Cân nhắc quy định về đối tượng chịu thuế khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng

Lê Sáng | 13:06 20/12/2023

Liên quan đến công tác sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Ủy ban Tài chính Quốc hội và các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng khi quy định về đối tượng chịu thuế.

Cân nhắc quy định về đối tượng chịu thuế khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón liên tục kiến nghị "được" chịu thuế VAT do vướng mắc liên quan đến việc hoàn thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Mới đây tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 100% đại biểu tán thành, Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tại Tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất, quy định cụ thế hơn về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) để bảo đảm khả thi trong thực hiện; đưa một số hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; sửa đổi một số quy định để bảo đảm đồng bộ với của pháp luật hiện hành; bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế GTGT.

Cân nhắc đối tượng chịu thuế GTGT

Tham gia thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc, theo Tờ trình một trong những mục tiêu đặt ra đối với chính sách là “mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”.

Tuy nhiên, qua rà soát các nhóm giải pháp được đề xuất để thực hiện chính sách, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất bổ sung khá nhiều đối tượng vào diện không chịu thuế GTGT so với quy định hiện hành.

Cụ thể, các khoản phí tại hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ, tài trợ nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, chiến tranh; hàng hóa nhập khẩu của công ty cho thuê tài chính để cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thuê tài chính; tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán tài sản; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán; tài sản cố định chuyên dùng của tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bán; các hoạt động có thu phí, lệ phí của Nhà nước theo pháp luật về phí và lệ phí; Tài sản di chuyển theo định mức miễn thuế nhập khẩu; Hàng hóa mục bán, trao đổi của cư dân biên giới theo định mức miễn thuế nhập khẩu và trong danh mục,...

Từ đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần cân nhắc để có cách thể hiện hợp lý hơn về mục tiêu của chính sách vì việc bổ sung các nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế như đề xuất có thể không đạt được mục tiêu “mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng” như nội dung thể hiện trong Tờ trình của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc này còn dẫn đến chưa thế chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước thể hiện tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và chưa bám sát các quan điểm, định hướng thể hiện trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực tế cho thấy, khi các quy định về đối tượng chịu thuế không được cân nhắc một cách phù hợp sẽ dẫn đến những “nút thắt” gây vướng mắc, thiệt hại khi đưa vào áp dụng.

Vướng mắc thuế VAT của doanh nghiệp sản xuất phân bón

Thực tế áp dụng quy định về thuế VAT thời gian qua cho thấy, quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có thể được xem là một trong những ví dụ điển hình xuất phát từ những bất cập của chính sách nhiều năm qua.

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế 71 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT dẫn đến phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015, nhằm giảm gánh nặng cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng, mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được, thậm chí còn gây tác dụng ngược khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5 - 8% tùy loại.

Mới đây, tại Hội thảo vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam, TS. Bùi Thị Mến, Học viện Ngân hàng cho hay, liên quan đến vật tư nông nghiệp, cụ thể là mặt hàng phân bón, Quốc hội thông qua Luật 71/2014/QH13 về việc sửa đổi Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, hiệu lực từ ngày 01/01/2015, chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế.

Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng gây ra hệ quả là do thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đầu ra nên các doanh nghiệp phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Khi đó, số thuế này phải cộng vào giá thành, làm tăng giá thành sản phẩm (khoảng 5 – 8%), dẫn đến giá phân bón cũng bị tăng theo và do phân bón là yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 40 - 70% tổng chi phí), nên việc này làm cho giá sản xuất nông nghiệp tăng lên, gây bất lợi cho phân bón Việt Nam so với phân bón nhập khẩu.

Trong khi đó, phân bón nhập khẩu không phải nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, nên những năm qua Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Nhà nước cũng thất thu do không thu được thuế GTGT với cả hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với phân bón và vật tư nông nghiệp là cần thiết, phù hợp với tình hình mới.

Liên quan đến bất cập về thuế VAT đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, chia sẻ trên báo chí về những tồn tại đã nêu, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - TS. Phùng Hà đã cho biết, ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm.

Theo đó, TS. Phùng Hà dẫn số liệu từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng, con số này đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.

Với 2 đơn vị sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn Dầu khí, con số còn lớn hơn nhiều lần: Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ), không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Từ thực tế đã nêu, khi cho ý kiến về Dự án Luật (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã bày tỏ băn khoăn về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế GTGT nhất là đối với nông sản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây đã làm rất kỹ lưỡng đối với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn GTGT, cà phê, tôm, cá… thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này.

“Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế GTGT; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đồng thời cho rằng, chính sách trong hồ sơ Dự án Luật cũng không đề cập đến vấn đề này.


(0) Bình luận
Cân nhắc quy định về đối tượng chịu thuế khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO