Không chỉ đang "chiếm sóng" khắp các diễn đàn thể thao và thu hút hàng triệu sự quan tâm của cộng đồng yêu bóng đá, Pháp - quốc gia sở hữu đương kim Á quân mùa FIFA World Cup 2022 còn là một trong những đối tác đầu tư quan trọng, hiện diện ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đất nước.
Hiện, đầu tư trực tiếp (FDI) của Pháp vào Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn FDI của EU, xếp thứ ba trên tổng số 26 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có đầu tư tại Việt Nam. Hơn 300 doanh nghiệp Pháp đã đầu tư vào Việt Nam với dự án tại 35 tỉnh, thành phố.
Các tên tuổi từ Pháp như SCAVI, L'Oreal, Sanofi, VSTV (K+), Louis Vuitton... đã gia nhập thị trường Việt Nam từ rất sớm, trải dài từ thời trang, mỹ phẩm, truyền hình, đến dược phẩm, game, bán lẻ...
Công ty Cổ phần SCAVI trực thuộc Tập đoàn Corèle International (Pháp) đã có 30 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam trong ngành nghề dịch vụ oursourcing thời trang nội y.
Tại Việt Nam, đây là doanh nghiệp Pháp sở hữu doanh thu lũy kế cao nhất. Doanh thu toàn hệ thống năm 2020 đã vượt mức 7.500 tỷ đồng, trong đó đóng góp tỷ trọng lớn nhất là SCAVI Huế với gần 6.300 tỷ.
Công ty mẹ đặt SCAVI đặt tại KCN Biên Hòa II - Đồng Nai cùng 2 chi nhánh tại Lâm Đồng và Huế. Riêng SCAVI Huế đã có 3 nhà máy hoạt động liên hoàn tại KCN Phong Điền với vốn đầu tư hàng chục triệu USD. Công ty này cũng đang đầu tư Nhà máy sản xuất trang phục lót và thể thao tại tỉnh Quảng Trị với tổng vốn hơn 500 tỷ đồng.
Sanofi là tập đoàn dược phẩm đa quốc gia duy nhất có 3 nhà máy tại Tp. HCM Việt Nam với gần 1.400 nhân viên trên toàn quốc.
Nhiều sản phẩm của Sanofi đã đi vào đời sống của người Việt như Alpha Choay, Calcium Corbiere, Plavix, Lactacyd, Taxotere,...Doanh thu hệ thống này liên tục tăng trưởng sau hàng chục năm có mặt tại Việt Nam. Đến năm 2020 suýt soát 7.000 tỷ đồng.
Đơn vị cũng vừa khánh thành kho dược chuẩn GSP mới Việt Nam tại khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An hồi tháng 7.
Louis Vuitton - thương hiệu thời trang xa xỉ thuộc đế chế LVMH của Pháp cũng đạt được doanh thu tăng trưởng mạnh tại Việt Nam kể từ khi gia nhập. Đặc biệt trong giai đoạn 2019 - 2020 đã bứt phá lên mốc 400 - 600 tỷ.
Louis Vuitton chính thức đặt chân đến Việt Nam với cửa hàng đầu tiên nằm trong khách sạn Metropole Hanoi từ năm 1997 và dần mở rộng ở những vị trí đắc địa, sầm uất bậc nhất tại TP. HCM và Hà Nội.
L'Oreal - tập đoàn mỹ phẩm hàng đầu trên thế giới, sở hữu một loạt thương hiệu mỹ phẩm từ bình dân như Maybelline, La Roche-Posay, Vichy, Garnier...đến cao cấp như Lancome, YSL, Kiehl's, Shu Uemura...đã có 15 năm hiện diện ở Việt Nam
Đến nay L'Oreal đã đưa về thị trường nội địa 12 thương hiệu mỹ phẩm thuộc 4 ngành hàng. Mặt hàng của L'Oreal phủ sóng trên khắp cả nước nhờ vào hệ thống phân phối đa dạng bao gồm siêu thị, nhà thuốc, salon tóc và các trang thương mại điện tử, đem lại doanh thu 1.000-2.000 tỷ mỗi năm.
VSTV - đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+ là công ty liên doanh của Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam - VTVcab (thuộc VTV) và Canal+ năm 2009. Đến năm 2013, phần vốn góp vào VSTV của VTVcab được chuyển giao về VTV quản lý. Đến nay, VTV liên tục muốn thoái vốn tại K+.
VSTV có hệ thống hàng nghìn đại lý trên khắp cả nước. Tuy nhiên trái ngược với sự tăng trưởng của các ''đồng hương" tình hình kinh doanh của VSTV không tỉ lệ thuận với quy mô. Với doanh thu gần như đi ngang, công ty liên tiếp ghi nhận lỗ sau thuế hàng trăm tỷ đồng nhiều năm nay.
Năm 2020, K+ thua lỗ 265 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, VSTV tiếp tục lỗ do những khó khăn nội tại và cạnh tranh gay gắt từ truyền hình trả tiền và lỗ luỹ kế đến 31/12/2021 là hơn 3.895 tỷ đồng.
Louis Dreyfus Company (LDC) hoạt động tại Việt Nam từ năm 1998 với trong ngành trồng trọt, chế biến, kinh doanh, bảo quản và phân phối cà phê, gạo, ngũ cốc và hạt có dầu tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Làm việc hơn 6.000 nông dân tại Việt Nam, công ty này cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên con số này đã sụt giảm so với mức hơn 7.000 tỷ từng đạt được hồi 2014.
LDC hiện vận hành năm cơ sở tại Việt Nam với vị trí trọng yếu ở khu vực Tây Nguyên. Trong đó, nhà máy chế biển cà phê Arabica Lâm Đồng là nhà máy chế biến cà phê ướt duy nhất của LDC trên toàn thế giới.
Một số thương hiệu quen thuộc trong mảng game như Gameloft, hay đồ thể thao như Decathlon... cũng đang tích cực mở rộng tại Việt Nam với doanh thu đều đặn hàng năm ~300-400 tỷ.
Bên cạnh nhóm DN đang hoạt động cạnh tranh tại thị trường nội địa, còn có nhiều tập đoàn của nước Pháp từng đầu tư lớn vào các chuỗi siêu thị, bán lẻ tại Việt Nam nhưng hiện nay đã thoái vốn. Đơn cử như Jaccar đã thoái gần hết vốn khỏi Hoàng Anh Gia Lai, Bourbon Bến Lức, Agrex Sài Gòn; Auchan rút lui khỏi thị trường Việt năm 2019; hay Casino Group cũng đã từ bỏ BigC Việt Nam.
Nhìn chung, với nhiều tiềm năng, Việt Nam đang được đặt lên vị trí là mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Pháp. Pháp có tham vọng muốn đầu tư trong 16 lĩnh vực trên 21 lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong nền kinh tế của Việt Nam.