Hãng sản xuất đồ thể thao cho biết, mẫu giàu đầu tiên trong số “núi” giày tồn kho sẽ được bán vào cuối tháng 5. Sau đó, “một số tiền đáng kể” thu được sẽ được Adidas quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoạt động nhằm chống lại tình trạng phân biệt đối xử và ngôn từ kích động sự thù địch, chẳng hạn như Anti-Defamation League và Keeta Floyd Institute for Social Change.
Adidas đã chấm dứt thoả thuận với Yeezy hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi Ye đưa ra một loạt những nhận xét bài người Do Thái. Những bình luận này nhanh chóng nhận được sự phản đối kịch liệt từ người tiêu dùng, họ quyết tâm tẩy chay các sản phẩm mà nam rapper này hợp tác sản xuất.
Song, dù đã cắt đứt mối quan hệ với Ye, nhưng Adidas vẫn quyết định sản xuất các sản phẩm liên quan. Nguyên nhân là do hãng không muốn hàng nghìn người bị mất việc.
Do đó, số giày Yeezy trị giá khoảng 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) nằm trong tình trạng “lửng lơ”, Adidas muốn bán không được mà để lại cũng không xong. Hãng đồ thể thao đến từ Đức đã mất 7 tháng để cân nhắc các lựa chọn cho những đôi giày này và xem liệu có thể bù đắp một số thiệt hại về tài chính hay không. Công ty cho biết hướng đi hiện tại “không tác động ngay lập tức” đến dự báo về tình hình tài chính của họ.
Trước khi vụ bê bối này nổ ra, những đôi giày Yeezy thường được dân “chơi giày” săn lùng ráo riết và bán với giá hàng trăm USD. Chưa kể, những đôi giày này còn liên tục tăng giá sau khi được bán lại thông qua một kênh khác. Sau khi hợp tác với Ye vào năm 2013, Adidas ghi nhận dòng sản phẩm này đóng góp tới 12% tổng doanh thu cho năm 2021.
CEO Bjorn Gulden, người mới gia nhập Adidas hồi tháng 1, cho biết trong một thông báo: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định bán một số sản phẩm Adidas Yeezy còn lại. Chúng tôi tin rằng đây là giải pháp tốt nhất, vì việc này tôn trọng các thiết kế đã được làm ra và những đôi giày đã được sản xuất, cùng với đó là phù hợp với nhân viên của chúng tôi. Giải quyết vấn đề về tồn kho sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng của chúng tôi.”
Vào tháng 2, Adidas cảnh báo họ có thể ghi nhận khoản lỗ hoạt động lên đến 700 triệu euro trong năm nay nếu buộc phải loại bỏ toàn bộ số sản phẩm Yeezy hiện có. Đây sẽ là khoản lỗ hoạt động đầu tiên của Adidas trong ít nhất 3 thập kỷ.
Trước đây, Gulden đã loại bỏ một số lựa chọn, như bỏ thương hiệu Yeezy hay tái chế toàn bộ các vật liệu làm giày để sử dụng trong sân bóng đá. Một số tổ chức phi chính phủ khuyên họ không nên đốt các sản phẩm này và ông Gulden cũng nói cách này không phải là lựa chọn hợp lý.
Gần đây, tờ Wall Street Journal cho biết Adidas đang có kế hoạch tập trung trở lại làm đồ thể thao, thay vì chạy theo sự hào nhoáng của các ngôi sao nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Theo đó, hãng cũng chi thêm hàng trăm triệu USD để mở nhà máy mới ở Los Angeles để sản xuất đồ thể thao bóng rổ, nâng cấp nhà xưởng ở Portland. Họ cũng mở thêm cửa hàng ở Mỹ, hợp tác với các vận động viên nổi tiếng để định hình lại mình là một thương hiệu thể thao chứ không phải là sản phẩm thời trang.
Tuần trước, Gulden phát biểu với các cổ đông rằng họ đang nghiêng về lựa chọn bán giày Yeezy và quyên góp một số tiền thu đưọc cho các tổ chức hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi hành động của Ye. Theo ông, việc này có thể giúp Adidas lấy lại một số chi phí liên quan là khoảng 500 triệu euro.
Tham khảo Bloomberg; WSJ