Ác mộng của Nhật Bản: Cả nước có gần 11 triệu nhà bỏ hoang, nhiều căn chỉ hơn 250 triệu đồng

Vũ Anh | 14:34 04/11/2024

Sự gia tăng số lượng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản phần lớn đến từ tình trạng khủng hoảng dân số, khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023.

Ác mộng của Nhật Bản: Cả nước có gần 11 triệu nhà bỏ hoang, nhiều căn chỉ hơn 250 triệu đồng

Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thừa cung bất động sản. Theo dữ liệu của chính phủ , tính đến năm 2023, nước này có hơn 9 triệu “akiya” — tức nhà trống. Chúng chỉ có giá dưới 10.000 USD (hơn 250 triệu đồng), bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ và nằm rải rác ở các vùng nông thôn, thành phố lớn.

Đáng buồn, con số thực tế có thể còn cao hơn. Viện Nghiên Cứu Nomura ước tính có gần 11 triệu akiya và số lượng này có thể chiếm hơn 30% tổng số nhà trong vòng một thập kỷ tới.

Đối mặt với với vấn đề này, các chuyên gia nhấn mạnh không phải tất cả ngôi nhà đều có thể dỡ bỏ khi số lượng các ngôi nhà bỏ hoang ngày càng tăng. Điều này đang gây ra một loạt vấn đề khác cho chính phủ và cộng đồng.

“Sự thật là hầu hết những ngôi nhà này sẽ không được phép bán cho người nước ngoài vì thủ tục hành chính cũng như quy định không hề dễ dàng đối với những người không nói và đọc được tiếng Nhật. Họ sẽ khó có thể mua được những ngôi nhà này với giá rẻ”, một chuyên gia nói. 

Sự gia tăng số lượng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản phần lớn đến từ tình trạng khủng hoảng dân số, khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ tử lại vượt quá tỷ lệ sinh, trong bối cảnh dân số già hóa. 

“Vấn đề akiya đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, bắt nguồn từ sự bùng nổ kinh tế sau chiến tranh của Nhật Bản. Xây dựng nhà ở bị diễn ra quá mức”, Tetsuya Kaneke, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại Savills Nhật Bản nói. “Vấn đề này trở nên rõ ràng hơn vào những năm 1990 khi nền kinh tế Nhật Bản suy thoái và trở nên tồi tệ do những thay đổi về nhân khẩu học”.

Di cư đô thị cũng là một yếu tố lớn khác góp phần gây ra tình trạng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản. “Khi thế hệ trẻ chuyển đến thành phố để làm việc, các vùng nông thôn sẽ chỉ còn lại người già”, ông nói thêm.

Với một số người dân địa phương, akiya thường bị kỳ thị, thậm chí coi là “gánh nặng”. Con cái không muốn thừa kế tài sản bố mẹ già để lại nên đôi khi đăng bán thay vì ở. 

“Những ngôi nhà trên 30 năm tuổi thường được coi là cũ”, Kaneko nói. “Người dân địa phương có xu hướng lo ngại về vấn đề an toàn, chi phí cải tạo và sự xuống cấp. Một số thậm chí còn gắn liền chúng với những câu chuyện mê tín, tin rằng chúng có thể bị ma ám hoặc mang lại vận rủi”.

“Nhiều người Nhật coi akiya là món đồ mất giá, gây nhiều rắc rối”, Michael, nhà sáng lập blog bất động sản Cheap Houses Japan nói. “Có thể vì vị trí không lý tưởng hoặc chi phí cải tạo dự kiến vượt quá giá trị của bất động sản”. 

“Theo chính sách thuế ở Nhật Bản, một số chủ sở hữu thường thấy việc giữ lại ngôi nhà là không hợp lý, song lại gặp khó khăn trong việc tìm người mua. Nhiều ngôi nhà thậm chí không được tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cả các cửa hàng tiện lợi”, ông Hall từ Đại học Kanda cho biết.

Để giải quyết tình trạng nhà hoang ngày càng gia tăng, Nhật Bản hồi tháng 12/2023 đã trao cho giới chức địa phương quyền duy trì các khoản giảm thuế đối với chủ sở hữu chưa có biện pháp bảo trì nhà ở. Động thái này nhằm khuyến khích chủ sở hữu tu sửa nhà, hoặc bán lại cho các công ty bất động sản để tận dụng tốt hơn.

Theo ông Sulkin, nhà sáng lập công ty phát triển bất động sản và quản lý tài sản Pacifica Capital KK, chính phủ cần có các cơ chế quyết đoán hơn. “Nếu không, vấn đề sẽ ngày càng nghiêm trọng khi dân số Nhật Bản tiếp tục già đi. Sẽ có thêm nhiều căn nhà bỏ trống”. 

Dẫu vậy, có một điểm sáng là nhà akiya đang thu hút sự chú ý của người mua nước ngoài.

Kaneko cho biết: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng gia tăng từ nước ngoài... Họ quan tâm đến việc mua nhà bỏ trống”. 

Theo Kaneko, sự gia tăng nhu cầu sở hữu bất động sản tại Nhật Bản của người nước ngoài một phần là do đại dịch, khi xu hướng làm việc từ xa thay đổi sở thích về lối sống. Các nhà đầu tư trẻ và người già về hưu đang tìm kiếm nơi nghỉ dưỡng.

Anton Wormann, đến từ Thụy Điển, là một ví dụ điển hình. Anh yêu Nhật Bản sau khi đến thăm đất nước này trong một chuyến công tác và đã nhen nhóm ý định mua bất động sản nơi đây. 

“Tôi đã sống ở New York khoảng 2 năm, và sau đó tôi đã đi khắp châu Âu... Tôi biết tất cả những thành phố lớn này đắt đỏ như thế nào”, Wormann nói với CNBC Make It. “Không đời nào tôi có thể mua nhà ở đó”.

Khi phát hiện ra Nhật Bản đang bán nhà giá rẻ, anh quyết định mua một căn cho mình. Sáu năm sau, Wormann sở hữu 7 căn akiya và làm việc toàn thời gian với tư cách là người sáng tạo nội dung và nhà đầu tư bất động sản tại Nhật Bản. 

Ba căn đã được cải tạo. Bốn căn còn lại đang trong quá trình sửa chữa. Một trong số các bất động sản đã mang lại 11.000 USD tiền cho thuê ngắn hạn mỗi tháng. Anton Wormann cho biết điều đó sẽ không xảy ra nếu anh không dành thời gian và công sức tìm hiểu kỹ về văn hóa, ngôn ngữ và con người Nhật Bản.

“Bạn cần tạo ra một cộng đồng tốt và một mạng lưới xã hội tốt ở Nhật Bản để thành công”, Wormann nói. “Bạn không thể đến mà không hiểu văn hóa và chỉ ném tiền vào đó. Nếu bạn cố gắng hòa nhập và thực hiện đúng cách, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội. Tôi nghĩ bạn có cơ hội mua bất động sản giá rẻ để sử dụng cho mục đích cá nhân”. 

Các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này.

Kaneko cho biết: “Akiya có thể là khoản đầu tư tốt cho một số nhóm nhất định, đặc biệt là những người đang tìm kiếm nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, chúng có thể không lý tưởng cho các nhà đầu tư tổ chức hoặc những người tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng”. 

Theo: CNBC, SCMP 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ác mộng của Nhật Bản: Cả nước có gần 11 triệu nhà bỏ hoang, nhiều căn chỉ hơn 250 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO