“Con không về Mỹ nữa, sẽ ở lại Việt Nam cùng bố phát triển khu nghỉ dưỡng. Đồ đạc con cũng mang về hết rồi”, Lộc đã nói với bố như vậy vào ngày hôm trước khi bố đưa em ra sân bay. Dĩ nhiên là bố rất sốc, ngơ ngác nhìn con trai, thậm chí có chút “quạu”. Nhưng cuối cùng, chú Kiên – bố của Lộc thấy quyết định tại thời điểm đó là hợp lý và vui vẻ ủng hộ lựa chọn của con.
Lê Xuân Lộc (SN 2000) từng đi du học từ năm lớp 12, nhận học bổng hơn 4 tỷ đồng chuyên ngành Kinh tế - Tâm lý học tại trường Đại học Lawrence (Mỹ). Nhưng em không ở Mỹ sau khi tốt nghiệp mà về Việt Nam gây dựng sự nghiệp cùng bố. Em về nước vào tháng 4/2022, mặc kệ lời can ngăn của mọi người, kiên quyết đi theo lựa chọn riêng.
Hiện tại Lộc cùng bố và em gái Trà My sinh sống tại huyện Lương Sơn (Hoà Bình), quản lý khu du lịch nghỉ dưỡng mới đi vào hoạt được được một năm.
Trăn trở nhiều đêm khi thấy bố “khóc lên, khóc xuống”….
Lộc có hơn 4 năm học tập và làm việc ở Mỹ, nửa năm sinh sống tại Luân Đôn (Anh). Tại Mỹ, Lộc có công việc theo đúng chuyên ngành em học. Công việc mang đến cho em thu nhập 7.000 – 10.000 USD/tháng (từ 164 – 234 triệu đồng/tháng). Mức thu dư dả giúp em có một cuộc sống sung túc. Hơn thế, Lộc còn có nhiều cơ hội việc làm rộng mở.
Thế nhưng, Lộc vẫn âm thầm lựa chọn về nước để phát triển công việc kinh doanh của gia đình. Thực ra, Lộc đã có ý định này có từ lâu, ngay khi em mới đi du học năm lớp 12. Nhưng khi ấy, Lộc chỉ nghĩ đơn giản là du học xong sẽ về nước làm việc cùng bố, còn định hướng cụ thể chưa có. Em không hề biết mình sẽ kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ nào cụ thể.
COVID-19 đến bất ngờ, chú Kiên - bố của Lộc nảy ra ý định xây dựng khu nghỉ dưỡng để khai thác du lịch. Chú Kiên bắt đầu hành trình đi khắp nơi thu nhặt vật liệu. Đó là những chiếc cột gỗ từng để trồng hồ tiêu từ Gia Lai, thanh tà vẹt ở cầu Long Biên, một vài nhịp cầu cổ của làng Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Trong khu nhà toàn đồ “đồng nát” nhặt về để tái chế. Có người còn tưởng bố Lộc bị điên vì mang về những thứ ba lăng nhăng, cũng vì thế mà biệt danh “ông bố điên” ra đời. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa sẽ thấy việc làm này giải quyết bài toán kinh tế xây dựng và tạo nên chất cảm xúc, màu thời gian cho mỗi khu vực trong khu nghỉ dưỡng.
Nhiều người phản đối bố của Lộc, trong đó có cả những người thân yêu nhất. Họ không tin tưởng chú Kiên, coi chú là người thất bại vì chú từng có quá khứ không hoàn hảo.
Thấy bố vật lộn trước đống vật liệu, ngày ngày phải đi nhặt từng chút về xây, Lộc rất thương bố. Lộc nghẹn lòng khi thấy bố tự tay làm tất cả, không được ai hỗ trợ. Không vốn, không kiến thức xây dựng, không nhận được sự ủng hộ khiến chú Kiên vô cùng vất vả, tủi thân.
Lộc tâm sự: “Là một người con ở xa nhà, thấy bố khóc lên khóc xuống trong quá trình xây dựng nên em rất thương. Chính vì vậy, em nung nấu quyết tâm sớm học xong về nước để phụ giúp bố, để bố bớt cô đơn.
Một phần nữa là em muốn hỗ trợ em gái. Trà My – em gái em lúc ấy học cấp 3, phải sống ở 1 mình ở Hà Nội, không được ai chăm sóc. Bố mẹ em đã thôi sống cùng nhau từ lâu, hiện mẹ em ở Nha Trang. Thấy em gái thiệt thòi nên em muốn bù đắp cho My”.
Giữa tháng 4/2022, Lộc về nước, em thông báo với bố nghỉ giữa học kỳ, chứ bố không biết cậu con trai đã mang hết đồ đạc về Việt Nam. Đến ngày quay lại Mỹ tiếp tục chương trình học, bố nhắc nhở Lộc chuẩn bị hành lý ra sân bay sớm thì nhận được câu trả lời hài hước: “Ơ bay đi đâu nữa bố, con sẽ ở lại đây”. Lộc đã khiến bố “tròn xoe mắt”, không nói lên lời.
Cứ ngỡ bố sẽ cáu giận và mắng em một trận té tát. Nhưng không, chú Kiên thấy quyết định của con trai khá hợp lý và đã vui vẻ ủng hộ. Thời điểm đó, Lộc vẫn chưa hoàn tất chương trình học, sau đó em phải hoàn thành nốt qua hình thức online.
Còn mẹ em đã rất lo lắng, thời gian đầu phản đối vì chưa tin vào mô hình kinh doanh. Mẹ tiếc Lộc vì đã từ bỏ cơ hội làm việc tốt ở nước ngoài. Người thân, bạn bè cũng khuyên em không nên về nước, nên ở lại Mỹ một thời gian để có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Nhưng Lộc vẫn làm theo những gì trái tim mách bảo. Lần “tiền trảm hậu tấu” đó khiến Lộc hú hồn.
Gần như làm việc không lương, có ngày trong túi chẳng đủ tiền mua bát phở
Nala Boutique Retreat là khu nghỉ dưỡng của gia đình Lộc, được khởi công xây dựng từ năm 2020, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2022. Khu nghỉ dưỡng gồm 9 hạng phòng: Nhà Cổ, Phu Thê 1, Phu Thê 2, Bungalow, Ngọa Long Am, Lầu Cô Cô, Lương Sơn Tụ Nghĩa Đường, Phụ Mẫu, Hòn Nữ. Trong đó, Phu Thê 2 lấy ý tưởng từ người vợ đầu của chú Kiên, Phu Thê 1 dành cho người vợ hiện tại, Ngọa Long Am dành cho con trai, Lầu Cô Cô dành cho con gái, còn Lương Sơn Tụ Nghĩa Đường dành cho bạn bè. Đó là điều đặc biệt của Nala khi được thiết kế và xây dựng dựa trên tình yêu gia đình.
Lộc tâm sự, về cái tên Nala cho khu nghỉ dưỡng cũng có nguồn gốc sâu xa, từ một câu chuyện cảm động. Năm 2019, Lộc về nước thăm gia đình, câu đầu tiên mà bố nói với em là: “Lộc ơi, bố bị nghiện thuốc phiện, từ ngày mai phải vào trại cai”. Đây là cú sốc lớn đối với cả gia đình. Và sau đó, Lộc đã viết một lá thư phân tích bộ phim Vua Sư Tử mà em xem khi còn nhỏ để gửi tới bố.
Chuyện kể về chú sư tử Simba sau khi bị đuổi ra khỏi vương quốc của mình đã có một thời gian ham chơi, lêu lổng, sống không có trách nhiệm. Sau này, Simba gặp lại Nala – người bạn từ thuở ấu thơ. Nala đã giúp Simba nhận ra trách nhiệm, sứ mệnh của mình là phải sớm quay về giải cứu vương quốc. Nala đã giúp đỡ Simba thức tỉnh, đó cũng giống câu chuyện của bố Lộc.
Khi cai nghiện thành công, bố Lộc quyết định xây dựng Nala để tìm lại ý nghĩa cuộc đời mình và gắn kết các thành viên, xóa tan mâu thuẫn gia đình trước đây. Không chỉ đơn thuần tái sinh nhưng vật liệu cũ kỹ, bố của Lộc đang thực hiện hành trình tái sinh cuộc đời mình. Và Lộc muốn giúp bố làm điều đó.
Thời gian đầu bắt tay vào công việc có muôn vàn khó khăn, thách thức. Cả 2 bố con đều nghĩ xây dựng là công đoạn khó khăn nhất thì đã qua, giờ mọi thứ có thể hoạt động trơn tru. Nhưng khi bắt đầu vận hành vào tháng 6/2022, Lộc nhận thấy càng làm càng phát sinh nhiều vấn đề. Vì không có kinh nghiệm trong việc quy hoạch nên khi vận hành có nhiều bất cập như: Không có chỗ cho xe điện, xe đẩy hoạt động; không có khu bếp ăn tập trung khiến nhân viên vất vả khi phục vụ.
Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề như: Đào tạo nhân sự, kế hoạch marketing online, set-up bếp ăn uống,... Bài toán khó nhất là thu hút khách du lịch.
Cậu chủ Nala tâm sự: “Thời điểm khủng hoảng nhất là ra đường không dám ăn bát phở vì không có tiền. Khu nghỉ dưỡng lúc ấy phải siết chặt nhân sự, tối ưu chi phí marketing để giảm phí vận hành. Tính đến thời điểm hiện tại, 3 bố con vẫn làm không lương. Cũng có những lúc bố em chán nản ra mặt, em phải động viên bố cố gắng.
Động viên bố là vậy nhưng lúc ở một mình, trong em cũng xuất hiện cảm xúc tiêu cực. Em từng trăn trở không biết lựa chọn về Việt Nam phát triển Nala có đúng đắn không. Nếu công việc ở Mỹ kiếm 7.000 – 10.000 USD/tháng thì giờ mỗi năm kiếm được 10.000 USD là em đã thấy mừng rồi. Bạn bè, người thân hỏi thu nhập mà em còn ngại không dám tiết lộ, đành lờ đi”.
Nhưng chỉ để nỗi buồn, sự băn khoăn lướt qua, Lộc phải nhanh chóng sốc lại tinh thần. Em cố gắng tối ưu hoạt động truyền thông bằng việc tự xây dựng kênh TikTok, đăng tải bài viết giới thiệu lên các hội nhóm trên mạng xã hội. Kết quả nhận được ngoài mong đợi. Nhiều khách lạ đã trở thành khách quen của Nala. Dù mới đi vào hoạt động được 1 năm nhưng đã có những khách quay lại Nala 4-5 lần.
Lộc đánh giá hiện tại, khu nghỉ dưỡng dù đạt được một số thành tựu nhưng chưa đi vào quỹ đạo ổn định. Em vẫn tiếp tục áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm học được từ Mỹ vào quá trình vận hành như: Phân tích dữ liệu, marketing, media, quản lý nhân sự,…
“Điều tự hào nhất của em là hiện giờ, 3 bố con vẫn đang cùng nhau làm việc, đồng lòng hướng về một mục tiêu, dù nhiều lúc xảy ra cãi vã. Em và My học được từ bố tinh thần ham học hỏi, sáng tạo không ngừng. Bên cạnh đó, mỗi vị khách đến Nala cũng mang tới cho chúng em câu chuyện thú vị và những bài học rất riêng, rất đặc biệt,…”, cậu chủ Nala hồ hởi cho biết.
Ảnh: NVCC