Café Amazon – chuỗi cà phê lớn Thái Lan thận trọng ở thị trường Việt Nam: Có 20 cửa hàng sau 2 năm, chưa tính Bắc tiến

Quỳnh Như | 09:49 04/12/2022

Với sự liên minh giữa ‘ông lớn’ ngành năng lượng Thái Lan PTTOR và Central Group, Café Amazon Việt Nam không thiếu tiền; song vì sự khó khăn của thị trường F&B cùng Covid-19 vẫn chưa kết thúc, khiến chuỗi này không ồ ạt mở rộng thị trường. Kế hoạch ngắn hạn: họ sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường miền Nam và kết thúc 2022 với 20 cửa hàng.

Café Amazon – chuỗi cà phê lớn Thái Lan thận trọng ở thị trường Việt Nam: Có 20 cửa hàng sau 2 năm, chưa tính Bắc tiến

Café Amazon – chuỗi cà phê thuộc sở hữu của ‘ông lớn’ ngành năng lượng Thái Lan - Công ty kinh doanh bán lẻ và dầu mỏ Thái Lan (PTTOR), là chuỗi cà phê lớn nhất Thái Lan. Theo thống kê của Nikkei Asia vào 10/2021, với 3.432 cửa hàng, họ là chuỗi cà phê lớn thứ 6 thế giới. Còn theo một thống kê khác gần đây, hiện họ có hơn 4.000 cửa hàng đang hoạt động trên 11 nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Cambodia…

Hiện tại, số cửa hàng chủ yếu của họ vẫn nằm ở Thái Lan, theo hệ thống trạm xăng khổng lồ mà PTTOR sở hữu. Giữa năm 2021, PTTOR có khoảng 2.000 trạng xăng và mục tiêu đến 2025, sẽ có thêm 500 trạm nữa tại Thái. Mục tiêu đến năm 2025, PTTOR có 1.000 cửa hàng Café Amazon tại nước ngoài. Thị trường mới nhất mà họ vừa thâm nhập là Saudi Arabia, khi mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 9/2022, cùng kế hoạch có 150 cửa hàng vào 2032.

cafe-amazon1.jpg
cafe-amazon2.jpg
Café Amazon Vietnam

Về phần thị trường Việt Nam, PTTOR đã chính thức thông báo tiến vào thị trường này vào 2019, với cú bắt tay cùng Central Group. Cụ thể: PTTOR sẽ phát triển chuỗi trong liên doanh với đối tác Central Group, với 60% vốn do PTTOR góp và 40% của Central Group.

Ban đầu, Café Amazon dự kiến đầu tư 3,5 triệu USD vào Việt Nam từ cuối năm 2019; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến tháng 11/2020 Café Amazon mới mở cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Big C Go! Bến Tre. Hiện tại, Café Amazon có 15 cửa hàng tại miền Nam (11 ở TP.HCM và 4 các tỉnh lân cận).

Mới đây, đánh dấu cột mốc tròn 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Café Amazon tổ chức lễ hội ẩm thực đường phố “Thailand Street Food Discovery” mang đậm hơi thở xứ Chùa Vàng tại cửa hàng Café Amazon Hai Bà Trưng. Ngoài menu đồ uống truyền thống, chuỗi café này vừa ra mắt 3 món mới lấy cảm hứng từ Ẩm thực đường phố Thái Lan: Trà Chanh Tom Yum, Cà Phê Sương Sáo Bangkok, Trà Sữa Đậu Nành Yaowarat.

7.jpg

Cùng với đó mà chiến lược tiếp thị định vị Café Amazon là “đại sứ” quảng bá văn hóa và ẩm thực xứ sở ‘Chùa vàng’, thông qua menu món tráng miệng và món nước ngày càng đổi mới và đa dạng. Có lẽ, Café Amazon biết rằng, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam có cảm tình đặc biệt với văn hóa và ẩm thực Thái Lan, nên họ mới triển khai chiến dịch này cũng như ra mắt thức uống mới đậm vị Thái.

Chia sẻ về chiến lược tiếp thị cốt lõi, CEO Café Amazon cho hay: “Café Amazon Vietnam không chỉ sở hữu phong cách bài trí cửa hàng xanh mát đậm chất nhiệt đới, mà còn cả menu đa dạng liên tiếp ra mắt các món nước mới đậm phong vị Thái Lan.

Văn hoá ẩm thực đường phố chính là nguồn cảm hứng vô hạn để chúng tôi liên tục sáng tạo và cho ra mắt những dòng sản phẩm mới chiêu đãi thực khách. Lễ hội Thailand Street Food Discovery dịp này và các thức uống tái hiện vị ngon đặc sản xứ chùa vàng sắp tới, chắc chắn sẽ mang lại cảm giác tươi mới cho thực khách khi đến với chúng tôi. Mục tiêu của Café Amazon là sẽ có 20 quán vào cuối năm 2022”.

2.jpg
Anh A-Tathak Srinon – Marketing Manager của Café Amazon Vietnam (ngoài cùng bên trái)

Chia sẻ thêm về chiến lược mở rộng chuỗi của Café Amazon tại Việt Nam, anh A-Tathak Srinon – Marketing Manager cho hay: Trong tương lai gần, Café Amazon Việt Nam sẽ không có ý định tiến quân ra Bắc mà sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường miền Nam, bao gồm TP.HCM và các khu vực lân cận. Còn về kế hoạch mở thêm cửa hàng vào 2023, vì chưa thông tin nên anh chưa thể truyền thông cho báo giới.

Ai cũng biết, thị trường F&B Việt Nam khá là khó khăn để làm, nên chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn vừa mở thêm cửa hàng mới vừa tiếp tục nghiên cứu để hiểu sâu hơn nữa hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Kế hoạch mở chuỗi của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của thị trường.

Ví dụ: sở dĩ chúng tôi không mở quán cà phê tại các cây xăng như tại Thái Lan là bởi các trạm xăng ở Việt Nam có diện tích khá nhỏ. Ngược lại, các trạm xăng ở Thái Lan luôn rộng rãi đủ để cộng thêm cửa hàng tiện lợi và cả quán cà phê”, Marketing Manager của Café Amazon Việt Nam cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Café Amazon – chuỗi cà phê lớn Thái Lan thận trọng ở thị trường Việt Nam: Có 20 cửa hàng sau 2 năm, chưa tính Bắc tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO