Giá dầu đang ở trong "môi trường không thể đoán định"
Báo cáo phân tích cổ phiếu ngành dầu khí vừa công bố của Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá giá dầu đang ở trong “môi trường không thể đoán định”.
Trong bối cảnh thị trường dầu thô toàn cầu thắt chặt do thiếu hụt đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn trong nhiều năm, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, khiến giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3.
Sau đó, giá đã giảm trở lại xuống quanh mốc 100 USD/thùng do những lo ngại về ảnh hưởng đối với nền kinh tế, sự gia tăng các ca nhiễm Covid tại Trung Quốc và các nhà giao dịch giảm vị thế trước sự biến động mạnh của giá dầu.
Giá dầu Brent dự kiến sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn do những sự kiện bất ổn trên phạm vi toàn cầu.
Về cơ bản, nhóm phân tích cho rằng giá dầu Brent sẽ tái cân bằng trong một vài tháng tới (quanh mốc 100 USD/thùng) khi căng thẳng địa chính trị ở Ukraine hạ nhiệt. Sau đó, giá dầu có khả năng giảm dần cho đến cuối năm 2022 khi nguồn cung bổ sung đến từ Iran, Mỹ và OPEC có thể bắt kịp nhu cầu, dẫn đến giá dầu Brent trung bình là 90 USD/thùng vào năm 2022 theo kỳ vọng.
Đáng chú ý, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ sẽ đạt mức trước dịch từ quý cuối cùng của năm 2022.
Rủi ro gia tăng khi rót tiền vào cổ phiếu dầu khí
Theo sau đà tăng giá dầu Brent, giá cổ phiếu dầu khí tại Việt Nam đã tăng 60,2% kể từ đầu năm 2021, vượt trội so với VN-Index (+31,1% trong cùng giai đoạn).
Trong đó, BSR có mức tăng là 159%, PVD tăng 105%, PVS tăng 92% và PVT tăng 84%.
VNDirect cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng hơn sau đợt tăng giá vừa qua vì rủi ro giảm giá hiện đã lớn hơn tiềm năng tăng giá của cổ phiếu, với các nguyên do sau:
Thứ nhất, mặc dù giá dầu tăng là điềm báo tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thượng nguồn, nhưng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thượng nguồn (PVD, PVS…) cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Nguyên nhân là do giá dầu cần duy trì trên mức 60-65 USD/thùng đủ lâu để kích hoạt lại các dự án Thăm dò & khai thác (E&P) dầu khí.
Một số doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết, trong đó các doanh nghiệp thượng nguồn như PVD, PVS đều ghi nhận kết quả kinh doanh mờ nhạt trong năm 2021 (và trong cả 2 tháng đầu 2022 theo kết quả sơ bộ của PVN) mặc dù giá dầu tăng mạnh.
Thứ hai, định giá của một số cổ phiếu dầu khí đã tương đối hợp lý do giá cổ phiếu phần lớn đã được định giá theo triển vọng tích cực hơn của doanh nghiệp.
VNDirect nhận thấy giá nhiều cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS hay PVT đã tăng mạnh theo sau đà tăng của giá dầu, đẩy chỉ số P/B của các cổ phiếu này lên mức cao nhất kể từ năm 2016.
Điều này có thể đã phản ánh trước tác động tích cực của giá dầu cao hơn lên triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc rủi ro giảm giá đối với các cổ phiếu này đang dần tăng lên, đặc biệt là trong thị trường năng lượng khó đoán định hiện nay vì bất kỳ biến động tiêu cực nào của giá dầu cũng có thể làm tổn hại tâm lý thị trường đối với nhóm cổ phiếu Dầu khí.
Trong bối cảnh thị trường năng lượng biến động mạnh, nhóm phân tích cho rằng nhà đầu tư nên hướng sự chú ý vào các cổ phiếu dầu khí ít nhạy cảm hơn với giá dầu và có thể hưởng lợi từ những câu chuyện dài hạn của ngành.