Cadovimex, Bianfishco, Hùng Vương...: "Phất" nhanh nhờ xuất khẩu tôm cá, đứng đầu ngành rồi nhanh chóng lụn bại, lỗ cả nghìn tỷ, thậm chí nộp đơn phá sản

Huyền Trang | 15:40 15/10/2022

Nhiều doanh nghiệp thủy sản từng lọt vào top những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất hiện tại lại đang lâm vào thua lỗ với số lỗ lũy kế lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cadovimex, Bianfishco, Hùng Vương...: "Phất" nhanh nhờ xuất khẩu tôm cá, đứng đầu ngành rồi nhanh chóng lụn bại, lỗ cả nghìn tỷ, thậm chí nộp đơn phá sản

Mới đây, Cadovimex đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 và một trong những kế hoạch trong năm của công ty là hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản cho công ty.

Những năm 2012 – 2013, bên cạnh Minh Phú, Vĩnh Hoàn, khi nhắc đến xuất khẩu thủy sản người ta sẽ nhớ đến những cái tên như Agifish, Anvifish Cadovimex, Hùng Vương, Quốc Việt. Nhanh chóng mở rộng quy mô, trở thành những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất thời bấy giờ nhưng giờ đây những cái tên đó lại dần đi xuống, lỗ lũy kế lớn.

Cadovimex

Như trường hợp của Cadovimex, từng là 1 doanh nghiệp xuất khẩu tôm top đầu, nhưng tính đến 30/6/2022, công ty đang âm vốn chủ sở hữu 1.246 tỷ đồng, tổng tài sản chỉ còn vỏn vẹn 20 tỷ đồng.

Kể từ năm 2009 đến nay, chỉ có 3 năm 2013 – 2015 công ty có lãi nhưng chỉ lãi vài trăm triệu đến 1,2 tỷ đồng. Doanh thu của công ty từ mức hơn 1.200 tỷ đồng đến giờ chỉ còn vài chục tỷ đồng. Dù trải qua nhiều giai đoạn thay đổi lãnh đạo khác nhau nhưng Cadovimex vẫn không thể vực dậy được hoạt động sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều khó khăn từ những năm trước để lại.

Thủy sản Phương Nam

Đầu năm nay, Thủy sản Phương Nam đã nộp đơn lên tòa án để xin phá sản. Công ty Phương Nam từng là một trong 7 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn nhất nước. Sau khi ông Lâm Ngọc Khuân – người sáng lập kiêm chủ tịch công ty bỏ chạy để trốn nợ, Phương Nam được tái cơ cấu nhưng làm ăn không hiệu quả. Được biết, tổng nợ của Thủy sản Phương Nam khoảng 5.000 tỷ đồng.

Sau khi tái cơ cấu và bán tài sản để xử lý nợ cho các ngân hàng, Thủy sản Phương Nam còn nợ khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản còn lại của Thủy sản Phương Nam có giá trị không quá 150 tỷ đồng.

Năm 2019, Thủy sản Phương Nam âm VCSH 2.639 tỷ đồng.

Agifish

Agifish từng là 1 doanh nghiệp xuất khẩu lớn và là một trong những nhà chế biến và xuất khẩu cá tra, cá basa đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2013, doanh thu công ty đã chạm mốc 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2015, và bắt đầu lỗ lớn từ năm 2017.

Tính đến hết tháng 6/2022, khoản lỗ lũy kế của Agifish là hơn 859 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hiện đang vượt quá tài sản ngắn hạn 375 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 165 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong kỳ 6 tháng đầu năm tiếp tục lỗ gần 12 tỷ đồng. Nhiều nguyên nhân dẫn tới Agifish bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Năm 2020, Agifish đã bị huỷ niêm yết trên sàn HoSE và chuyển sang giao dịch trên sàn UpCOM vì nguyên nhân "tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp".

Lãnh đạo công ty từng lý giải nguyên nhân thua lỗ là do chính sách tín dụng của các ngân hàng thắt chặt, nguồn vốn Công ty bị thiếu hụt, không đủ đáp ứng cho các vùng nuôi nguyên liệu dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu nguyên liệu sản xuất, làm gia tăng giá thành dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Mặt khác, do không thể xuất vào thị trường Mỹ, phải chuyển sang thị trường khác dẫn đến các khoản nợ phải thu tăng cao, khó đòi buộc Công ty phải trích lập dự phòng với số tiền lớn.

Anvifish
Anvifish bắt đầu lỗ liên miên từ năm 2014. Trong năm đó, doanh thu công ty giảm chỉ còn 155 tỷ đồng do ảnh hưởng của việc áp thuế chống bán phá giá sản phẩm cá tra phi – lê của công ty vào Mỹ trong khi năm 2013 doanh thu công ty là 1.510 tỷ đồng, ngoài ra công ty lỗ sau thuế đến 913 tỷ đồng. Mức lỗ lớn qua các năm khiến cho đến 30/9/2020, công ty đã âm vốn chủ 1.961 tỷ đồng, tổng tài sản chỉ còn 54 tỷ đồng.

