Bước ngoặt từ nhà máy thông minh đầu tiên ứng dụng 5G PMN tại Việt Nam

Trần Linh | 21:00 18/10/2023

Pegatron trở thành hình mẫu đầu tiên của nhà máy thông minh 4.0 tại Việt Nam sau khi hợp tác với Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) ứng dụng thành công công nghệ 5G dùng riêng.

Bước ngoặt từ nhà máy thông minh đầu tiên ứng dụng 5G PMN tại Việt Nam

Tháng 7/2023, Viettel Solutions đã thử nghiệm thành công mạng di động 5G dùng riêng (5G Private Mobile Network - 5G PMN) cho nhà máy Pegatron tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II. Đây là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hoá dựa trên kết nối của dịch vụ di dộng 5G PMN.

Còn Pegatron là tập đoàn chuyên nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử và viễn thông, quy mô nhân sự 150.000 người trên toàn cầu, doanh thu năm 2022 đạt 44,3 tỷ USD. Sản phẩm chính thuộc các lĩnh vực máy tính, thiết bị mạng, thiết bị smart home, thiết bị đầu cuối 5G, 5G ORAN,...

Sự khác biệt của nhà máy thông minh ứng dụng 5G PMN

5G PMN là giải pháp sử dụng sóng viễn thông công nghệ 5G cung cấp đa dạng dịch vụ kết nối trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống như thoại, tin nhắn, truyền dữ liệu…, công nghệ 5G có khả năng đáp ứng các yêu cầu của các dịch vụ mới như thực tế ảo/thực tế tăng cường (AR/VR), camera AI, cảm biến, các dịch vụ kết nối IoT/M2M...

Trong giai đoạn hợp tác thứ nhất, Viettel cung cấp băng tần mạng 5G dùng riêng đảm bảo đổ tải đủ 34 thiết bị với 5 ứng dụng tại nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử cho Pegatron. Trong đó, bao gồm ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường cho cuộc gọi video trên Public Cloud (điện toán đám mây công cộng); ứng dụng cho dây chuyền sản xuất (Assembly Station); Quản lý hoạt động kiểm thử sản phẩm; Giám sát, trực tiếp quá trình sản xuất…

5G PMN giúp cho việc điều khiển các thiết bị thông minh, rô bốt tự hành được vận hành trơn tru, bảo mật và tăng hiệu suất.

5G PMN có ưu điểm nổi bật là hỗ trợ đa kết nối Internet vạn vật công nghiệp với độ trễ thấp. Trong thử nghiệm tại nhà máy Pegatron Hải Phòng, mạng 5G có độ phủ đạt 99%, độ trễ dưới 1 ms, có thể ứng dụng tốt trong xe tự hành, robot sản xuất, tương tác AR... trong khi mạng Wi-Fi có độ trễ khoảng 4 ms và độ phủ chỉ đạt 65%. Khi triển khai trên một tầng của nhà máy rộng 250.000 m2, chi phí cho kết nối 5G thấp hơn 22% so với mạng riêng Wi-Fi.

Nhà máy thông minh ứng dụng 5G PMN có thể tối ưu tự động hoá thông minh trên dây chuyền sản xuất. Cụ thể, khi Viettel 5G PMN trở thành hạ tầng số kết nối các ứng dụng quản lý dây chuyền sản xuất tại nhà máy Pegatron Hải Phòng, công tác vận hành sản xuất với dữ liệu được cập nhật, theo dõi, cảnh báo theo thời gian thực đối với các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn sản phẩm, từ đó giúp kiểm soát, tối ưu hóa chi phí, quản lý điều hành.

Vận hành dây chuyền, quy trình trong nhà máy trở nên chính xác hơn thông qua việc livestream thời gian thực toàn quy trình, từ đó đảm bảo quy trình sản xuất theo chuẩn SOP (Quy trình thao tác chuẩn - Standard operating procedure), giảm tỉ lệ sản phẩm lỗi; Kiểm soát năng suất lao động của từng công nhân (số lượng sản phẩm, tỉ lệ lỗi, các KPI - viết tắt của Key performance indicator- đi kèm),... Đồng thời, công nhân mới có thể dễ dàng làm quen với quy trình thực hiện.

Hạ tầng Viettel 5G PMN tạo kết nối liền mạch cho ứng dụng quét mã vạch sản phẩm, kiểm soát thông tin và số lượng từng sản phẩm bao gồm lưu trữ và kiểm soát thông tin (mã vạch, serial, ...); Ứng dụng sử dụng hệ thống máy test sản phẩm chuyên dụng, giúp kiểm soát chất lượng và năng suất trên dây chuyền.

