Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, đa dạng và đặc sắc trên thế giới. 64 tỉnh thành, 54 dân tộc, dọc theo chiều dài đất nước, khắp 3 miền Bắc Trung Nam. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng, sự sáng tạo cùng những phá cách độc đáo tạo ra một tổng thể có riêng, có chung, hài hòa nhưng không hề trộn lẫn. Việc giữ gìn những giá trị ẩm thực Việt, nâng tầm phát triển và vươn dài thế giới là điều mà biết bao nghệ nhân trên dải đất hình chữ S từng ngày luôn trăn trở, nỗ lực cùng quyết tâm thực hiện.
Là một trong những đơn vị tiên phong, CRDC - Trung tâm nghiên cứu bảo tồn, phát triển ẩm thực Việt Nam, SPC - Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, STHC - Trường du lịch và khách sạn Sài Gòn Tourist - 3 đơn vị đã cùng kết hợp để xây dựng nên chuỗi chương trình “Ẩm thực không biên giới”. Với giá trị cốt lõi: giữ gìn, phát triển, đưa tinh hoa ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới, chắt chiu những tinh túy từ nước bạn, mang về kết hợp để tạo nên màu mới, hồn mới cho món Việt. Hành trình của “Ẩm thực không biên giới” đã trải qua 10 chặng đường đầy kỳ thú, gây ấn tượng sâu sắc với người mộ điệu ẩm thực trong nước và quốc tế.
Ông Chiêm Thành Long – Phó giám đốc CRDC từng chia sẻ: “Với tâm huyết và tình yêu dành cho ẩm thực nước nhà, chúng tôi mong muốn tạo ra nhịp cầu nối cho các thế hệ đầu bếp, những người sẽ mang ẩm thực Việt đi khắp thế giới và mang sự mới lạ, độc đáo từ thế giới về đất nước chúng ta. Phát triển được ẩm thực cũng chính là một cách để quảng bá hiệu quả cho du lịch nước nhà.”
Cũng chung một nỗi niềm như thế, nghệ nhân ẩm thực - Bùi Thị Sương – người đã đi quá nửa đời người với niềm yêu và ước mơ nối dài những giá trị ẩm thực Việt xúc động nói: “71 năm tuổi đời, cùng với tình yêu ẩm thực từ trong sâu thẳm, từng ngày tôi vẫn tự nhắc nhở bản thân mình, hãy viết tiếp chuỗi hành trình này một cách dài lâu nhất trong khả năng mình có thể. Tôi may mắn được đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều chuyên gia, đầu bếp hàng đầu, nếm đủ hương vị từ các món ăn khắp Âu tới Á. Có thể truyền tải lại những gì mình đã học hỏi được, mở rộng kiến thức, tầm nhìn cho các đầu bếp Việt Nam và thổi bùng lên trong họ khát khao về việc chinh phục thêm những chân trời mới là ước mơ cháy bỏng trong tôi.”
Một chiến dịch – một ngọn lửa lớn đã được thổi bùng lên không vì thương hiệu cá nhân, càng không vì tiền bạc, danh lợi. Đích đến là niềm tin, ước mơ về những giá trị mới được kiến tạo, lưu giữ và tiếp nối. Đưa món Việt xuyên không gian, xuyên cả thời gian, theo một cách vững bền, dài lâu và mãi mãi là những gì chúng tôi cảm nhận được sâu sắc khi tìm hiểu kỹ hơn về hành trình này.
Ngược dòng thời gian, có thể thấy những dư âm ngọt ngào còn lại với chủ đề “Món chay thực dưỡng” từ chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân. Sự sáng tạo, lung linh sắc màu từ đầu bếp tài hoa - David Thái – chủ đề “Giáng Sinh Paris”, sự kết hợp món ăn Á và Âu. Chuỗi “Ẩm thực dưỡng sinh” từ Master chef Toronto Canada – Kelvin Trường với các món ăn được nấu từ nồi dưỡng sinh Minh Long - tạo ra những sản phẩm không chỉ ngon, đẹp mà còn vẹn nguyên dưỡng chất và an lành, tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Chủ đề “Món ngon ngày Tết” với sự tham gia từ siêu đầu bếp Đỗ Quang Long và Chef Nguyên Trang với tạo hình màu áo mới cho ẩm thực truyền thống. Hành trình ẩm thực “Hà Nội – Sài Gòn – Matxcova” qua sự trình bày đầy tài năng và cũng đầy chất “nghệ” từ nghệ sỹ Xuân Hương. Sự kết nối từ đầu bếp tài năng Phạm Sơn Vương – chủ tịch hội đầu bếp Sài Gòn và 2 chuyên gia cố vấn chương trình ẩm thực không biên giới từ Nhật Bản, Chef Norbert Ehbar và Mayu Ino - chuyên gia nông nghiệp hữu cơ đã viết nên một chặng hành trình “ẩm thực không biên giới” một cách vô cùng rõ nghĩa.
Chuỗi hành trình càng đi, càng hấp dẫn và tạo sức nóng theo một cách rất riêng. Chủ đề tiếp theo: “Mắm và các chàng trai đẹp” được chú ý ngay từ cái tên. Mắm – một gia vị truyền thống và đặc trưng của dân tộc đã được thể hiện qua tay nghề của 3 chàng trai đẹp, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng, đầu bếp Trần Thái Bảo, Nguyễn Như Cường – quán quân và á quân chương trình Chiếc Thìa Vàng lần lượt 2 mùa 2014, 2015. Một thực đơn với tất cả các món ăn từ khai vị đến món chính và tráng miệng đều làm từ mắm. Đặc biệt món kem mắm từ Linh Anna đã gây không ít sự tò mò tới kinh ngạc và tâm phục khẩu phục của thực khách Việt Nam và quốc tế về giá trị đặc biệt từ nguyên liệu mắm của Việt Nam.
Tiếp tục tới chủ đề Molecular Gastronomy - Ẩm thực phân tử, một trào lưu ẩm thực phá cách tuy không mới mẻ nhưng vẫn đầy xa lạ với Việt Nam và thế giới. Một bài toán khó đã được các nghệ nhân của chương trình Ẩm thực không biên giới giải rất thành công. Chef Quách Hải Vinh – một đầu bếp Việt Nam sau quá trình tu nghiệp tại nước Úc, với quy trình chế biến kỳ công, tạo nên sự kết hợp tuyệt diệu bởi bộ ba Hóa học – Vật lý – Thực phẩm đã đem lại những trải nghiệm khác biệt từ vị giác đến thực giác của người thưởng thức. Giữ gìn giá trị tinh hoa ẩm thực Việt Nam và tiếp cận những cánh cổng mới, cập nhật bước tiến, xu hướng ẩm thực thế giới là cách mà ban tổ chức trao gửi thông điệp lõi tới những đầu bếp nối dài chuỗi hành trình đầy ý nghĩa này.
Chủ đề tiếp theo: “Điêu khắc củ quả” tôn vinh bàn tay tài hoa và sáng tạo của những nghệ nhân ẩm thực Việt Nam, những người đã nhận được rất nhiều huy chương vàng, cúp, chứng nhận từ Malaysia, Thái Lan, Singapore.. và vô vàn lời khen ngợi. Bàn tay vàng của nghệ nhân điêu khắc củ quả Nguyễn Văn Thuấn, Trần Cường Thịnh đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, không chỉ để trưng bày mà còn để ứng dụng ngay trong việc thưởng thức món ăn trực tiếp.
“Thành tựu nhiều là vậy, nhưng dường như truyền thông lại bỏ quên mà không mấy khi nhắc tới, đó là lý do mà Ẩm thực không biên giới quyết định lựa chọn chủ đề này. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó, dù bé nhỏ, để tôn vinh những người Việt trẻ tài hoa, giúp họ thêm vững tin, thêm động lực và đừng quên cố gắng. Phát triển bản thân và xây dựng ẩm thực nước nhà – một hành trình, hai đích đến, một giá trị mà tôi nghĩ đầy thiêng liêng và cả những tự hào.” – cô Sương chia sẻ.
Chủ đề thứ 10 của Ẩm thực không biên giới và cũng là chương trình đầu tiên được thực hiện tại Hà Nội với sự kết hợp tuyệt vời giữa 2 nền văn hóa ẩm thực lớn tại Việt Nam và Nhật Bản đã được tổ chức tại nhà hàng Ngon Garden 70 Nguyễn Du Hà Nội rất thành công.
Bộ thực đơn này đã được nhà hàng đưa vào thực đơn chính thức để nhiều khách hàng có cơ hội được trải nghiệm. Salad Ngon Garden, Trứng hấp lươn Nhật và trứng cua, Sushi pate Việt với Tempura chiên giòn, cùng Cá tuyết sốt Teriyaki, Cơm chiên sò điệp, Canh rong biển đậu hũ non và Chè hạt sen long nhãn trái dừa. Ngon Garden đã đưa chương trình Ẩm thực không biên giới tới thật gần những thực khách Việt Nam và bạn bè quốc tế.
“Một niềm hạnh phúc của chúng tôi khi Ẩm thực không biên giới sẽ được nối dài với các chuỗi chủ đề tại Hà Nội, với sự hậu thuẫn, lan tỏa tiếp nối từ nhiều anh chị em trong ngành có cùng tình yêu và giấc mơ lớn với câu chuyện ẩm thực. Tiếp nối thành công của chủ đề ẩm thực Việt Nhật, 3 chủ đề tiếp theo tại Hà Nội sẽ được triển khai gồm: sự kết hợp món Việt và các món Á với chủ đề món chay mùa Vu Lan, Chuỗi món Việt và món Âu trong chủ đề “Giáng sinh an lành – chào năm mới”, và cuối cùng là “Tết trong tim mình” với món ăn may mắn ngày đầu năm mới, một sự kết hợp hai nước Việt - Hoa. Đây sẽ là những chuỗi hành trình gần nhất của Ẩm thực không biên giới được thực hiện với sự bảo trợ từ nhà hàng Ngon Garden – một khu vườn ẩm thực đầy chất thơ ngay giữa lòng Hà Nội.” – Anh Phạm Sơn Vương – chủ tịch hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn hào hứng cho hay.
“Tôi nhớ khi đồng hành cùng ông Otto Weibeil, một chuyên gia từ Thụy Sỹ với vai trò giám khảo một cuộc thi ẩm thực. Một bậc thầy ẩm thực và giám khảo dày kinh nghiệm trong các cuộc thi tầm cỡ quốc tế, được tôn vinh là một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất Châu Á. Nổi tiếng là vậy nhưng sau cuộc thi ông đề nghi tôi đưa đi ăn một nhà hàng theo hướng Mama food. Một món ăn mang hơi hướng từ căn bếp của bà, của mẹ chứ không phải những món ăn nổi tiếng đang làm mưa, làm gió thị trường. Triết lý mà Otto Weibeil đưa ra làm tôi nhớ mãi. Ẩm thực không có nghĩa là dừng lại - Ẩm thực phải luôn vận động – Nhưng sự vận động hoàn hảo nhất chính là sự kế thừa, tiếp nối và phát triển từ những giá trị cốt lõi. Rời xa những giá trị nguyên bản nhất, chưa chắc đã là một nền ẩm thực vững bền. Đó cũng là điều tôi luôn ghi nhớ và trăn trở cùng các anh chị em cùng điều hành câu lạc bộ Ẩm thực không biên giới.” – cô Sương chia sẻ.
Song song với Hà Nội, tại Sài Gòn từ nay đến cuối năm chương trình sẽ tiếp tục triển khai các chủ đề liên quan tới việc kết hợp các món Việt với món ăn Ấn Độ, Indonesia và Israel. Với các món ăn chủ đề Việt Nam truyền thống, Ẩm thực không biên giới sẽ làm chuyên sâu 2 món: Bánh mỳ và các món bánh dân gian Nam Bộ.
Khắc họa thêm một chân dung Việt Nam qua góc nhìn ẩm thực là câu chuyện lớn và một hành trình dài cần được tiếp nối bởi rất nhiều những chữ Tâm từ những người đam mê và yêu ẩm thực. Hy vọng rằng, những người đã chắp cánh cho giấc mơ ẩm thực Việt được vươn tới không chỉ ở nhiều vùng miền mà còn qua băng qua nhiều lãnh thổ sẽ tiếp tục hành trình của mình. Mong những thông điệp và giá trị mà các thành viên Ẩm thực không biên giới gây dựng sẽ được lan tỏa và lưu truyền, tiếp nối cho đến mãi mãi về sau.
Ảnh: NVCC