"Tự do tài chính" đang là từ khóa nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là với các bạn trẻ bởi đây được xem là đích đến mà bất cứ ai cũng muốn đạt được trong hàng trình quản trị tài chính cá nhân.
Có thể hiểu đơn giản, tự do tài chính là “đủ” về tiền bạc và tài sản để sinh sống thoải mái, lâu dài mà không bị ảnh hưởng bởi việc phải chi tiêu hàng tháng. Cụ thể hơn, tự do tài chính là trạng thái mà con người có đủ tiền để trang trải cuộc sống hay đưa ra những quyết định và lựa chọn mà không phải đắn đo đến tác động về mặt tài chính.
Những người đạt tự do tài chính sẽ có một dòng tiền ổn định và không phải lo lắng về những hoá đơn hay không phải gánh các khoản nợ,… Đặc biệt, tự do tài chính không phụ thuộc vào thời gian, độ tuổi hay trí thông minh mà phụ thuộc vào năng lực làm chủ và kiểm soát sức khỏe tài chính của bạn. Theo một cách hiểu khác, tự do tài chính là trạng thái khi bạn thoát khỏi nỗi lo lắng về tiền bạc.
Vậy, để đạt được tự do tài chính cần bao nhiêu tiền?
Theo CNBC, khi bạn có số tiền gấp 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm tối thiểu của hộ gia đình thì bạn được coi là người có tự do tài chính. Ví dụ, bạn cần chi tiêu 20 triệu đồng mỗi tháng thì một năm bạn cần 240 triệu. Vậy bạn cần ít nhất 6 tỷ đồng để cơ bản đạt được tự do tài chính.
Theo đó, con số 25 lần thu nhập bắt nguồn từ quy luật 4% trong một nghiên cứu năm 1998 của 3 giáo sư đại học Trinity Texas khi phân tích danh mục đầu tư của nhiều người trong khoảng thời gian 1926 đến 1995. Kết quả cho thấy, với đại đa số các trường hợp, nếu mỗi năm rút 4% số tiền ban đầu thì đủ (hoặc dư) để sống thêm 30 năm.
Nói về con số để đạt tự do tài chính, Phó chủ tịch Dragon Capital Việt Nam Trần Thanh Tân đã từng "tiết lộ" một con số cụ thể trong một Talkshow về tiền hot nhất hiện nay mang tên Tự do tài chính MONEYtalk.
Ảnh: MoneyTalk
Nhà lãnh đạo nổi tiếng chia sẻ ngắn gọn: "Trên thực tế, đời người không cần đến 100 tỷ... Đôi khi chỉ 5 tỷ thôi bạn có thể sống cả đời. Hãy tin tôi."
Theo đó, vị Guru khủng trong giới tài chính – kinh doanh giải thích rằng nếu một người đủ thông minh, họ dùng đủ phương pháp đầu tư, kiên trì trong vấn đề đầu tư và đầu tư có kỷ luật thì với số tiền 5 tỷ đồng, họ chắc chắn có thể đạt tự do tài chính và sống cả đời.
Một lần khác, cũng trong chương trình MONEYtalk, "bóng hồng" Forbes Under 30 Ngô Thùy Anh - Nhà sáng lập và CEO của Hasu, Aligo Kids, Hộp ký ức, và Aligo Media, cũng đưa ra một con số tương đương dưới góc độ cá nhân khi được Host Dương Ngọc Trinh đặt câu hỏi về "con số của tự do tài chính".
Ảnh: MoneyTalk
Thùy Anh định nghĩa tự do tài chính không phải là mình có bao nhiêu tiền mà mình phải tiêu bao nhiêu tiền. CEO của Hasu chia sẻ:
"Mình cũng có ngồi với một người bạn và có tính xem con số sẽ đủ cho gia đình và bản thân mình. Cứ cho gia đình có 4 người, để đề phòng những trường hợp không hay xảy ra hoặc một số thành viên không làm việc được thì mình tính ra số tiền rơi vào con số khoảng 3 tỷ đến 4,8 tỷ. Đấy là về mặt cơ bản là mình có thể sống được. Tuy nhiên, cái việc mà mình quyết định giữ khoản tiền đó như thế, mình cố gắng vì nó như thế nào hay đầu tư vào đâu thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác."
Shark Nguyễn Hòa Bình cũng từng một lần chia sẻ: "Có 1 tỷ USD tôi cũng không biết phải làm gì... Bởi vì mình đã vượt qua mức tự do tài chính rất lâu rồi." Chủ tịch NextTech cho biết với mức tài chính hiện tại, ông cho biết mình đã có thể chi tiêu cho mua sắm, du lịch, những yêu cầu cơ bản của cuộc sống.
Từ câu trả lời của các nhà lãnh đạo nổi tiếng, có thể thấy rằng tự do tài chính không hẳn là giàu có, là sở hữu biệt thự nghìn tỷ hay xe sang mà là sự cân đối chi tiêu và thu nhập luôn trong ngưỡng an toàn.
Trên thực tế, không có 1 con số cụ thể là mốc chung cho tất cả về tự do tài chính. Bởi ngưỡng tự do tài chính của mỗi người là khác nhau, nhu cầu của mỗi người là khác nhau, người có nhu cầu rất lớn nhưng cũng có không ít người chẳng chi tiêu gì. Điều quan trọng là bạn phải xác định được nhu cầu của bản thân để lên kế hoạch tài chính, tính toán nguồn thu, khoản tiền tiết kiệm cần có đủ để cuộc sống dư giả, thoải mái. Mỗi người có một cuộc đời khác nhau, con đường đến tự do tài chính vì thế cũng khác nhau.
(Tổng hợp)