Góp ý đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (Dự thảo), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI cho rằng cần quy định rõ thời gian EVN phải công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm.
Cụ thể, hiện theo Điều 7.1 của Dự thảo, hằng năm EVN lập Báo cáo chi phí sản xuất, kinh doanh điện (có kiểm toán), rồi đăng tải công khai trên website của EVN và gửi cho Bộ Công Thương.
VCCI đánh giá quy định theo hướng nói trên khác với Quyết định 05/2024/QĐ-TTg là EVN gửi cho Bộ Công Thương rồi Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đăng tải công khai. Tuy nhiên, Điều 7.1 của Dự thảo chưa xác định rõ thời điểm phải công bố công khai.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung về thời điểm thực hiện việc đăng tải công khai này.
Bên cạnh đó, các nội dung phải công bố công khai được liệt kê tại Điều 7.2, tương tự như các nội dung đã có tại Điều 7.1.c của Quyết định 05/2024/QĐ-TTg. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy các thông tin này tương đối khó theo dõi do không được trình bày theo một thể thức kế toán thống nhất.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Điều 7.2 theo hướng nội dung đăng tải công khai là Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện và Báo cáo kiểm toán độc lập.
Nên điều chỉnh giá điện bán lẻ 3 tháng 1 lần
Hiện điều 3.5 của Dự thảo quy định “Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 02 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất”. Tuy nhiên, Điều 6.1 quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm lại được lấy theo số liệu từng quý, tức 03 tháng thực hiện tổng hợp số liệu một lần. Việc tổng hợp số liệu theo quý này cũng phù hợp với thông lệ kế toán.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng để phù hợp với thời điểm tổng hợp số liệu.
Liên quan đến việc Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đề xuất điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 02 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, trước đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần đánh giá kỹ tính khả thi để đảm bảo hiệu quả thực hiện sau ban hành.
Theo chuyên gia năng lượng - Đào Nhật Đình, trong khi quy định điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần còn chưa được thực thi đầy đủ, nghiêm túc, thì việc đề xuất rút ngắn xuống 2 tháng liệu có làm được không?
Vị chuyên gia này cho rằng, việc minh bạch chi phí sản xuất điện ở từng loại nguồn điện, từng khâu vận hành làm cơ sở đưa ra mức giá phù hợp cũng là bài toán phải được tính đến.
“Ở Thái Lan, điện khí tự nhiên chiếm tỷ trọng lớn nên họ chốt cố định giá thành sản xuất điện. Sau đó, cứ 3 tháng họp một lần để xem xét các yếu tố tăng - giảm của nguyên liệu đầu vào, từ đó mới điều chỉnh giá. Trong khi ở Việt Nam, chi phí sản xuất - kinh doanh điện thường công bố mỗi năm một lần nên nhiều người vẫn băn khoăn về tính minh bạch, hiệu quả kinh doanh của ngành điện”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm, xoay quanh vấn đề này, PGS TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cũng bày tỏ băn khoăn, khi thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cho đến nay vẫn không thực hiện được, bây giờ thay đổi và rút ngắn thời gian thì liệu có thực hiện được hay không.
"Với quyết định 6 tháng/ lần không thực hiện mà bây giờ lại đưa ra một phương án mới là 2 tháng điều chỉnh một lần thì tính khả thi có hay không? Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh chỉ đảm bảo trong điều kiện hệ thống giá, quản lý minh bạch và đáng tin cậy, có nghĩa là hạch toán đúng, đủ, kịp thời và đáng tin cậy. Đồng thời, có sự hỗ trợ đối với nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trợ giá hoặc trợ cấp. Cuối cùng là phải công khai và giải thích đầy đủ cơ chế về tính gía, tạo sự đồng thuận trong xã hội”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Còn theo PGS TS Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc điều chỉnh giá bán điện xuống 2 tháng/lần là quá ngắn và không đủ cơ sở để điều chỉnh.
“Việc điều chỉnh giá điện phụ thuộc vào giá thành bình quân của hệ thống, trong đó liên quan đến hàng loạt chi phí như phát điện, truyền tải, phân phối… nên rất phức tạp và đòi hỏi sự minh bạch, công bằng. Trong khi hiện tại, chi phí sản xuất điện cho từng loại điện, từng khâu vận hành ở Việt Nam còn chưa rõ ràng.
Chưa kể, việc điều chỉnh cũng cần có quy trình quản lý và giám sát. Nếu điều chỉnh 2 tháng/lần, hệ thống giám sát phải minh bạch trong tính giá điện bình quân để tránh trục lợi, lạm dụng chính sách”, PGS TS Nguyễn Minh Duệ lý giải.
Đồng thời đặt vấn đề, vậy, đơn vị nào sẽ kiểm tra và giám sát việc tính toán chi phí này? Với dữ liệu ngành điện đồ sộ như thế, doanh nghiệp vừa cung cấp thông tin để kiểm tra đợt này, lại tiếp tục cho đợt tới thì khó có thể đảm bảo.