Bất ngờ tăng mạnh, một chỉ số kinh tế gây thêm áp lực buộc Fed phải tiếp tục tăng lãi suất

Thu Hương | 14:02 02/11/2022

Bất chấp nền kinh tế Mỹ đang gặp phải nhiều “cơn gió ngược”, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất cao.

Bất ngờ tăng mạnh, một chỉ số kinh tế gây thêm áp lực buộc Fed phải tiếp tục tăng lãi suất

Trong tháng 9, số lượng việc làm trong trạng thái đang tuyển dụng trên toàn nước Mỹ đã bất ngờ hồi phục trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Điều này có thể khiến tiền lương tăng lên, gây thêm áp lực cho Cục dự trữ liên bang (Fed) vốn đang trong chiến dịch kiềm chế lạm phát.

Theo khảo sát JOLTS được Bộ Lao động Mỹ thực hiện, số lượng việc làm đang trong trạng thái tuyển dụng đã tăng lên 10,7 triệu trong tháng 9, so với mức 10,3 triệu của tháng trước. Trong khi đó trung bình các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo con số sẽ giảm xuống còn 9,8 triệu.

Đà tăng bất ngờ này cho thấy bất chấp nền kinh tế Mỹ đang gặp phải nhiều “cơn gió ngược”, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất cao. Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu trên thị trường lao động tiếp tục thúc đẩy tiền lương tăng mạnh – điều kéo theo áp lực tăng giá và càng củng cố thêm dự đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp đêm nay.

Hồi tháng 8, chỉ số giảm mạnh và khiến người ta nghĩ đến xu hướng nhu cầu về nhân công đi xuống đáng kể. Tuy nhiên cú tăng bất ngờ vừa qua đã xóa bỏ hoàn toàn nhận định này.

“Sau báo cáo việc làm tháng 9 gây sốc, dữ liệu JOLTS tháng 9 khiến chúng ta quay trở về với câu chuyện hết sức quen thuộc: nhu cầu tuyển dụng vẫn rất cao. Xét trên tất cả các thước đo thì thị trường lao động thực sự khỏe mạnh và vững vàng”, Nick Bunker, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Indeed Hiring Lab nói.

Các ngành có số lượng việc làm trong trạng thái đang tuyển dụng nhiều nhất là y tế, giao thông vận tải, kinh doanh đồ ăn, kho vận và ngành tiện ích công cộng.

Tỷ lệ việc làm đang tuyển dụng trên mỗi người lao động thất nghiệp cũng tăng trong tháng 9. Có khoảng 1,9 việc làm trên mỗi lao động thất nghiệp, so với mức 1,7 của tháng 8.

Các quan chức Fed theo dõi tỷ lệ này rất sát và đã chỉ ra rằng dữ liệu JOLTS tăng là lý do giải thích tại sao Fed có thể hạ nhiệt thị trường lao động (và sau đó là lạm phát) mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Khoảng 4,1 triệu người Mỹ đã nghỉ việc trong tháng 9. Tỷ lệ nghỉ việc – lấy lượng người tình nguyện nghỉ việc chia cho tổng số lao động – là 2,7%.

Thứ 6 tuần này báo cáo việc làm hàng tháng sẽ được công bố. Theo dự báo các chủ sử dụng lao động đã tuyển khoảng 190.000 lao động trong tháng 10. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 3,6%, và mức lương trung bình mỗi giờ cũng tăng.

Một báo cáo khác được công bố hôm qua (1/11) cho thấy hoạt động sản xuất của nước Mỹ đã gần như rơi vào tình trạng trì trệ. Số lượng đơn đặt hàng giảm lần thứ 4 trong 5 tháng gần đây, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm. 

Chỉ số đo lường hoạt động của các nhà máy do Viện ISM thống kê giảm xuống còn 50,2 điểm, thấp nhất kể từ tháng 5/2020. 

Báo cáo này càng bổ sung thêm bằng chứng về nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái trong bối cảnh các NHTW (trong đó có Fed) đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát. 

Tham khảo Bloomberg


(0) Bình luận
Bất ngờ tăng mạnh, một chỉ số kinh tế gây thêm áp lực buộc Fed phải tiếp tục tăng lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO