“Cần phân quyền mạnh hơn để di dời bệnh viện, trường học khỏi nội đô”

Lê Sáng | 12:13 11/11/2023

Đó là quan điểm của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm đẩy mạnh công tác di dời bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô.

“Cần phân quyền mạnh hơn để di dời bệnh viện, trường học khỏi nội đô”
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại tổ chiều 10/11. Ảnh: Media Quốc hội

Mới đây, phát biểu tại tổ thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô là nhiệm vụ được đặt ra từ lâu nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, đây là mấu chốt để Hà Nội giải bài toán giảm dân số và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, úng ngập.

Theo ông Dũng, Hà Nội đã có định hướng quy hoạch thành phố thứ hai ở phía Tây, khu vực Xuân Mai. Đây sẽ là đô thị mới về khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo. Trước khi đặt ra vấn đề này trong quy hoạch, Hà Nội đã bắt tay vào việc di dời các cơ sở trong nội đô. "Tuy nhiên, hầu hết bệnh viện, trường đại học đều theo cơ chế tự chủ. Bây giờ giao đất mới, liệu các đơn vị có tiền xây không hay chịu chết?", Bí thư Hà Nội đặt câu hỏi.

Vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội đề nghị dự thảo luật xây dựng theo hướng giao thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố. Hà Nội cần có cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học, bệnh viện. Cơ sở cũ có thể trả lại cho thành phố hoặc làm cơ sở đào tạo sau đại học, cơ sở nghiên cứu hợp tác quốc tế để giảm dân cư.

"Khi di dời được hệ thống giáo dục đại học tức là giúp chuyển khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô, kéo theo gần bằng số lượng đó dân cư đi theo. Đây chính là mục tiêu trong phát triển quy hoạch thủ đô", ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bí thư Hà Nội cho hay thành phố cũng đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo trục lên phía Tây, như đường bộ lên Xuân Mai, đường sắt đô thị nối Văn Cao - Hòa Lạc và tiếp tục cải tạo tuyến quốc lộ hiện hữu.

Công tác trọng điểm còn nhiều vướng mắc, hạn chế

Thực tế cho thấy, công tác di dời bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô là một trong những trọng tâm trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị của Thủ đô thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm, chú trọng nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế.

dh63687-16911477032061128660962.jpg
Theo các chuyên gia, việc chậm di dời các trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tắc đường tại Hà Nội. Ảnh - Int

Theo đó, kế hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi trung tâm Thủ đô đã được đề ra từ nhiều năm và một số bộ, ngành đã chuyển về trụ sở mới ở phía Tây Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn để triển khai thì một trong những vấn đề khiến việc di dời chậm trễ là được cấp đất xây trụ sở mới, nhưng các bộ ngành không bàn giao lại cơ sở cũ nằm trong quận trung tâm.

Tháng 5/2023, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới ban hành ngày 25/5 đã nhắc đến chủ trương di dời bộ ngành.

Theo một báo cáo của UBND TP. Hà Nội vào năm 2016 cho thấy từng có 9 bộ, ngành di dời khỏi trung tâm, nhưng 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.

Gần đây nhất cuối tháng 4/2023, Thủ tướng đã phê duyệt đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể ở khu Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm) và Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Hai khu này đều cách trung tâm Thủ đô khoảng 10 km.

Trước đó, sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, năm 2009 Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của quy hoạch là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị. Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đạo tạo ở nội đô.

Đến nay, dù 12 trường đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có Đại học Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội... Tuy nhiên sau 14 năm, hầu hết trường vẫn ở lại nội đô.

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Cần phân quyền mạnh hơn để di dời bệnh viện, trường học khỏi nội đô”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO