Ngày 01/06/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã công bố nghị quyết HĐQT về việc bổ nhiệm ông Lê Văn Nam giữ chức vụ Tổng Giám đốc sau thời gian vị trí này bị bỏ trống. Đây là một quyết định mang ý nghĩa quyết định tới cả con đường tương lai mà Hòa Bình đang hướng tới.
Tập đoàn Hòa Bình cũng vừa có những chia sẻ ban đầu về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.
Theo đó, vài năm trở lại đây do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khách quan của thị trường ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung, Tập đoàn Hòa Bình cũng không nằm ngoài bối cảnh chung.
Có thể nói nhân sự là yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của những “thủ lĩnh”. Vai trò của người thủ lĩnh được nhìn nhận thông qua việc dẫn dắt hành động cho tổ chức, doanh nghiệp. Người thủ lĩnh cần có quyết định kịp thời, tâm huyết, khả năng thuyết phục, dành thời gian, huy động được nguồn lực bên trong và bên ngoài. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết đã luôn chú trọng trong việc lựa chọn những người đủ đức và đủ tài, đủ tâm huyết để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm thực thi sứ mệnh trên mọi chặng đường.
Ông Lê Văn Nam là người được lựa chọn cho vị trí Tổng giám đốc. Ông Nam là con người của hành động, không ngại gian khổ, luôn trong tâm thế sẵn sàng đối diện với những thách thức. Ông quyết định trở về tiếp tục gắn bó với Hòa Bình bởi sau một thời gian trải nghiệm nhiều nơi, ông nhận thấy chỉ có ở Hòa Bình mới là môi trường phù hợp với mình, đó là một doanh nghiệp rất tử tế, giàu tính nhân văn và đáng để ông cống hiến trí tuệ, tâm huyết và thậm chí là cả những tài sản cá nhân của mình để tăng thêm năng lực tài chính cho Hòa Bình, khắc phục mặt hạn chế của Hòa Bình trong ngắn hạn.
Ông Lê Văn Nam sinh năm 1976, thường trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Từ năm 2001 đến năm 2004, ông Nam bắt đầu công tác tại Hòa Bình với vị trí giám sát và chỉ huy phó. Từ năm 2004 đến năm 2010, ông giữ chức chỉ huy trưởng và giám đốc những dự án tiêu biểu của Hòa Bình, như: Chung cư Phú Mỹ, Vincom Tower B, Sunrise City, Era Town, M&C Tower.
Từ năm 2011 đến tháng 9/2014, ông Lê Văn Nam tham gia quản lý dự án của Hòa Bình tại Malaysia bao gồm Le Yuan Residence, Desa Green. Tháng 10/2014, ông trở về Việt Nam và đảm nhận chức vụ phó tổng giám đốc của Hòa Bình tại khu vực miền Bắc.
Tháng 7/2019 cho tới trước ngày được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc của Hòa Bình là quãng thời gian ông Nam trải nghiệm ở các vị trí và nơi làm việc khác. Đó cũng là thời gian để ông học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ở bên ngoài để trưởng thành hơn.
Ngay khi trở lại Hòa Bình và đảm nhiệm vị trí đứng đầu Ban Điều hành trong điều kiện muôn vàn khó khăn, ông Nam đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua khó khăn thách thức. Với ông, khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời, khi sóng gió qua đi Hòa Bình sẽ tiếp tục vững vàng phát triển.
Tái cấu trúc toàn diện là yêu cầu cấp thiết
Tân Tổng Giám đốc của Hòa Bình cho rằng tái cấu trúc toàn diện Hòa Bình lúc này là một việc hết sức cấp bách và cần thiết. Hành trình "lột xác" sẽ bắt đầu tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng để giúp Hòa Bình vượt qua cơn bão dữ và trở lại vị thế số 1 của ngành xây dựng Việt Nam trong thời gian tới.
Tái cấu trúc tài chính là ưu tiên hàng đầu của Hòa Bình trong lúc này. Đó là việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình. Bên cạnh đó là công tác tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới và định giá lại tài sản của công ty.
Việc tiến hành định giá tài sản mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại và khẳng định giá trị còn cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán. Hiện nay các máy móc thiết bị này vẫn được khai thác thêm rất nhiều năm nữa.
Theo báo cáo tài chính ngày 31/3/2023 tổng đầu tư máy móc thiết bị của Hòa Bình là 2.189 tỷ đồng, trên sổ sách đã khấu hao 1.344 tỷ đồng. Giá trị còn lại là 845 tỷ đồng. Hiện giá trị đã khấu hao 1.344 tỷ đồng bao gồm rất nhiều máy móc thiết bị vẫn còn giá trị sử dụng cao nhưng trong sổ sách ghi nhận giá trị bằng 0 do đã quá 8 năm sử dụng. Trong khi đó so với thời giá nếu mua mới những thiết bị đó, do trượt giá sẽ cao hơn từ 30 – 60%.
Ngày 17/6/2023, HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Tập đoàn) cho nhà đầu tư Ashita Group mua lại một phần số máy móc thiết bị trên với giá 1.100 tỷ đồng. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc Hòa Bình bổ sung thêm 1.100 tỷ đồng nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP.HCM mua từ nhiều năm trước cũng sẽ được định gía lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế chắc chắn sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu cho Hòa Bình.
Tái cấu trúc hệ thống quản lý, tăng cường quản trị rủi ro cũng được tiến hành đồng thời cùng lúc với tài chính. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hệ thống quản lý, cắt bỏ những khâu trung gian không cần thiết trên tinh thần tinh gọn bộ máy quản lý và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó Hòa Bình sẽ tập trung mạnh vào công tác quản trị rủi ro để phát triển bền vững.
Ông Nam còn cho biết Hòa Bình chỉ giữ lại các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tiếp tục đầu tư cho công ty đó phát triển tiến đến mục tiêu IPO để mời gọi nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sở hữu cổ phần, tăng tài sản cho những công ty này cũng như tăng tài sản cho Tập đoàn. Còn công ty nào hoạt động không hiệu quả và không còn phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn trong tương lai thì sẽ thoái vốn và có thể giải thể.
Với chiến lược này, không chỉ quản trị tốt dòng tiền của Tập đoàn mà còn là chất xúc tác để các công ty thành viên phải chủ động trong quản lý tài chính, đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp và uy tín. Ngoài ra, sẽ chuyển bộ phận tài chính của tất cả các công ty thành viên về Ban tài chính của Tập đoàn để quản lý tài chính tập trung và tăng cường quản trị rủi ro.
Song song với tái cấu trúc tài chính và hệ thống quản lý, Hòa Bình còn quyết liệt thực hiện tái cấu trúc sản phẩm và thị trường với tiêu chí là nâng cao chất lượng doanh thu dựa trên đánh giá năng lực tài chính của các chủ đầu tư và tính khả thi dự án. Đồng thời với việc củng cố thị trường trong nước, ông Nam còn khẳng định hoàn toàn ủng hộ chiến lược phát triển thị trường nước ngoài, một thị trường chiến lược giúp cho Hòa Bình vừa tăng chất lượng doanh thu vừa tăng tỷ lệ lợi nhuận.