CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood - mã IFS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt gần 465 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết, doanh thu giảm một phần do ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai ở thời điểm cuối quý 3/2024 tại Miền Bắc.
Ngoài ra, chi phí giá vốn tăng 2% khiến lợi nhuận gộp giảm 6% còn gần 167 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp co lại còn 36%, giảm 2% so với con số 38% ghi nhận ở quý 3/2023.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 17% còn 7 tỷ đồng do ảnh hưởng việc giảm lãi suất tiền gửi so với mặt bằng lãi suất cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng tăng 12% lên 107 tỷ, chủ yếu do đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, tăng cường chiến dịch truyền thông quảng bá các sản phẩm chiến lược.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13% trong quý này cơ bản liên quan một số khoản đầu tư về công nghệ để phục vụ mục đích tăng trưởng. Kết quả, Interfood lãi ròng gần 43 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Interfood ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.436 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 148 tỷ đồng, giảm 11% so với thực hiện 2023.
Năm 2024, Interfood đặt mục tiêu doanh thu thuần cao kỷ lục 1.993 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp khá thận trọng với mục tiêu lợi nhuận khi lên kế hoạch lãi ròng chỉ khoảng 192 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2023.
Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của Interfood ở mức 1.426 tỷ đồng, giảm khoảng 40 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền chiếm tới 66% tổng tài sản với số dư hơn 941 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 1.194 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 148 tỷ đồng. Điều đặc biệt của Interfood là doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính.
Được biết, Interfood (Tiền thân là Công ty Công nghiệp chế biến thực phẩm Quốc Tế - IFPI) được thành lập ngày 16/11/1991. IFPI là Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ đầu tư ban đầu là Công ty Trade Ocean Holdings Sdn. Bhd (có trụ sở tại Penang, Malaysia).
Sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng từ 2008-2015, với 7/8 năm thua lỗ, Interfood dưới bàn tay tái cấu trúc của tập đoàn Kirin bắt đầu có lãi từ năm 2016 và kể từ đó đến nay, công ty càng ngày càng lãi lớn.
Về sản phẩm, Interfood tập trung vào sản phẩm chủ lực Trà bí đao Wonderfarm khi không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm. Ngoài ra, công ty còn một số sản phẩm khác thuộc thương hiệu Wonderfarm như nước cốt dừa, nước sữa dừa, nước Yến Ngân Nhĩ, nước me,... hay các loại nước uống đến từ thương hiệu KIRIN Nhật Bản như Nước vị hoa quả Ice+, Latte, Tea Break,...