Sáng ngày 10/1, các đại biểu Quốc hội đã góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Việc dùng 1 luật sửa nhiều luật cần được áp dụng thường xuyên hơn
Là người góp ý đầu tiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật này là cần thiết. Luật sẽ đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bổ sung thêm, đây là lần đầu tiên Quốc hội xây dựng 1 luật để sửa đổi 8 Luật. Do đó cần xem xét cho thấu đáo là đã hết những nội dung cần sửa đổi, bổ sung về những vấn đề thuộc phạm vi sửa đổi chưa.
Về lâu dài, việc xây dựng 1 luật sửa nhiều luật cần được thực hiện thường xuyên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cuộc sống thi hành các luật.
Dự thảo Luật gồm 10 điều, trong đó có 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 Luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Việc sửa đổi, bổ sung phải bám sát tinh thần sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Đặc biệt là những quy định nhằm tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) góp ý việc sửa Luật Đầu tư theo hướng đẩy mạnh sự phân cấp vấn đề chấp thuận đầu tư dự án. Liên quan đến đầu tư, cần nghiên cứu thêm các luật khác để kịp thời sửa đổi các nội dung về vấn đề phân cấp, phân quyền, tránh chống chéo, mâu thuẫn.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) thì đề nghị cần xây dựng quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, qua đó góp phần thúc đẩy mua sắm các thiết bị y tế, tháo gỡ những khó khăn hiện nay về đấu thầu trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tách các dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư
Góp ý cho việc sửa đổi dự án Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm (Lạng Sơn) cho rằng vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải, là điểm nghẽn lớn nhất làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, vì vậy đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách tách các dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.
“Việc tách các dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư”, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh.
Góp ý thêm cho việc đẩy mạnh phân cấp đầu tư, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng việc phân cấp trong quyết định đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, do quá nhiều cấp quản lý đầu tư nên cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Văn Hận (Bạc Liêu) thì đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Cần có đánh giá từ đối tượng chịu tác động trực tiếp
Phần lớn các đại biểu phát biểu góp ý cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật này sẽ tác động lớn đến kinh tế - xã hội khi ban hành. Do đó Chính phủ cần có báo cáo về ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách.
Ngoài ra, cũng cần có dự tính tác động tới thu ngân sách Nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý…
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ lưỡng tác động là rất cần thiết. Như với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện nay đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Như trong đầu tư, hiện nay việc đấu giá, đấu thầu đất có giá trị địa tô mang lại cho Nhà nước rất lớn.
Do đó phải đánh giá lại vì nếu sửa đổi theo dự thảo thì Nhà nước không thu được bao nhiêu, người có đất chuyển nhượng cho dự án cũng không thu được bao nhiêu. Chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về nhà đầu tư, chủ dự án, trong khi, đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Với nội dung sửa đổi như dự thảo, chắc chắn dẫn đến phong trào gom đất. Và giá đất sẽ bị đẩy lên cao, hệ lụy phát sinh nhiều và rất lớn như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã khó càng khó. Khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ càng tăng, càng nóng nhiều hơn.
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Ông Ngô Trung Thành nhấn mạnh thêm, Nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm giá đất tăng lên thì chênh lệch địa tô phải thuộc về Nhà nước, thuộc về toàn dân. Chúng ta sửa đổi Luật để phục vụ điều đó chứ không phải chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được, lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng.