Bị hạn chế xuất khẩu, một kho báu của Nga vẫn liên tục đổ bộ vào Việt Nam với giá siêu rẻ: nhập khẩu tăng gấp 10 lần, là "cứu tinh" cho nông sản Việt

Khánh Vy | 20:29 22/05/2024

Việt Nam tăng nhập khẩu mặt hàng này hơn 900% trong tháng 4/2024.

Bị hạn chế xuất khẩu, một kho báu của Nga vẫn liên tục đổ bộ vào Việt Nam với giá siêu rẻ: nhập khẩu tăng gấp 10 lần, là "cứu tinh" cho nông sản Việt

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024 Việt Nam nhập khẩu 495.103 tấn phân bón, tương đương 163,17 triệu USD, giá trung bình 329,6 USD/tấn, tăng 15,5% về lượng, tăng 32,3% kim ngạch và tăng 14,6% về giá so với tháng 3/2024. So với tháng 4/2023 cũng tăng 60,8% về lượng, tăng 48,6% kim ngạch nhưng giảm 7,6% về giá.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,59 triệu tấn, trị giá trên 505,37 triệu USD, giá trung bình đạt 317,7 USD/tấn, tăng 75% về khối lượng, tăng 49,4% về kim ngach nhưng giảm 14,6% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 46,5% trong tổng lượng và chiếm 33% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 659.463 tấn, tương đương 167,29 triệu USD, giá trung bình 253,7 USD/tấn, tăng 37,7% về lượng, tăng 0,8% về kim ngạch nhưng giảm 26,8% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Riêng tháng 4/2024, nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc đạt 192.850 tấn, tương đương 63,12 triệu USD, giá 327,3 USD/tấn, tăng 9% về lượng, tăng 8% kim ngạch nhưng giảm 0,9% về giá so với tháng 4/2023.

Đáng chú ý, Nga đang liên tục xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam với số lượng lớn. Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Nga tháng 4/2024 đạt 101.515 tấn, tương đương trên 31,88 triệu USD, giá 314 USD/tấn, tăng mạnh 417% về lượng, tăng 276,9% kim ngạch nhưng giảm 27% về giá so với tháng 3/2024; so với tháng 4/2023 thì tăng mạnh 916% về lượng, tăng 536,8% kim ngạch nhưng giảm 37,3% về giá.

Tính chung 4 tháng đầu năm, xứ bạch dương chiếm 15,2% trong tổng lượng và chiếm 22,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, với 241.950 tấn, tương đương 115,69 triệu USD, giá trung bình 478,2 USD/tấn, tăng 684% về lượng, tăng 563,7% về kim ngạch nhưng giảm 15,4% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Theo Bộ NN&PTNT, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga khoảng 130.000 - 380.000 tấn, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, chủ yếu nhập phân Kali, phân NPK và DAP. Lượng phân Kali nhập từ Nga khoảng 68.000-200.000 tấn/năm, chiếm từ 7,2-18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.

Trung Quốc là nước xuất khẩu phốt phát lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp urê chính, nhưng kể từ năm 2021, nước này đã áp dụng các biện pháp bao gồm cấp hạn ngạch xuất khẩu và yêu cầu kiểm tra kéo dài đối với thành phần phân bón để hạ giá trong nước. Đến tháng 9/2023, chính phủ tiếp tục yêu cầu một số nhà sản xuất urê hàng đầu của nước này tạm ngừng xuất khẩu.

Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón 6 tháng, từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa.

Điều này khiến thị trường phân bón trên toàn thế giới chao đảo, đặc biệt là những quốc gia đang phải phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu để đảm bảo sản xuất lương thực thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Do vậy, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng để nhập khẩu phân bón.

Trong năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước. Dự kiến thị trường phân ure thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa sau năm 2024 khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè -Thu sắp tới.

Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.

 


(0) Bình luận
Bị hạn chế xuất khẩu, một kho báu của Nga vẫn liên tục đổ bộ vào Việt Nam với giá siêu rẻ: nhập khẩu tăng gấp 10 lần, là "cứu tinh" cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO