Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Lo ngại tác dụng ngược

Trọng Trần | 09:50 28/11/2024

Chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Lo ngại tác dụng ngược

Phát biểu góp ý tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng) cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường. Trên thực tế, nhiều loại nước có hàm lượng đường cao hơn nước giải khát có đường…

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng bày tỏ sự lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng, chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng. Nguồn ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát. Hơn nữa, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam hẹp hơn nhiều so với khái niệm đồ uống có đường.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Đại biểu lấy dẫn chứng, theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, những năm gần đây, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta đã giảm mặc dù chưa cần phải áp dụng thuế…

Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, không phải quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì: như Brunei, Ấn độ, Chile, Phần Lan, Bỉ… là những quốc gia đã áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng đều.

Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường như Nhật Bản hay Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác.

"Do vậy, đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo TCVN vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu của chính sách là bảo vệ sức khỏe người dân", đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy kiến nghị.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 27/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu quan điểm: Về việc đưa mặt hàng nước ngọt có hàm lượng đường trên 5gram/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn cần cân nhắc, nhất là khi nói đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, hạn chế tăng cân, béo phì.

“Nếu đưa nước ngọt vào diện chịu thuế vậy thì tại sao có những mặt hàng hàm lượng đường nhiều lại không phải đóng thuế như bánh ngọt, socola…”, đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng nếu chỉ dựa vào yếu tố bảo vệ sức khỏe thì không nên áp thuế này với nước ngọt, thay vào đó phải dựa vào yếu tố như cân bằng ngân sách để quyết định.

Cân nhắc thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia

Góp ý tại Hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội.

“Vì vậy, khi chúng ta ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động của nó là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì Luật không đạt được”, ông Cường nhấn mạnh.

Với nguyên lý như vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý. Cụ thể, liên quan đến việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, bia hiện nay được nhiều người cho rằng không phải là đồ uống có cồn theo kiểu gây nghiện, thực ra là đồ uống giải khát, có tác động chặt chẽ với các ngành dịch vụ khác như ngành ăn uống, du lịch.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội. Nguồn ảnh: quochoi.vn

Hiện nay chúng ta đang phải phục hồi kinh tế, nếu ngành du lịch, ăn uống không được hỗ trợ thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.

“Mới đây có một báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ Công thương cùng với nhóm nghiên cứu của CIEM vừa công bố cách đây hai ngày đều cho thấy các phương án tăng thuế được đề xuất đều tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, chúng ta cần phải xem lại phương án tăng thuế đối với bia”, ông Cường cho hay.

Đại biểu không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì không thay đổi hành vi, mà nên tăng theo đợt, lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%, sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác, như vậy mới có tác dụng.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), ông đồng tình với phương án thuế như dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên đại biểu cũng lưu ý, để hạn chế người dân uống rượu, bia không chỉ bằng công cụ thuế, mà cũng cần tăng cường xử phạt hành chính, kết hợp tuyên truyền như thời gian vừa qua.

“Vấn đề ở đây là công tác tuyên truyền, xử phạt, xử lý hành chính những người uống rượu, bia khi lái xe đã lập tức khiến người dân hạn chế uống rượu, bia chứ không phải là dùng công cụ thuế để hạn chế”, đại biểu phân tích.

Ông Ngân cũng bày tỏ đồng tình tăng thuế theo lộ trình đối với rượu, nhưng đối với bia cần phải cân nhắc thời điểm. Theo đại biểu, đại dịch Covid-19 xảy ra, cộng với xử phạt hành chính đối với lỗi uống rượu bia khi tham gia giao thông đã khiến doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bia sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến người lao động làm việc trong ngành bia cũng như tới chuỗi hệ thống phân phối, các nhà hàng, dịch vụ bán lẻ… liên quan.

Do đó, ông Ngân cho rằng, việc áp thuế đối với bia cần phải cân nhắc, có thể lùi 1, 2 năm chứ nếu tăng sớm trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang “mệt mỏi” trong bối cảnh khó khăn vừa qua là chưa hợp lý.

Theo ông Ngân, mỗi người lao động trong ngành bia đóng góp 1 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm, nhân lên với 57 nghìn người lao động trong ngành này thì tổng đóng góp ngân sách vào khoảng 57.000 tỷ/năm. Trong vài năm đại dịch vừa qua, con số này giảm còn 50.000 nghìn người và ngân sách cũng giảm theo đó.

“Nhưng điều quan trọng là số người đi theo chuỗi liên quan đó rất lớn, cho nên quan điểm của tôi là ủng hộ tăng thuế đối với bia nhưng cần phải có độ trễ”, ông Ngân nói.


(0) Bình luận
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Lo ngại tác dụng ngược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO