Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp

Lê Sáng | 08:42 03/02/2023

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Chi cho biết trong tuần tới sẽ có thể trình Chính phủ bộ hồ sơ hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp trong tuần tới.

Nhiều kỳ vọng vào quy định mới

Tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, trả lời câu hỏi về tiến độ hoàn thiện, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Chi cho biết dự kiến sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới.

Ông Chi cho biết thêm, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, xin ý kiến các bộ ngành, các tổ chức, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Chi hiện Bộ đã tổng hợp và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ.

Với tiến độ như trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Chi kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua những nội dung Nghị định mới để thích ứng với tình hình thực tế, củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cân nhắc đa chiều các tác động

Trước đó, liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tháng 9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Nghị định này đã sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Mục đích phát hành trái phiếu gồm để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 65, doanh nghiệp cũng phải nêu cụ thể mục đích phát hành trong phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải bảo đảm đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư…

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng thì Nghị định 65 dường như đang quy định theo hướng thắt chặt quá đột ngột, chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm… Do đó, nếu không chỉnh sửa kịp thời thì trong năm 2023, các doanh nghiệp sẽ rất khó phát hành trái phiếu.

Về bối cảnh thị trường vốn nói chung cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay nói riêng, TS. Đinh Thế Hiển nhận định các năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, số lượng trái phiếu đã phát hành rất lớn và sẽ đáo hạn vào năm 2023, 2024 và cả 2025 với một số tiền lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đa số các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vấn đề trong việc đáo hạn. Trong khi số vốn mà các doanh nghiệp có được khi phát hành trái phiếu lại đang nằm trong các dự án bất động sản đang triển khai và các sản phẩm chưa bán ra được để thu hồi trả nợ.

Do đó, TS. Hiển cho rằng việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.

Dẫn chứng cụ thể về trường hợp quy định tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp được xác định theo Nghị định 65, theo ông Hiển, hiện nay, có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu theo Nghị định 65, họ sẽ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chính vì vậy, có thể xem xét đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp để dọn đường cho việc gia hạn/giãn nợ; tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ.

Liên quan đến trường hợp của những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, TS. Hiển cho rằng, Bộ Tài chính nên có quy định về việc ưu tiên thanh toán cho những nhà đầu tư có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ 300 đến 500 triệu đồng. Theo ông Hiển, đây hầu hết là những người hưu trí, làm công ăn lương do lầm tưởng, thiếu hiểu biết về trái phiếu doanh nghiệp mà đầu tư và là đối tượng dễ tổn thương nhất.


(0) Bình luận
Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO