Những phiên đầu năm 2025 ghi nhận đà tăng "dựng đứng" của cổ phiếu TFC - Công ty Cổ phần Trang. Thị giá liên tục bay cao, qua đó lập đỉnh mới tại 60.000 đồng/cp. So với thời điểm bắt đầu nhấn ga tăng tốc hồi đầu tháng 1, cổ phiếu này đã tăng 35% thị giá.
Giá trị vốn hóa thị trường của TFC cũng theo đó có lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ đồng, kỷ lục kể từ khi lên sàn chứng khoán. So với thời điểm 7 năm trước (2018), cổ phiếu này đã tăng tới 1.800%.
DN chuyên làm đồ đông lạnh xuất bán cho loạt thị trường khó tính, báo lãi cao kỷ lục 2024
CTCP Trang được biết tới là doanh nghiệp tuổi đời trên 20 năm, chuyên sản xuất các sản phẩm đông lạnh và xuất bán cho loạt siêu thị lớn tại các thị trường quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao, uy tín. Hiện, 5 nhóm sản phẩm chính bao gồm: tôm tẩm bột, tôm filo, cá biển, xiên que và dim sum. Riêng nhóm sản phẩm từ tôm đóng góp trên 70% doanh thu hằng năm của Công ty.
Khởi đầu với những khách hàng là các cửa hàng và các nhà hàng nhỏ trên phố, tới nay TFC hiện đang kinh doanh rộng khắp các thị trường như Châu Âu, Mỹ, Úc và một số thị trường Châu Á khác như Nhật Bản, Singapore, Malaysia,... Trong đó, thị trường chiếm doanh số xuất khẩu cáo nhất là Châu Âu, Mỹ và Úc với tỷ lệ doanh số xuất khẩu đạt Châu Âu (79,72%), Mỹ (12,55%), Úc (3,08%)… Sản phẩm được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn như Costco, Walmart (Mỹ), Sainbury's, Iceland (Anh), Woodworths (Úc), Semiwon Food (Hàn Quốc), KFC châu Á... Từ năm 2015, Công ty đẩy mạnh sản phẩm vào thị trường châu Á, trong đó, trọng điểm là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông.
Ngoài ra, TFC có hai công ty con là Công ty TNHH Thực phẩm Dary (TFC nắm 65%) và Công ty TNHH SX TMDV Thực phẩm Dasumy (75%). Trong đó Dary hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho lạnh và thực hiện khâu sơ chế sản phẩm. Còn Dasumy chuyên sản xuất các loại bánh ngọt, mặn và bán nội địa.
Kết quả kinh doanh của TFC tương đối ổn định từ năm 2019 đến nay, đều đặn có lãi vài chục tỷ mỗi năm, duy chỉ có năm 2021 TFC báo lỗ nặng 29 tỷ đồng vào năm 2021 do dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng cả tới hoạt động sản xuất lẫn xuất khẩu.
Công ty nhanh chóng vực dậy sau đó. Tới năm 2024, doanh thu thuần và LNST của TFC lần lượt đạt 908 tỷ và 153 tỷ đồng - đều cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động, vượt hơn 70% mục tiêu đề ra. Theo TFC, sản lượng xuất khẩu tăng, bên cạnh đó công ty đã tận dụng tối ưu nguồn nguyên liệu, nâng cấp, mua sắm thêm máy móc thiết bị sản xuất, từ đó nâng cao năng suất.
Ngoài ra, cổ tức cũng là một điểm hấp dẫn tại TFC. Từ giai đoạn 2017-2022, ngoại trừ năm 2021 thua lỗ, CTCP Trang không năm nào quên chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Tỷ lệ dao động từ 3% - 10%, riêng trong năm 2023 tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt đã được thông qua là 12% - cao nhất từ trước tới nay, tương ứng số tiền chuẩn bị chi ra vào khoảng 20 tỷ đồng.
Tính đến tháng 12/2024, cơ cấu cổ đông của TFC ghi nhận 5 cổ đông lớn gồm có: ông David Hồ - Thành viên HĐQT (nắm 3,85 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 23% cổ phần), bà Nguyễn Minh Nguyệt - Chủ tịch HĐQT (nắm hơn 3,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 22% cổ phần), ông Hồ Văn Trung - cổ đông sáng lập (nắm gần 2,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 17%), bà Susan Hồ - Thành viên HĐQT (nắm 1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6%) và ông Đỗ Thành Trung (năm 1,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7%).
Theo một chia sẻ, ban lãnh đạo TFC cho biết công ty sẽ chú trọng vào dòng sản phẩm chế biến chuyên sâu, dinh dưỡng cao như dòng sản phẩm thuần chay, gluten free, dòng sản phẩm hấp; ưu tiên đầu tư phát triển vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Mục tiêu chiến lược là tạo ra những sản phẩm riêng biệt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, trở thành 1 trong 5 doanh nghiệp chế biến thực phẩm chuyên sâu có doanh thu cao nhất Việt Nam, đồng thời đảm bảo chia lợi tức cho cổ đông ở mức cao nhất so với các công ty cùng lĩnh vực.