Cổ phiếu AVF đã bị hủy niêm yết và chuyển sang giao dịch trên sàn UpCOM với mức giá 900 đồng/CP.

Cũng trong năm 2014, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Anvifish lúc đó là ông Lưu Bách Thảo đã bán hết cổ phiếu sang Mỹ chữa bệnh, để lại công ty khi đó với khoản nợ 1.565 tỷ đồng, đến năm 2021, ông Thảo bị khởi tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thủy Hải Sản Sài Gòn APT

Còn Thủy Hải Sản Sài Gòn APT được thành lập từ năm 1976 và được chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty Nhà nước sang CTCP từ tháng 01 năm 2007. Kể từ năm 2008 đến nay, APT liên tiếp thua lỗ, tính đến 31/12/2021, lỗ lũy kế của APT là 1.077 tỷ đồng, âm vốn chủ 988 tỷ đồng, bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Tháng 6 năm nay, công ty đã nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh theo đơn kiện của Ngân hàng Sacombank yêu cầu thanh toán nợ. Theo báo cáo tài chính năm 2021, công ty vay Sacombank 103 tỷ đồng và 5.833 lượng vàng SJC từ năm 2009, thời hạn 12 tháng nhưng công ty chưa có khả năng trả nợ cho Ngân hàng.

Bianfishco

Bianfishco lúc trước bà Phạm Thị Diệu Hiền làm tổng giám đốc từng có vị trí quan trọng trong xuất khẩu thủy sản cả nước. Trong giai đoạn hoạt động ổn định, Bianfishco đạt doanh thu 100 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho hơn 5000 lao động.

Thế nhưng, năm 2011 và 7 tháng đầu năm 2012, Bianfishco gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng ngưng cung cấp tín dụng, quản trị điều hành doanh nghiệp yếu kém khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, công ty bị thua lỗ, nợ đọng ngân hàng và người dân bán cá. Trong năm 2011, Bianfishco lỗ tới 705 tỷ đồng.

Lúc đó, bà Diệu Hiền sang nước ngoài chữa bênh, ông Trần Hữu Trí – chồng bà Hiền lên điều hành công ty. Khi đó, ngân hàng SHB với việc sở hữu 50% cổ phần của Bianfishco đã phối hợp cùng Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng DATC (thuộc Bộ Tài chính), Bianfishco xây dựng phương án tái cấu trúc Bianfishco.

Thủy sản Hùng Vương

Từng nổi trội là ‘tay chơi’ M&A khét tiếng trên thị trường, việc chạy đua huy động vốn đã khiến Thủy sản Hùng Vương (HVG) lao đao. Khoảng thời gian từ 2007 - 2014 có thể nói là giai đoạn vàng của HVG khi doanh thu tăng liên tục từ 1.500 tỷ đồng lên 14.900 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2014 cũng đạt hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2015 (khi toàn ngành thủy sản gặp khủng hoảng), HVG bước vào sụt giảm. Sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao nên khi thị trường không thuận lợi, HVG lâm vào thua lỗ. Bị từ chối giãn nợ bởi nhà băng, HVG giai đoạn 2018-2019 liên tục bán đứt những công ty con, liên kết nhằm duy trì hoạt động.

Năm tài chính 2019, công ty lỗ 1.124 tỷ đồng, tổng số lỗ lũy kế là 1.489 tỷ đồng, tổng tài sản còn 8.025 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 916 tỷ đồng.

Thủy sản Quốc Việt

Công ty Thủy sản Quốc Việt được thành lập năm 1998 do ông Ngô Quốc Việt làm Tổng Giám đốc và Ngô Văn Nga là Chủ tịch HĐQT. Công ty hoạt động theo mô hình gia đình và kinh doanh chính trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Thủy sản Quốc Việt từng là một trong những "đại gia" trong ngành xuất khẩu tôm tại Cà Mau với vốn điều lệ lên đến 2.922 tỷ đồng nhưng sau đó việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong năm 2022, công ty lỗ đến 2.600 tỷ đồng.

Năm 2020, công ty này từng bị UBND tỉnh Cà Mau xử phạt vì chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2021, BIDV đấu giá bán khoản nợ 873 tỷ đồng của công ty.

Âu Vững 2 và Thiện Âu Vững

Còn Âu Vững 2 do bà Âu Ngọc Vững làm Tổng giám đốc, chịu khoản lỗ lớn năm 2020 là 1.131 tỷ đồng khiến công ty âm VCSH 652 tỷ đồng. Công ty cũng vướng vào kiện tụng với khu đất xây dựng nhà máy thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu. Công ty Thiện Âu Vững cũng do bà Vững làm đại diện pháp luật, năm 2020 cũng bất ngờ lỗ 893 tỷ đồng, âm VCSH 679 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Cadovimex, Bianfishco, Hùng Vương...: "Phất" nhanh nhờ xuất khẩu tôm cá, đứng đầu ngành rồi nhanh chóng lụn bại, lỗ cả nghìn tỷ, thậm chí nộp đơn phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO