Vào mùa hè năm 2023, cái tên Llama 2 xuất hiện trên thị trường đã thu hút được sự chú ý của giới công nghệ.
Llama 2 là bản phát hành tiếp theo của mô hình trí tuệ nhân tạo của Meta (Facebook), đối thủ tiềm tàng với GPT-4 của OpenAI, cha đẻ ChatGPT.
Ban đầu Llama ra mắt chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, nhưng sau khi bị rò rỉ trực tuyến, các nhà phát triển bắt đầu ưa thích mô hình AI tạo sinh này vì nó miễn phí, khác với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) từ OpenAI, Google và Anthropic yêu cầu trả phí.
Đặc biệt hơn, Llama là mã nguồn mở, nghĩa là các nhà nghiên cứu, nhà phát triển và những người dùng khác có thể truy cập vào mã cơ bản để sử dụng, sửa đổi hoặc cải thiện nó.
Đây chính là canh bạc lớn của Mark Zuckerberg khi trong báo cáo tài chính quý III/2024, Meta đã thông báo dự kiến chi tiêu vốn cho cả năm lên đến 40 tỷ USD, bao gồm hàng tỷ USD xây dựng các mô hình Llama.
Điều này đã khiến nhiều cổ đông bối rối khi Meta đang tặng Llama miễn phí cho hàng nghìn công ty, bao gồm cả những gã khổng lồ như Goldman Sachs, AT&T và Accenture.
Hiện nhiều nhà đầu tư vẫn đang cố gắng tìm hiểu Meta sẽ thu hồi vốn như thế nào khi chi hàng tỷ USD cho canh bạc này.
Nhà khoa học chính mảng AI của Meta là Yann LeCun cùng với Phó chủ tịch nghiên cứu AI, ông Joelle Pineau muốn Llama 2 là một bản phát hành mã nguồn mở rộng rãi.
Các chuyên gia này tin rằng việc biến Llama 2 thành mã nguồn mở sẽ cho phép mô hình trở nên mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và với chi phí thấp hơn.
Đặc biệt, chiến lược này có thể giúp Meta bắt kịp trong cuộc đua AI tạo sinh, vốn đang bị coi là tụt hậu rất nhiều so với các đối thủ.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng khi khách hàng đã quen với một sản phẩm miễn phí thì họ khó lòng chấp nhận trả tiền cho những gì đang dùng. Thế rồi nguy cơ bị chiếm đoạt mô hình để thực hiện các cuộc tấn công mạng là rất lớn.
Ban đầu, việc Meta phát hành Llama dưới dạng mã nguồn mở khiến nhiều nhà khoa học và chính trị gia lo lắng. Đích thân Mark Zuckerberg đã phải đi thu thập ý kiến, nhưng cuối cùng chính nhà sáng lập này đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc phát hành Llama 2 dưới dạng mô hình nguồn mở.
“Tôi tin rằng nếu hệ sinh thái cởi mở hơn thì sẽ mở ra được nhiều tiến bộ hơn", CEO Mark Zuckerberg của Meta nói.
Canh bạc của Mark Zuckerberg được cho là có những ưu thế nhất định. Vào thời điểm Llama 3 được phát hành vào 4/7/2024, tốc độ và độ chính xác của mã nguồn mở này gần như bắt kịp các đối thủ và trên một số phương diện còn vượt trội hơn so với mô hình của OpenAI và Anthropic.
Những lợi thế này có được là do Meta sử dụng dữ liệu được chia sẻ công khai từ hàng tỷ tài khoản Facebook và Instagram để đào tạo các mô hình AI của mình.
Mặc dù việc phát triển Llama làm thổi bùng lên cuộc tranh luận triết học về mô hình AI mã nguồn mở, thường minh bạch hơn, linh hoạt hơn và tiết kiệm chi phí hơn, nhưng có khả năng dễ bị lạm dụng hơn với các mô hình đóng, thường được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng thiếu minh bạch và tốn kém hơn để phát triển.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, Mark Zuckerberg nhiều khả năng sẽ dồn toàn lực cho canh bạc mới này tương tự như những gì nhà sáng lập từng làm với vũ trụ số.
Trong khi ChatGPT vẫn là công cụ chatbot nổi tiếng nhất thế giới thì các mô hình mã nguồn mở Llama đã chiếm hầu hết các sản phẩm, dịch vụ của Meta mà hàng tỷ người dùng mỗi ngày.
Từ trợ lý AI của Meta có mặt trên Facebook, Instagram, WhatsApp, Messenger cho đến những chatbot AI riêng của AI Studio.
Thậm chí ngay cả chiếc kính Ray-Ban nổi tiếng của Meta gần đây cũng dùng công cụ trợ lý đàm thoại và tính năng trong tai nghe Quest cho phép người dùng đặt câu hỏi về môi trường xung quanh đều dựa trên Llama.
Ngoài ra, các mô hình Llama đã được tải xuống hơn 600 triệu lần trên các trang web như cộng đồng AI nguồn mở Hugging Face.
Mặc dù vậy, canh bạc này của Mark Zuckerberg vẫn khiến rất nhiều người bối rối.
Như đã nói ở trên, việc Meta chi hàng tỷ USD cho Llama mà chưa biết bao giờ thu hồi lại được vốn hay sinh lợi nhuận là điều khó chấp nhận với nhiều cổ đông.
Phó giáo sư Abhishek Nagaraj của Đại học California nhận định việc cung cấp mã nguồn mở Llama là một câu hỏi lớn về lợi nhuận và khó có thể biện minh từ quan điểm kinh tế thuần túy.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, Mark Zuckerberg đang lâm vào bước đường cùng khi cần một sản phẩm để làm lu mờ quả bom xịt vũ trụ số cũng như một năm “hiệu quả” sa thải hàng nghìn lao động vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Trên thực tế, Llama là cơ hội để Mark Zuckerberg sửa chữa sai lầm đáng tiếc nhất trong sự nghiệp, đó là chứng kiến dịch vụ, sản phẩm của Meta bị hạn chế bởi các quy tắc do Apple và Google áp đặt.
"Chúng ta phải đảm bảo rằng Meta luôn có quyền truy cập vào công nghệ tốt nhất và không bị khóa vào hệ sinh thái khép kín của đối thủ cạnh tranh, nơi họ có thể hạn chế những gì chúng ta xây dựng", Mark Zuckerberg từng đăng trên một vài viết vào tháng 7/2024.
Bởi vậy với Llama, Meta và Mark Zuckerberg có cơ hội thiết lập một tiêu chuẩn mới cho ngành khi mã nguồn mở AI được kỳ vọng trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành, giống như Linux đã từng làm với Microsoft Windows.
Mặc dù ChatGPT của OpenAI thổi bùng ngọn lửa AI tạo sinh nhưng Llama lại được đánh giá là có khả năng trở thành tiêu chuẩn mới, phá vỡ cục diện.
Công trình nghiên cứu AI của Meta bắt đầu nghiêm túc vào năm 2013 khi Mark Zuckerberg đích thân chọn LeCun, một giáo sư lâu năm của NYU và là một chuyên gia AI, để điều hành phòng thí nghiệm FAIR mới của Facebook.
Ban đầu Meta sử dụng AI chủ yếu là ở hậu trường hoặc tập trung vào nghiên cứu hay tích hợp dưới lớp vỏ của các thuật toán đề xuất và kiểm duyệt nội dung.
Nhà sáng lập Mark Zuckerberg không có kế hoạch lớn nào cho một sản phẩm AI hướng đến người tiêu dùng như chatbot bởi CEO này còn đang bận tập trung làm vũ trụ số.
Vào năm 2022, Meta cho ra mắt bản demo chatbot mang tên Galactica dưới dạng mã nguồn mở. Tuy vậy sản phẩm này lại là một thảm họa khi có quá nhiều lỗi cùng thông tin sai lệch, bao gồm cả việc trích dẫn các bài báo nghiên cứu không tồn tại.
Sau 3 ngày bị chỉ trích dữ dội, các nhà nghiên cứu của Meta đã đóng cửa Galactica. Sau đó 12 ngày, OpenAI đã phát hành ChatGPT và sản phẩm này nhanh chóng lan truyền trên toàn thế giới.
Sự thành công của ChatGPT trong khi Meta sa lầy với vũ trụ số đã khiến Mark Zuckerberg phải nhìn nhận lại chiến lược của mình.
Do đó Meta vẫn không nản lòng khi tinh chỉnh và tạo ra mô hình AI tạo sinh mới có tên là LLaMA (viết tắt của Large Language Models Meta AI).
Sau phản ứng dữ dội của Galactica, Meta đã thận trọng hơn. Thay vì mở hoàn toàn mã và trọng số mô hình cho tất cả mọi người, Meta yêu cầu các nhà nghiên cứu phải nộp đơn xin quyền truy cập và không cấp giấy phép thương mại cho những ai muốn dùng mã nguồn mở này.
Thế nhưng toàn bộ mô hình đã bị rò rỉ trực tuyến trong vòng vài tuần, lan truyền trên nhiều cộng đồng AI khác nhau.
Dù vẫn nhận được nhiều lời chỉ trích nhưng chính các nhà lãnh đạo Meta cũng bị bất ngờ về nhu cầu mô hình mã nguồn mở llama.
Ví dụ, một công ty luật có thể sử dụng Llama để đào tạo một mô hình chuyên biệt nhằm sử dụng hợp pháp và sở hữu tài sản trí tuệ. Một công ty chăm sóc sức khỏe có thể kiểm toán và quản lý dữ liệu đằng sau mô hình do chính họ phát triển.
Các nhà nghiên cứu có thể thử nghiệm và kiểm tra hoạt động bên trong của mô hình thay vì phải chấp nhận bất cứ thứ gì mình được cung cấp như của OpenAI hay Anthropic.
“Với Llama, bạn có thể tạo ra toàn bộ một ngành công nghiệp, giống như một mạng Internet mới vậy”, ông LeCun tự hào nói.
Trước nhu cầu bùng nổ này, Mark Zuckerberg đã quyết định mở toàn bộ dữ liệu cho Llama 2 vào tháng 7/2023, đồng thời khuyến khích người dùng đóng góp các cải tiến, sửa lỗi và tinh chỉnh kết quả.
Sau thành công của Llama 1, Mark zuckerberg đã đặt sản phẩm này làm trung tâm của canh bạc lớn tiếp theo cho Meta sau vũ trụ số.
Nhà sáng lập Meta đã nhanh chóng tập hợp một nhóm từ khắp công ty để tập trung vào việc đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu, phát triển AI.
Tại một cuộc họp toàn thể nội bộ vào tháng 6 năm 2023, Mark Zuckerberg đã chia sẻ tầm nhìn của mình về tương lai AI tại Meta, đồng thời cho biết Meta đang xây dựng AI tạo sinh vào tất cả các sản phẩm của mình.
Thậm chí Mark Zuckerberg còn tái khẳng định cam kết của công ty đối với "phương pháp tiếp cận dựa trên khoa học mở" đối với nghiên cứu AI.
Với doanh thu hàng năm lên đến 135 tỷ USD, Meta có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển mã nguồn mở so với các đối thủ khác.
Ngoài ra, Mark Zuckerberg cũng cho rằng việc chia sẻ miễn phí Llama không phải là “việc làm từ thiện”.
Trong một bài đăng trên blog vào tháng 7/2024 có tên "Mã nguồn mở là tương lai", Zuckerberg đã nói rõ việc cung cấp mã nguồn mở sẽ mang lại cho Meta lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua AI, qua đó biến Llama thành nền tảng phù hợp cho AI tạo sinh.
