75% lúa mì nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào quốc gia này - tìm nguồn cung mới ở đâu?

Đức Dương (Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam - MXV) | 15:27 14/04/2023

Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vốn là điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Trước những thay đổi đột ngột của thị trường hàng hóa trong 2 năm qua, vấn đề này ngày càng bộc lộ rõ hơn.

75% lúa mì nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào quốc gia này - tìm nguồn cung mới ở đâu?

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Trong đó, ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên. Khi giá ngô tăng cao, lúa mì cũng được coi là loại nguyên liệu thay thế phù hợp. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá lúa mì Chicago liên tục ghi nhận những diễn biến khó lường trong giai đoạn đầu năm 2022, theo sau cuộc xung đột tại Ukraine cũng như lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát giá lương thực tại quốc gia này. Mặc dù đã hạ nhiệt kể từ nửa cuối năm ngoái, những biến động vừa qua của giá lúa mì cũng đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi của Việt Nam.

anh-1.-dien-bien-gia-lua-mi-chicago.png

Sự phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì từ Australia

Dữ liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu 1,21 triệu tấn lúa mì trong quý I năm nay, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn này, Australia là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất cho Việt Nam với 814.288 tấn. Brazil đứng vị trí thứ hai trong danh sách với 261.648 tấn.

Trên thực tế, Brazil chỉ xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam trong những tháng đầu năm, khi mà quốc gia Nam Mỹ này vừa kết thúc vụ thu hoạch và nguồn cung vẫn còn dồi dào. Nếu xét kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm, Brazil thậm chí còn là nước nhập khẩu ròng lúa mì.

Trong khi đó, Australia liên tục giữ vững vị thế là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Trong cơ cấu nhập khẩu lúa mì hàng năm của Việt Nam, nguồn cung từ Australia chiếm khoảng 75%. 

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết: “So với các nhà cung cấp lúa mì lớn trên thế giới, Australia có vị trí địa lý gần với Việt Nam nhất. Do đó, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta thường sẽ lựa chọn nhập khẩu lúa mì từ quốc gia này để tiết kiệm chi phí vận tải, vốn chiếm một phần lớn trong chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.”

anh-2.-co-cau-nhap-khau-lua-mi-viet-nam.png

Rủi ro nguồn cung từ Australia khi El Nino quay trở lại

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ (NOAA) dự báo, hiện tượng thời tiết El Nino sẽ hình thành trong mùa hè năm nay, thay thế cho hiện tượng La Nina vốn đã kéo dài trong ba năm liên tục kể từ tháng 09/2020.

La Nina là hiện tượng thời tiết diễn ra có tính chu kỳ, với đặc trưng là nhiệt độ mặt biển ở vùng xích đạo Thái Bình Dương lạnh hơn bình thường. Dưới ảnh hưởng của La Nina, thời tiết trở nên mát mẻ và ẩm ướt hơn tại châu Á và châu Đại Dương.

Trái với La Nina, đặc trưng của El Nino là sự nóng lên bất thường của nhiệt độ bề mặt đại dương ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương. Do tác động của El Nino, các khu vực ở châu Á và châu Đại Dương sẽ phải đối mặt với tình trạng nắng nóng và khô hạn.

Nhờ có lượng mưa dồi dào mà hiện tượng La Nina mang lại, sản lượng lúa mì của Australia đã liên tiếp phá kỷ lục trong giai đoạn 2020-2022. Tuy nhiên, sự xuất hiện của El Nino có thể gây ra một mùa đông khô hạn ở miền trung và miền tây Australia và gây áp lực lên vụ lúa mì năm nay của quốc gia này.

anh-3.-san-luong-lua-mi-australia.png

Giải pháp nguồn cung nguyên liệu thay thế tiềm năng cho ngành chăn nuôi

Mặc dù không phải đối tác quan trọng của Việt Nam trong hoạt động thương mại lúa mì, nhưng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ vào giữa tháng 5/2022 đã gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta. 

Thực tế này chỉ ra rằng, mỗi khi có những biến động mạnh về giá cả hoặc nguồn cung, các quốc gia xuất khẩu sẽ ưu tiên đảm bảo cho thị trường nội địa, và khiến các nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ càng gặp khó khăn hơn nữa. 

Đứng trước những rủi ro tiềm ẩn về nguồn cung, ông Quang Anh cho rằng, ngành chăn nuôi của Việt Nam cần tìm kiếm các giải pháp thay thế, tránh rơi vào tình trạng bị động khi xảy ra những kịch bản khó lường. 

“Trong số các nước xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới, Nga sẽ là nguồn cung thay thế tiềm năng, không chỉ bởi quốc gia này đã có một vụ mùa bội thu trong năm 2022, mà còn do Nga đã từng là đối tác thương mại nông nghiệp hàng đầu của nước ta trong quá khứ.”, ông Quang Anh cho biết thêm.

Theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 2,91 triệu tấn lúa mì Nga trong năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam đã cắt giảm hầu như toàn bộ hoạt động nhập khẩu lúa mì từ nước này kể từ năm 2019, sau khi hạt giống cây cúc gai được phát hiện trong các lô hàng, dấy lên lo ngại giống cây ngoại lai này có thể phát tán và gây thiệt hại cho mùa màng.

Vào cuối năm ngoái, Cơ quan giám sát an toàn nông nghiệp của Nga cho biết các lô hàng lúa mì thử nghiệm được trồng ở những vùng không có cây cúc gai sẽ được gửi tới Việt Nam, nhằm mục đích nối lại hoạt động xuất khẩu lúa mì sang nước ta. Hiện tại, 18 nhà sản xuất ngũ cốc của Nga đã được Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật.

Trong tương lai xa hơn, Brazil cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi trong nước. Vốn đã là nhà xuất khẩu đậu tương, khô đậu tương và ngô hàng đầu trên thế giới, Brazil cũng đang lên kế hoạch để trở thành nước xuất khẩu ròng lúa mì trong những năm tới.

Nếu như đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu đầu vào, ngành chăn nuôi nước ta không những sẽ trở nên vững vàng hơn trước những biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu, mà còn phần nào giải quyết được bài toán về chi phí đầu vào, vốn là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.


(0) Bình luận
75% lúa mì nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào quốc gia này - tìm nguồn cung mới ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO