Bất chấp căng thẳng địa chính trị, CATL, với triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành công nghệ xanh Trung Quốc, vẫn ghi nhận đà tăng cổ phiếu mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tiên tại Hong Kong (Trung Quốc). Cổ phiếu có thời điểm tăng 14% lên gần 300 đô la Hong Kong.
Trước đó, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới đã huy động được 4,6 tỷ USD từ thương vụ IPO lớn nhất toàn cầu kể từ đầu năm, ngay cả khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Với giới đầu tư, tiềm năng dài hạn của CATL dư sức lấn át các rủi ro địa chính trị đặc biệt.
“CATL là biểu tượng thực sự của quá trình chuyển đổi năng lượng, thể hiện vai trò dẫn đầu toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực xanh”, Karine Hirn, đối tác tại East Capital Group, nhận định.
VUA PIN
CATL hiện sản xuất khoảng 1/3 lượng pin xe điện toàn cầu; cung cấp sản phẩm cho 16 trong số những hãng xe lớn nhất thế giới, trong đó có General Motors và nhà máy của Tesla tại Thượng Hải. Đối thủ chính của CATL là BYD - hãng sản xuất khoảng 1/6 lượng pin EV toàn cầu (chủ yếu dùng cho xe của chính họ), cùng với các nhà sản xuất pin đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Công nghệ pin mới của CATL được đánh giá là một bước tiến mới trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện nói riêng và cả ngành công nghiệp xe điện nói chung. Tại triển lãm Ô tô Bắc Kinh 2024, ông lớn này đã trình làng mẫu pin Shenxing Plus EV mới vô cùng tiên tiến mà theo tờ Carscoops, loại pin mới sử dụng công nghệ vật liệu Lithium-Ion phốt phát hiện đại, kết hợp kết cấu vật liệu 3D dạng tổ ong độc quyền. Chúng được CATL phát triển riêng nhằm tăng mật độ năng lượng và lớp vỏ nguyên khối.
“Chúng tôi hy vọng thông qua những nỗ lực không ngừng để cải tiến công nghệ và giảm chi phí, Shenxing sẽ trở thành sản phẩm tiêu chuẩn cho mọi loại xe điện”, Gao Huan, CTO của mảng kinh doanh xe điện Trung Quốc của CATL, cho biết.

Nhờ mật độ năng lượng 205 Wh/g, Shenxing Plus EV có thể cung cấp phạm vi hoạt động tối đa tới 1.000 km theo quy chuẩn chu kỳ thử nghiệm của Trung Quốc. Ngoài khả năng đi xa, công nghệ sạc cực nhanh rất được giới chuyên gia kỳ vọng.
Cụ thể, chỉ với 10 phút sạc, pin CATL mới có thể giúp xe điện di chuyển tới 600km liên tục. Điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi 1 giây sạc, xe có thể đi thêm được 1 km.
Tian Maowei, giám đốc bán hàng của Yiyou Auto Service ở Thượng Hải, nhận định: “Khả năng sạc cực nhanh được nhiều công ty EV theo đuổi vì nhiều người mua xe coi đó là ưu tiên hàng đầu”.
Mới đây nhất, vào ngày 17/3/2025, CATL đã ký kết hợp tác với hãng xe điện Nio nhằm tiêu chuẩn hóa công nghệ và triển khai mạng lưới đổi pin lớn nhất. Hai hãng hợp tác xây dựng mạng lưới tiên tiến nhất thế giới cho xe con, nâng cao khả năng chia sẻ mạng lưới đổi pin, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng cũng như phát triển dịch vụ đổi pin dựa trên các tiêu chuẩn pin thống nhất.
Cụ thể, CATL sẽ hỗ trợ Nio trong việc phát triển mạng lưới hoán đổi pin. Tiêu chuẩn công nghệ Choco-Swap và mạng lưới của CATL sẽ được đưa vào các mẫu xe mới tiếp theo dưới thương hiệu Firefly mới của Nio.
ROBIN ZHENG - NGƯỜI LÀM NÊN LỊCH SỬ
Robin Zheng sáng lập công ty từ 1999, với cái tên ban đầu là ATL. Câu chuyện thành công chỉ bắt đầu từ 2010, sau một thoả thuận thất bại với BMW.
Năm 2010, Herbert Diess, giám đốc cung ứng của BMW, đi khắp thế giới để thuyết phục một số công ty chuyển từ làm pin điện thoại sang pin cho ôtô điện. Ông ta đã gặp nhiều công ty lớn, bao gồm cả Bosch và TDK (Nhật).
Robin Zheng, lúc đó đang là giám đốc chi nhánh của TDK (ATL được TDK mua lại với giá 100 triệu USD vào 2005), đã gạt đi: “Pin ô tô to quá, có lẽ chúng tôi không làm được”.
Không có hợp tác nào giữa BMW và Robin, song đề nghị của Diess đã đánh thức Zheng. Năm 2009, việc chính phủ Trung Quốc đề ra chiến lược phát triển các loại xe sử dụng năng lượng mới với các gói trợ cấp khổng lồ, càng thôi thúc người đàn ông này làm một điều gì đó mới mẻ.

Thế rồi, Zheng cùng một số nhà đầu tư Trung Quốc đã quyết định mua lại 85% cổ phần của đơn vị sản xuất pin của TDK và đổi tên thành CATL. BMW trở thành khách hàng đầu tiên của họ. “Diess đã mang lại cơ hội làm pin ô-tô cho chúng tôi, và tôi biết ơn ông ta về điều đó”, Zheng thừa nhận.
Hành trình trở thành “Vua pin” của Robin Zheng bắt đầu từ đó. Yunfei Feng, trợ ký nghiên cứu của trường kinh doanh IMD cho biết khi BMW đồng ý hợp tác với CATL, ông Zheng đã đích thân đọc hết từng dòng của 800 trang tài liệu yêu cầu của BMW.
Việc tập trung vào các chi tiết kỹ thuật đã tạo nên sự khác biệt. Trong khi BYD - hãng xe điện nổi tiếng nhất Trung Quốc - sử dụng pin lithium phốt phát sắt, CATL lại sử dụng hỗn hợp nickel, mangan và coban hay còn gọi là NMC. NMC cho phép đi chiếc xe được xa hơn và điều đó đã đem lại lợi thế lớn cho CATL.
“CATL có thể đầu tư vào toàn bộ chuỗi cung ứng từ khai mỏ, xử lý nguyên liệu, sản xuất pin và thậm chí cả tái chế”, Kevin Sang, nhà phân tích về lưu trữ năng lượng của Wood Mckenzie, nói.
CATL vượt trội hơn hẳn so với đối thủ LG của Hàn Quốc về khoản đầu tư. Số liệu của Dealogic cho thấy CATL đã chi hơn 4,5 tỷ USD cho việc mua lại và sáp nhập (M&A) trong 5 năm qua, trải rộng từ mảng khai khoáng cho đến công nghệ sạc pin.
“Liệu việc CATL quá lớn có phải là điều tốt cho Trung Quốc? Đây là điều các nhà hoạch định chính sách đang suy xét rất thận trọng”, nhà sáng lập Bill Russo của hãng tư vấn Automobility đánh giá.
Theo: CNBC, Financial Times