‏7 năm trước cứ 10.000 người Việt mới có 8,5 bác sĩ, giờ tăng/giảm ra sao? So với Singapore, Thái Lan càng bất ngờ ‏

Phương Mộc | 23:20 01/06/2023

‏Thời gian vừa qua, khi mà nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh như hiện nay, không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế về cả số lượng và chất lượng. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân đã thay đổi như thế nào so với 7 năm trước?‏

‏7 năm trước cứ 10.000 người Việt mới có 8,5 bác sĩ, giờ tăng/giảm ra sao? So với Singapore, Thái Lan càng bất ngờ ‏

‏Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh như hiện nay, không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế về cả số lượng và chất lượng. Công tác y tế cũng vì thế phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt, những công lao to lớn của các y, bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 góp phần đưa đất nước an toàn vượt qua đại dịch là điều không thể bỏ qua.‏

‏Vài năm vừa qua, tuy ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vẫn còn, nhưng ngành y tế đã nỗ lực để thực hiện tốt các công tác y tế, đạt và vượt không ít chỉ tiêu do Chính phủ đề ra. Sự gia tăng của các chỉ tiêu trọng yếu như số bác sĩ trên 10.000 dân, số giường bệnh trên 10.000 dân, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế… chính là minh chứng rõ nhất. Trong năm 2022, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc là khoảng 153,7 triệu lượt.‏

‏Trong đó, đáng chú ý, số bác sĩ trên 10.000 dân đã vượt chỉ tiêu đáng kể, năm 2022 đạt 11,5 bác sĩ, so với chỉ tiêu đặt ra là 9,4 bác sĩ. Kết quả này đã tiếp nối đà tăng không ngừng trong những năm vừa qua, đồng thời tạo ra xu hướng đi lên rõ rệt.‏

‏Số bác sĩ cho 1 vạn dân giai đoạn 2016 - 2022 tại Việt Nam.‏

‏Có thể thấy, từ giai đoạn 2016 - 2021, chỉ tiêu có sự gia tăng nhưng khoảng cách không đáng kể. Mãi cho đến năm 2022, đồ thị thể hiện sự gia tăng rõ rệt hơn. Đây là tiền đề trọng yếu để đặt ra mục tiêu dự kiến cho năm 2023, đạt mốc 12 bác sĩ cho 10.000 dân. ‏

‏Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải con số cao, nếu xét trong khu vực châu Á. Theo số liệu do Statista cập nhật, tại Singapore, có tới 28 bác sĩ trong 10.000 dân vào năm 2021. Tại Thái Lan, số liệu mới nhất cập nhật vào năm 2020 cũng cho thấy con số đạt 17,9. ‏

‏Mặc dù số bác sĩ tăng lên hàng năm, nhưng ngành y tế vẫn thiếu nhân lực trầm trọng. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. ‏

‏Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm. Trong 4 năm từ 2018-2021, tổng số bác sĩ xã giảm là 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019). Thông tin được đưa ra trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng sáng 29/5 vừa qua tại Quốc hội.‏

‏"Trong số công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc trong thời gian vừa qua thì số viên chức y tế cũng chiếm tới 25% trong tổng số 39.000 người", Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.‏

‏Từ khía cạnh đào tạo, Việt Nam có hệ thống đào tạo nhân lực y tế đa dạng, phong phú. Theo báo cáo của Cục Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế, hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trình độ đại học trong ngành Y tế, 68 cơ sở đào tạo hệ Cao đẳng. Khối đào tạo nhân lực cho ngành Y tế đã có đủ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu học tập của người học.‏

‏Việt Nam có hệ thống đào tạo nhân lực y tế đa dạng, phong phú. Ảnh: Internet‏

‏Dù vậy, chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế hiện nay lại trở thành nỗi lo ngại. Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, nhận định, những chế độ này chưa tương xứng với thời gian, công sức học tập, lao động cũng như điều kiện, môi trường làm việc của họ. Ngoài ra, trang thiết bị, môi trường làm việc cũng chưa tốt, không thuận lợi để đội ngũ nâng cao được tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp.‏

‏Đưa ra nhận định này, đại biểu dẫn chứng, một sinh viên ngành y học mất 6 năm, chi phí học tập gần 200 triệu đồng/năm nhưng khi ra trường đi làm chỉ nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng.‏

‏Hay ở các trạm y tế, biên chế trực mỗi đêm chỉ có một người nên nhân viên y tế, nhất là nữ giới, không dám trực một mình, phải nhờ đồng nghiệp cùng trực rồi chia tiền trực. Trong khi đó, tiền trực mỗi đêm chỉ 25.000 đồng, tiền ăn 15.000 đồng.‏

‏Nghề bác sĩ luôn là một nghề nghiệp được xã hội tôn trọng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do tính chất công việc liên quan đến tính mạng con người, bác sĩ là những người được đào tạo với trình độ chuyên môn từ cao đến rất cao. Họ là người đưa ra quyết định dứt khoát và kịp thời để cứu sống tính mạng bệnh nhân trong những tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. ‏

‏Không chỉ vấn đề phẫu thuật chuyên môn, bác sĩ cũng là người có khả năng đáp ứng được mọi quy trình trong vấn đề cấp cứu bệnh nhân như xây dựng phác đồ điều trị, kê đơn thuốc, tiêm thuốc, băng bó cho bệnh nhân…‏

‏Ngoài trình độ chuyên môn giỏi, các bác sĩ cũng cần có một thái độ làm việc chân chính, đặt y đức lên hàng đầu, có khả năng tiết chế những cảm xúc cá nhân, điềm tĩnh và làm chủ mọi tình huống. Đồng thời, bác sĩ càng cần trang bị khả năng giao tiếp xã hội hiệu quả, để trực tiếp lắng nghe và nắm bắt tâm lý bệnh nhân, từ đó xác định đúng phương hướng giúp đỡ họ.‏

‏Bác sĩ là ngành có những tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu. Ảnh: Internet‏

‏Với những tiêu chuẩn khắt khe như vậy, có thể hiểu vì sao suốt những năm qua, ngành Y luôn là ngành học trong nhóm dẫn đầu cả nước về mức điểm chuẩn đầu vào đại học. ‏

‏Năm 2022, điểm chuẩn Trường đại học Y Hà Nội cao nhất là ngành y khoa 28,15 điểm. Trường Đại học Y Dược TP HCM (UMP) công bố điểm trúng tuyển năm 2022 là từ 19,05 đến 27,55, trong đó ngành có đầu vào cao nhất là Y khoa với 27,55 điểm.‏

‏Điều này càng cho thấy chất lượng ngay từ đầu vào đã được sàng lọc kỹ lưỡng, là tiền đề để đào tạo nên các bác sĩ có đủ phẩm chất năng lực chữa bệnh cứu người.


(0) Bình luận
‏7 năm trước cứ 10.000 người Việt mới có 8,5 bác sĩ, giờ tăng/giảm ra sao? So với Singapore, Thái Lan càng bất ngờ ‏
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO