Các doanh nghiệp đang phải trả lãi suất bao nhiêu để "đánh đổi" cho sự chấp nhận giãn nợ của trái chủ?

Huyền Trang | 10:40 14/03/2023

Theo luật Dân sự, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả.

Các doanh nghiệp đang phải trả lãi suất bao nhiêu để "đánh đổi" cho sự chấp nhận giãn nợ của trái chủ?

CTCP Tập đoàn Đua Fat (mã: DFF) vừa công bố thông tin về Nghị quyết người sở hữu trái phiếu ngày 2/3/2023 đã thông qua lộ trình cam kết thanh toán gốc lãi của trái phiếu mã DFFH2123001 kéo dài từ ngày 1/3 đến ngày 14/7/2023 (trễ hơn 4 tháng so với quy định).

Theo đó, mặc dù lô trái phiếu đã đáo hạn nhưng tính tới ngày 1/3/2023, Tập đoàn Đua Fat vẫn còn dư nợ trái phiếu là 89,52 tỷ đồng chưa thanh toán được cho trái chủ. Trong thời gian trả chậm từ 2/3 đến 14/7, Đua Fat phải trả lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất ban đầu là 17,625%/năm.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (mã: VC2) là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng bất động sản. Tại hội nghị người sở hữu trái phiếu năm 2023 diễn ra ngày 7/2, Người sở hữu trái phiếu đã thông qua Nghị quyết chậm trả gốc lãi lô trái phiếu VC2H2122001. Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 27/10/2021 giá trị phát hành 150 tỷ đồng, kỳ trả lãi 6 tháng một lần.

Nếu theo đúng lịch thì ngày 27/10/2022 vừa qua là Vina 2 phải thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Vina2 đã xin khất thêm một năm nữa tức là tới ngày 27/10/2023 Công ty sẽ thanh toán toàn bộ số tiền nợ phải trả bao gồm gốc 118,7 tỷ đồng và lãi phát sinh cho trái chủ với lãi quá hạn được xác định là 150% mức lãi suất đã công bố 11,5%, tương ứng 17,25% theo quy định và cam kết với người sở hữu trái phiếu.

Một trường hợp tăng lãi suất đặc biệt là Công ty BCG Energy thành viên của Bamboo Capital (mã: BCG). Công ty đã điều chỉnh tăng lãi suất áp dụng cho 2 lô trái phiếu mã EBCCH2124002 và EBCCH2124003 với lý do nhận thấy lãi suất thị trường đã tăng lên đáng kể trong năm 2022 và được dự báo sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng gia tăng trong thời gian tới, để đảm bảo lợi ích cho trái chủ, Công ty đã quyết định lấy ý kiến trái chủ để thay đổi lãi suất áp dụng đối với các kỳ tính lãi tiếp theo.

Cụ thể, lãi suất lô trái phiếu EBCCH2124002 sẽ tăng từ mức cố định 10%/năm lên 14%/năm trong giai đoạn từ 26/10/2022 đến 26/10/2024. Ở các kỳ tính lãi tiếp theo, mức lãi suất sẽ trở về 10%/năm. Lãi suất lô trái phiếu EBCCH2124003 cũng sẽ áp dụng mức 14%/năm với 2 kỳ tính lãi 24/11/2022 đến 24/11/2023. Ở các kỳ tính lãi tiếp theo, mức lãi suất sẽ trở về 10%/năm.

Được biết, 2 lô trái phiếu trên được phát hành giữa năm 2021, có quy mô tổng cộng 2.500 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Đến thời điểm hiện tại, BCG Energy đã thực hiện thanh toán đầy đủ các khoản tiền lãi trái phiếu phát sinh theo quy định.

Động thái này diễn ra chỉ ít ngày sau khi BCG Energy công bố đạt thỏa thuận lùi thời hạn thanh toán gốc của lô trái phiếu BONDBE/2019.01 phát hành riêng lẻ cho Hanwha Energy Corporation Singapore PTE LTD có tổng mệnh giá phát hành 115,75 tỷ đồng. Trái chủ đến từ Singapore đã đồng ý phần gốc của trái phiếu sẽ được thanh toán từng đợt và thời hạn thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu cuối cùng sẽ chuyển đến ngày 30/6/2023, thay vì ngày 5/9/2022 như ban đầu.

Ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BCG Energy cho biết “Bản chất việc thay đổi thời gian thanh toán gốc lô trái phiếu với Hanwha Energy là căn cứ theo nhu cầu và lợi ích của BCG Energy và đối tác chiến lược sau khi chúng tôi đồng thuận không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Việc thiếu thông tin đầy đủ về thỏa thuận này đã làm nảy sinh một số quan ngại không cần thiết về năng lực tài chính của BCG Energy. Hiện nay, tình hình hoạt động của BCG Energy vẫn đang diễn ra bình thường.”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các doanh nghiệp đang phải trả lãi suất bao nhiêu để "đánh đổi" cho sự chấp nhận giãn nợ của trái chủ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO