Bức tranh lợi nhuận tương phản tại 2 công ty năng lượng tái tạo của đại gia kín tiếng ở Ninh Thuận

Mạnh Đại | 14:26 26/04/2024

Cùng là công ty năng lượng tái tạo của đại gia kín tiếng Ninh Thuận nhưng Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận và Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận lại có những gam màu tương phản.

Bức tranh lợi nhuận tương phản tại 2 công ty năng lượng tái tạo của đại gia kín tiếng ở Ninh Thuận
Hai công ty năng lượng tái tạo của đại gia kín tiếng Ninh Thuận có bức tránh lợi nhuận tương phản.

Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo báo cáo, năm qua Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát, báo lỗ 241,8 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với năm 2022 (lỗ 106 tỷ đồng). Đây là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp năng lượng tái tạo này từ trước tới nay.

Về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận là 880 tỷ đồng, giảm 21,6% so với hồi đầu năm (1.122 tỷ đồng).

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,38 lần lên 2,93 lần, so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm mạnh, lên trên thực tế nợ phải trả của doanh nghiệp giảm gần 100 tỷ đồng, xuống 2.578 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ trái phiếu của Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận là 2.080 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm tài chính 2021, Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận báo lỗ sau thuế 22,7 tỷ đồng.

Như vậy, trong 3 năm liên tiếp Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận đã lỗ lũy kế hơn 370 tỷ đồng.

cong-nghiep-nang-luong-ninh-thuan.jpg
Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận báo lỗ triền miền.

Theo dữ liệu từ HNX, vào ngày 25/12/2020, doanh nghiệp này đã phát hành lô trái phiếu TT.BOND.2020, với khối lượng 2,2 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng 2.200 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm, lãi suất 10,75%/năm.

Trong năm 2022 và năm 2023 doanh nghiệp này đã 4 lần thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn mỗi lần 30.000 trái phiếu (tổng 120.000 trái phiếu), tương ứng 30 tỷ đồng. Hiện dư nợ trái phiếu của lô trái phiếu TT.BOND.2020 là 2.080.000 trái phiếu, tương ứng giá trị 2.080 tỷ đồng.

Dù kinh doanh bết bát, báo lỗ triền miên nhưng trong năm 2023, Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận đã thanh toán (chậm 4 ngày với lý do “chưa thu xếp kịp nguồn”) gần 150 tỷ đồng lãi cho lô trái phiếu TT.BOND.2020 đang lưu hành.

Được biết, Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận được thành lập vào tháng 02/2017, có trụ sở chính tại TM 18-49, Khu K1, đường Chu Mạnh Trinh, P.Thanh Sơn, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ 1.232,1 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hà.

Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3, nhà máy điện mặt trời Phước Ninh. Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 nằm tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 100 MWp. Trong khi Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3 nằm tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có công suất 50MWp. Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh nằm tại xã Phước Ninh và Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 45MWp.

Ngoài ra, ông Lê Mạnh Hà còn là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận (Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận).

Trái ngược với bức tranh kinh doanh ảm đảm, thua lỗ triền miên của Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, thì công ty năng lượng tái tạo còn lại của đại gia kín tiếng Ninh Thuận này là Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng theo lần mỗi năm.

Cụ thể, Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm qua, báo lãi sau thuế 19,4 tỷ đồng, tăng gần 4,4 lần so với năm 2022 (4,4 tỷ đồng).

Về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, tính đến thời điểm cuối năm 2023 vốn chủ sở hữu tăng 3,3% so với đầu năm, lên 612,7 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,38 lần (tương ứng 1.412 tỷ đồng) hồi đầu năm, lên 2,86 lần (tương ứng 1.752 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023.

Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp tăng từ 1.290 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 1.531,7 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023.

dau-tu-va-phat-trien-nang-luong-ninh-thuan(1).jpg
Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm qua.

Theo dữ liệu trên HNX, vào ngày 30/12/2020, Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận đã phát hành lô trái phiếu mã TT.14.BOND.2020 với khối lượng 1,35 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá là 1.350 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 15 năm, đáo hạn vào ngày 30/12/2035 với lãi suất 10,1%/năm.

Từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này đã 3 lần mua lại trước hạn một phần của lô trái phiếu TT.14.BOND.2020 với tổng 100.000 trái phiếu, tương ứng 100 tỷ đồng, giảm tổng giá trị còn lưu hành của lô trái phiếu xuống 1.250 tỷ đồng.

Lần gần đây nhất là vào ngày 02/01/2024, Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận đã mua lại thêm trái phiếu trước hạn 50.000 trái phiếu, tương ứng 50 tỷ đồng. Như vậy, hiện giá trị lưu hành của lô trái phiếu TT.14.BOND.2020 là 1.200 tỷ đồng.

nha-may-dien-mat-troi-thien-tan-1.4(1).jpeg
Dự án nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.4 do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận là chủ đầu tư.

Được biết, Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận được thành lập vào tháng 12/2017, có trụ sở chính đặt tại đường Đoàn Khuê, Khu đô thị mới Đông Bắc (khu K1), phường Thanh Sơn, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ hơn 581,4 tỷ đồng.

Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.4 tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc với sản lượng điện đạt 156 triệu KWh/năm.

Như vậy, có thể thấy dù bức tranh lợi nhuận của 2 công ty năng lượng tái tạo của đại gia kín tiếng Ninh Thuận tương phản mạnh. Tuy nhiên, điểm chung của cả 2 công ty này là có dư nợ trái phiếu chiếm phần lớn dư nợ phải trả của doanh nghiệp, ở mức trên 80%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bức tranh lợi nhuận tương phản tại 2 công ty năng lượng tái tạo của đại gia kín tiếng ở Ninh Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO