Thu hồi 4.000 bình thủy tinh, dành 1 tấn rác pizza nuôi lợn, gà, 7 tấn rác thực phẩm làm phân ủ
Những số liệu trên được đưa ra trong báo cáo bền vững 2023 của Pizza 4P’s - chuỗi pizza có 34 nhà hàng tại Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Cơ sở Bình Dương là một trong 3 nhà hàng được chuỗi này giới thiệu là “nhà hàng không rác” (No Waste), với tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải lên tới 73%, tương đương gần 21 tấn trong năm 2023.
Hơn 40 tấn rác thải đồ ăn thay vì bị thải ra môi trường thì được phân loại như bột nhào pizza dùng nuôi lợn, rác từ pizza để nuôi gà, rau nuôi cá rô phi, rác thải đồ ăn dành nuôi ruồi lính đen tại Việt Nam và Campuchia, rác đồ ăn dư còn lại để ủ phân… Pizza 4P’s đang lên kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2050.
Chuỗi pizza này là case điển hình mà ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đưa ra để giải đáp cho câu hỏi “Phải chăng chỉ những công ty lớn mới có đủ khả năng phát triển bền vững”.
“Tôi hoàn toàn đồng ý không phải ai cũng đến ăn Pizza 4P’s chỉ vì họ phát triển bền vững, tất nhiên đồ ăn cũng phải ngon nữa. Đó là câu chuyện thành công đáng ngưỡng mộ mà phát triển bền vững là một trong những yếu tố đóng góp”, ông Binu nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) 2024.
“Hai mặt của một đồng xu” và bài toán đau đầu của đồng Chủ tịch VBCSD: Vì đâu doanh nghiệp ngại phát triển bền vững?
Ở cương vị đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), ông Binu đặt câu hỏi “Tại sao nhiều doanh nhân vẫn còn e ngại câu chuyện phát triển bền vững?”.
Ông nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài lẫn doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi phát triển bền vững như trách nhiệm xã hội, không phải hoạt động kinh doanh cốt lõi, và không tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc Nestlé ví von quan điểm này như hai mặt của một đồng xu: Một mặt là phát triển bền vững, mặt còn lại là lợi nhuận.
“Chúng tôi không cho rằng phát triển bền vững lại tính thành chi phí. Chúng tôi tin nếu phát triển tốt, nó sẽ thành động lực phát triển cho doanh nghiệp”, ông Binu nói.
Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam phân tích, lý do các doanh nghiệp tồn tại là nhờ khách hàng và người tiêu dùng. Trong khi đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm mang tính bền vững.
Báo cáo toàn cầu về phát triển bền vững cho biết 97% người tiêu dùng muốn theo đuổi lối sống xanh, dù chỉ 17% người thực hiện được. Tại Việt Nam, 29% người tiêu dùng đánh giá cao tính phát triển bền vững, nhưng chưa đưa ra lựa chọn về sản phẩm.
Ông Binu nhìn nhận số liệu này là tốt, là cơ hội để doanh nghiệp thu hút người dùng. Năm 2020, Nestlé chạy chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” với sản phẩm thức uống Milo, bất chấp nguyên liệu giấy thay thế giá cao 2,5 lần.
Kết quả của chiến dịch trên là 1,5 tỷ ống hút nhựa được thay bằng ống hút giấy, tương đương giảm 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Một chiến dịch thành công khác của Nestlé là chiến dịch thực tập sinh “siu thực”, thu hút ứng viên tới thăm các nông trại canh tác cà phê, hướng tới việc kết nối canh tác bền vững với lối sống của người tiêu dùng.
Trong 2 tuần, chiến dịch thu hút 20.000 lượt đăng ký. Video quảng cáo hút 16 triệu lượt xem, 18% trong số đó là người sử dụng sản phẩm Nescafé.
“Tỷ lệ quan tâm rất cao. Nescafé đạt tăng trưởng thương hiệu lớn chưa từng thấy”, Tổng Giám đốc Nestlé cho biết.
“Phát triển bền vững và lợi nhuận không phải hai mặt của một đồng xu, mà là hai vế của một phương trình. Một phương trình không thể cân bằng được nếu thiếu một vế. Khi các bạn phát triển bền vững, các bạn cũng có thể có lợi nhuận. Nếu công ty nào không theo đuổi phát triển bền vững có thể sẽ không tồn tại được”.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD – nhìn nhận khi thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ đảm bảo được giấy phép kinh doanh (business license), kế hoạch kinh doanh liên tục (business continuity plan), nâng cao uy tín thương hiệu, từ đó đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho chính doanh nghiệp.
Nhìn rộng hơn, sau siêu bão Yagi, có thể ngày càng có nhiều cơn bão khủng khiếp hơn khi các đại dương nóng lên bởi biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.
“Mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và tiến Net Zero vào 2050 là điều cần phải thực hiện, đó là câu chuyện sát sườn với tất cả quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Net Zero 2050 không hề là một mục tiêu đặt ra cho có, mà ngược lại rất cấp bách và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để có thể hiện thực hóa bởi 25 năm không hề dài”, ông Vinh nói.