoạt động kinh doanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong quý 1/2024. Tôi cho rằng có sáu yếu tố chính đã hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp hồi phục.
Thứ nhất, yếu tố rất quan trọng phải kể đến là nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý, khi trong năm 2023, đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như giảm 2% thuế VAT; thúc đẩy đầu tư công, giải quyết những khó khăn trong thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên hạ lãi suất trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng môi trường lãi suất thấp được duy trì trong năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế.
Yếu tố thứ ba là việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đạt mức 580 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 và tiếp tục là trọng tâm của chính phủ trong năm 2024 với mục tiêu đặt ra là sẽ giải ngân 760 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Đây là sẽ là động lực chính cho nền kinh tế phát triển.
Thứ tư, ngoài sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, việc thu hút dòng vốn FDI cũng đã mang lại kết quả tích cực, trong quý 1/2024, tổng vốn đăng ký FDI đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Yếu tố thứ năm là tiêu dùng. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và thặng dư thương mại, tiêu dùng trong nước trở thành một trong những nguồn đóng góp chính cho nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi ước tính tiêu dùng của Việt Nam có thể tăng 10-11% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng trung bình 10 năm là 8.6%.
Yếu tố thứ 6 là sự phục hồi của xuất khẩu. Trong quý 1/2024, doanh thu xuất khẩu hàng hóa tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, và thặng dư thương mại đạt mức cao nhất trong 5 năm với 8,08 tỷ USD.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của Việt Nam sẽ cải thiện trong năm 2024.
Theo đánh giá từ công ty ông thì nhóm ngành nào đang có kết quả kinh doanh cải thiện nhất?
Chúng tôi đánh giá những ngành sau là những ngành đang có kết quả kinh doanh cải thiện nhất.
Thứ nhất là ngành ngân hàng, theo tính toán của chúng tôi, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ròng trung bình cho Q1/2024 của 12 ngân hàng thương mại được niêm yết trên sàn chứng khoán đạt khoảng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào môi trường lãi suất thấp, NIM ổn định, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA được nâng cao.
Thứ hai là ngành chứng khoán. Cuối năm ngoái, ngành chứng khoán đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ròng là 36% trong quý 4/2023, phản ánh những kỳ vọng tích cực từ phía các nhà đầu tư về hệ thống mới KRX, câu chuyện nâng hạng thị trường và kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy giao dịch sôi động trên thị trường. Trong 3 tháng đầu năm, cổ phiếu ngành chứng khoán tăng 13,54%, khẳng định vai trò dẫn dắt trên thị trường cùng với ngành ngân hàng.
Thứ ba là ngành công nghệ thông tin và tài nguyên cơ bản, các ngành này có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý 4/2023 lần lượt là 6% và 29% so với cùng kỳ trước đó. Trong khi đó, chỉ số tăng giá cổ phiếu trong 3 tháng đầu năm lần lượt là 16,21% và 7,54%. Chúng tôi đánh giá ngành Công nghệ thông tin vẫn luôn là một xu thế mới mang tính cách mạng.
Còn về ngành Tài nguyên cơ bản, nhiều doanh nghiệp thép cũng đã công bố kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho năm 2024 với kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đáy của quý 2/2023 và những tín hiệu tích cực trở lại vào cuối năm.
Trong mùa đại hội cổ đông năm nay nhiều doanh nghiệp cũng đã tự tin đưa ra các kế hoạch lợi nhuận cao hơn và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông điều này có phù hợp với bối cảnh kinh tế hay không?
Chúng tôi đánh giá rằng kết quả kinh doanh của nhiều công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay sẽ tăng mạnh so với năm ngoái.
Nền kinh tế Việt Nam được coi là một điểm sáng của kinh tế thế giới trong năm 2024, tăng trưởng GDP được dự báo đạt mức 6%. Chính phủ Việt Nam còn rất nhiều dư địa để thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa giúp cho các khu vực khác trong nền kinh tế tăng trưởng. Môi trường lãi suất thấp thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Cùng với sự phục hồi trong xuất khẩu, nhu cầu thị trường nội địa cũng dự kiến tăng mạnh trong năm 2024 so với cùng kỳ, nhờ vào gói hỗ trợ giảm thuế VAT đã triển khai.
Một điểm nổi bật nữa là Việt Nam đang điểm đến tích cực của dòng vốn FDI. Vì vậy, các công ty lên kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn cho năm 2024 là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam.
Với những phân tích chung về nền kinh tế thì thị trường chứng khoán thì sẽ diễn biến trong xu hướng như thế nào theo nhận định của ông?
Như tôi đã phân tích ở trên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trên sàn chứng khoán dự kiến sẽ được cải thiện trong năm 2024. Đây là động lực để giúp cho thị trường tăng điểm trong năm nay. Theo dự báo của Bloomberg, năm 2024 EPS của các doanh nghiệp trên sàn HOSE được dự kiến sẽ tăng 48,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi dự kiến lợi nhuận của VN-Index có thể tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Về định giá, chúng tôi ước tính P/E dự phóng của VN-Index là 12,48 lần, thấp hơn so với P/E trung bình 10 năm là 15,25 lần. Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ được hưởng lợi từ việc vận hành của hệ thống KRX cũng như nỗ lực nâng hạng thị trường của Chính phủ và các bộ ban ngành. Một khi nâng hạng thành công, có thể mang lại hơn 28 tỷ USD dòng vốn ròng vào thị trường vốn của Việt Nam.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, chúng tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số rủi ro như sự giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và EU, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tăng lại vào tháng 3, dẫn đến Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Điều này có thể tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá hối đoái giữ đô la mỹ và Việt nam đồng, và ảnh hưởng đến thanh khoản của các thị trường mới nổi.
Vì vậy, thị trường chứng khoán có thể sẽ phải đối mặt với một số biến động trong năm nay. Nhà đầu tư nên coi đây là cơ hội để đầu tư với giá thấp hơn khi thị trường đi xuống. Chúng tôi cũng có thể chọn một số lĩnh vực có doanh thu và lợi nhuận hứa hẹn hơn vào năm 2024 dựa trên các yếu tố cơ bản và định giá cổ phiếu.
Trong bối cảnh đó thì theo ông nhóm ngành nào sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất, vì sao?
Với triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực trong năm 2024, chúng tôi đánh giá sẽ có nhiều nhóm ngành hồi phục và tăng trưởng trong năm 2024. Một số ngành chúng tôi đánh giá có triển vọng nổi bật hơn trong năm 2024, thứ nhất là ngành ngân hàng, với chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng cả tăng trưởng tín dụng và NIM của các ngân hàng sẽ được cải thiện, mức tăng trưởng tín dụng 14%-14,5% hoàn toàn có thể đạt được. Bên cạnh đó, sự hồi phục của ngành bất động sản và của nền kinh tế nói chung sẽ giúp hệ thống ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.
Thứ hai là ngành chứng khoán, việc đưa hệ thống KRX vào vận hành có thể giúp tăng thanh khoản thị trường, từ đó giúp các công ty chứng khoán tăng thêm nguồn thu từ phí giao dịch. Môi trường lãi suất thấp sẽ thúc đẩy giao dịch kỹ quỹ. Triển vọng nâng hạng thị trường và việc FED có kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 sẽ giúp dòng vốn ngoại dần quay lại thị trường. Là một công ty chứng khoán hoạt động ở Việt Nam, chúng tôi cũng rất lạc quan về triển vọng kinh doanh của công ty chúng tôi trong năm 2024.
Thứ 3 là ngành bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN). Trong 2 năm trở lại đây, ngành BĐS KCN nổi lên là điểm sáng đầu tư mặc cho bối cảnh ảm đạm toàn thị trường. Chúng tôi đánh giá ngành Bất động sản Khu công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc giúp nâng kỳ vọng thu hút làn sóng FDI lần thứ tư, tập trung vào ngành công nghệ chất lượng cao và năng lượng tái tạo, góp phần gia tăng nhu cầu thuê đất KCN để triển khai nhà máy.
Cuối cùng là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng. Động lực chính thúc đẩy cho ngành này đến từ việc gia tăng giải ngân vốn đầu tư công. Các rào cản đầu tư từ những năm trước đã được loại bỏ, quá trình ký kết hợp đồng được đẩy nhanh chóng, và việc cấp phép khai thác mỏ đất và đá mới cũng được thực hiện. Dự kiến giá vật liệu xây dựng sẽ tăng trong năm 2024 do nhu cầu lớn từ các dự án hạ tầng trọng điểm. Các công ty sản xuất thép, nhựa đường và đá xây dựng dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này…