"Việc công khai phát hành Llama không làm giảm doanh thu, tính bền vững hoặc khả năng đầu tư vào nghiên cứu của chúng tôi như các nhà phát triển mã nguồn đóng OpenAI hoặc Google đã làm”, Mark Zuckerberg khẳng định.
Sau hơn 1 năm chứng minh bản thân, nhiều người bắt đầu tin vào canh bạc lần này của mark Zuckerberg.
Chuyên gia phân tích Shweta Khajuria của Wolfe Research cho rằng việc Meta phát triển mã nguồn mở là "một bước đột phá thiên tài", cho phép công ty thu hút nguồn nhân lực hàng đầu đẩy nhanh quá trình đổi mới trên nền tảng của riêng mình, phát triển các nguồn doanh thu mới và kéo dài tuổi thọ sản phẩm.
Việc cung cấp mã nguồn mở Llama về cơ bản đã cho phép Meta nhanh chóng bắt kịp OpenAI, Google và Anthropic do hàng nghìn nhà phát triển đang xây dựng và cải thiện Llama với tốc độ chóng mặt khi được dùng miễn phí.
“Nếu họ không mã nguồn mở, có lẽ Meta đã mất nhiều thời gian hơn để phát triển các mô hình cạnh tranh cùng đối thủ”, bà Khajuria nhận định.
Cũng theo chuyên gia Khajuria, mã nguồn mở AI sẽ đem về rất nhiều cơ hội kiếm tiền cho Meta trong tương lai, chẳng hạn như các tùy chọn đăng ký và quảng cáo cho các tính năng Meta AI hiện tại dựa trên Llama, cũng như tin nhắn kinh doanh trong ứng dụng hỗ trợ AI.
“Meta được hưởng lợi từ việc có hàng tỷ người dùng trong khi Perplexity, Claude và ChatGPT không có lợi thế này. Khi lượng người dùng mã nguồn mở lan rộng thì đấy là lúc Meta có thể kiếm tiền”, bà Khajuria khẳng định.
Nhà đồng sáng lập Patrick Wendell của AI Databricks nhận định Mark Zuckerberg có thể đang tạo nên làn sóng công nghệ thứ ba trên toàn cầu. Trong khi Internet là làn sóng công nghệ lớn đầu tiên cho phép tạo ra Facebook thì thiết bị di động là làn sóng thứ 2 do Apple và Google thống trị.
“Tôi nghĩ mã nguồn mở của Mark Zuckerberg là làn sóng công nghệ thứ 3 cho thế giới. Nhà sáng lập này không muốn 1-2 công ty kiểm soát quyền truy cập AI như những gì Apple và Google đang làm với Meta”, ông Wendell nói.
Đồng quan điểm, nhà khoa học Nathan Lambert của Viện nghiên cứu Allen cho biết hơn 90% các mô hình AI nguồn mở hiện đang được sử dụng đều dựa trên Llama.
Hiện nhiều người đang có lời khen cho Mark Zuckerberg khi có vẻ canh bạc của nhà sáng lập này đã đúng. Một số chuyên gia nhận định nếu không có Mark Zuckerberg thì có lẽ mã nguồn mở Llama không thể ra đời trước hàng loạt chỉ trích.
Nhờ nắm 61% quyền biểu quyết mà Mark Zuckerberg có quyền lực tuyệt đối trong Meta, qua đó tập trung đủ nguồn lực để phát triển sản phẩm này.
Tất nhiên, rủi ro vẫn rất lớn khi chi phí đầu tư thử thách sự kiên nhẫn của cổ đông.
“Nếu doanh thu không bắt đầu tăng tốc từ năm 2025 đến năm 2026, tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ bắt đầu mất kiên nhẫn”, bà Khajuria của Wolfe dự đoán.
*Nguồn: Fortune