Đặc biệt, 5G PMN đảm bảo kết nối liền mạch cho Robot tự hành AGV (Automation Guided Vehicle). Những robot này được thiết kế chuyên dụng trong nhà máy, với chức năng vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu mà không cần đến sự can thiệp của nhân công. Mạng di động dùng riêng 5G PMN sẽ đảm bảo kết nối liền mạch cho Robot kể cả lúc đang di chuyển, giúp nhà máy giảm chi phí nhân công, tuyệt đối an toàn trong các môi trường mà con người không thể tiếp cận, hoạt động liên tục 24/7, có độ chính xác cao

Trong nhà máy thông minh được vận hành với 5G PMN, việc xử lý sự cố có thể được điều khiển từ xa, giúp giảm chi phí và thời gian đi lại của chuyên gia, công nhân nhà máy.

Một sự khác biệt nổi bật trong nhà máy thông minh dùng 5G PMN là ứng dụng trong đào tạo từ xa, hỗ trợ kết nối video call và hiển thị trực tiếp các hướng dẫn trên ứng dụng của kính hoặc nhận chỉ dẫn từ xa của chuyên gia cho việc triển khai và xử lý sự cố trực tiếp trên thiết bị, dây chuyền thực tế, giúp giảm chi phí và thời gian đi lại của chuyên gia, công nhân nhà máy.

Viettel 5G PMN cũng đảm bảo giám sát nhà máy theo thời gian thực tại khu vực sản xuất và khu ra vào, tự động nhận diện khuôn mặt, nhận điện đám cháy, khói, khu vực cấm, khu vực không được để hàng, qua đó giám sát môi trường làm việc và hoạt động ra vào của nhân viên, nhằm nhận dạng các trường hợp vi phạm hoặc các nguy cơ mất an toàn tại nhà máy thông minh.

5G PMN kết nối thiết bị sử dụng công nghệ xử lý ảnh AI nhằm nhận diện khuôn mặt phục vụ cho chấm công nhân viên.

Tóm lại, nhờ 5G PMN, hệ sinh thái phát triển nhà máy thông minh được hoàn thiện. Ông Chen Chi-Liang – Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam chia sẻ, Pegatron tin tưởng vào công nghệ mà Viettel có thể đáp ứng cho nhà máy thông minh, Pegatron ứng dụng công nghệ 5G PMN làm nòng cốt, kết hợp máy chủ điện toán biên và ứng dụng phần mềm AI do Tập đoàn Pegatron tự nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong nhiều năm để hình thành tam giác phần mềm, phần cứng và công nghệ.

Hệ thống 5G PMN mà Viettel cung cấp cho Pegatron triển khai trong nhà máy thông minh không chỉ nâng cấp đường truyền mạng mà còn kết hợp các ứng dụng AI để giải quyết vấn đề trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu năng hoạt động và quản lý thời gian.

Từ đó, Pegatron có thể giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đồng thời có thể kiểm soát tốt các quy trình nhờ thu thập thông tin, dữ liệu chi tiết theo thời gian thực, cải thiện môi trường làm việc, giảm tai nạn lao động…

Mở ra những nhà máy thông minh khắp Việt Nam

Nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng 5G PMN đặt tại thành phố Hải Phòng – vốn là thành phố tập trung nhiều nhà máy, cảng biển lớn. Thành công tại nhà máy này, công nghệ từ Pegatron và Viettel sẽ có cơ hội đồng hành cùng các doanh nghiệp lớn khác để thông minh hóa mạng lưới của các nhà máy, nâng cao năng suất lao động của thành phố.

Pegatron là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam thử nghiệm thành công ứng dụng 5G PMN của Viettel.

Ông Hoàng Minh Cường Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng cho biết, đối với Hải Phòng dịch vụ 5G cho công nghiệp là dịch vụ có tầm quan trọng sống còn. Hạ tầng số là một trong những điểm cần phải được đầu tư trước để tạo ra những lợi thế thu hút đầu tư.

Việc Viettel triển khai thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng (5G PMN) cũng như các ứng dụng thông minh cho nhà máy Pegatron Hải Phòng đã góp phần hiện thực hoá chiến lược xây dựng thành phố thông minh của Hải Phòng

“Các doanh nghiệp qua thử nghiệm cũng tạo ra các bài toán chung để áp dụng mô hình này cho doanh nghiệp khác, nhà máy khác. Tôi hy vọng sẽ nhân rộng nhiều nhà máy thông minh ở Hải Phòng để thu hút thêm doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất thông minh” – Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng nói.

Không dừng lại ở phạm vi một thành phố. Dự kiến năm 2024, Viettel Solutions và Pegatron chính thức đưa 5G PMN Made in Vietnam triển khai cho nhà máy Pegatron tại Mỹ.

“5G PMN tại nhà máy của Pegatron đánh dấu bước đầu hợp tác của Pegatron và Viettel để mở rộng dịch vụ tới tất cả các doanh nghiệp nội địa trong nhiều lĩnh vực, không chỉ áp dụng cho nhà máy sản xuất mà hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý thông minh 5G PMN trong nhiều lĩnh vực như bệnh viện, Trung tâm mua sắm, sân bay, bến cảng” – ông Chen Chi-Liang nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bước ngoặt từ nhà máy thông minh đầu tiên ứng dụng 5G PMN tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO