67 tuổi có một khoản tiền tiết kiệm, tôi được con rể đón về nhà dưỡng già nhưng vội “quay xe” bỏ về quê vì 1 lý do

Ánh Lê | 20:58 31/07/2023

Cứ ngỡ tuổi già được con cháu lo lắng, chăm sóc, bà mẹ Trung Quốc đau lòng khi nhận ra mục đích đằng sau lòng tốt của các con.

67 tuổi có một khoản tiền tiết kiệm, tôi được con rể đón về nhà dưỡng già nhưng vội “quay xe” bỏ về quê vì 1 lý do

*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Tô Ân Châu, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).

Tôi năm nay 67 tuổi, là một giáo viên đã về hưu. Chồng tôi là chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở địa phương. Dù làm ăn nhỏ nhưng vì chịu khó tích góp nên chúng tôi cũng để được một khoản tiền tiết kiệm kha khá, cuộc sống đủ đầy.

Vợ chồng tôi có một cô con gái là Tiểu Vy. Vì là con một trong nhà nên chúng tôi cưng chiều con hết mực. Không phụ lòng bố mẹ, Tiểu Vy ngoan ngoãn lại học giỏi, đỗ vào trường đại học top đầu khiến vợ chồng tôi rất hãnh diện. Sau khi ra trường, con gái cũng nối nghiệp tôi trở thành một giáo viên công tác tại thành phố. Người ngoài ai cũng ghen tỵ vì cuộc sống của gia đình tôi quá hoàn mỹ. Thế nhưng có lẽ vì nửa đầu cuộc đời quá suôn sẻ nên khi bước qua tuổi trung niên, sóng gió mới bắt đầu ập tới vợ chồng tôi.

Biến cố kéo đến, phải nương nhờ con cái

Qua tuổi 50, tôi bị phong thấp ở chân, cột sống thắt lưng cũng thường xuyên đau nhức, nhất là lúc trái gió trở trời, phải thường xuyên uống thuốc. Tệ hơn là chồng tôi được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư gan do thói quen sinh hoạt không lành mạnh ngày trẻ. Đến lúc phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, khó lòng cứu chữa.

Ảnh minh họa: Toutiao

Mấy năm đó vì lo chữa trị cho chồng, công việc kinh doanh bị đình trệ hoàn toàn. Đến lúc chồng tôi qua đời, gia tài còn lại chỉ là căn nhà đã gắn bó với chúng tôi mấy chục năm qua và sổ tiết kiệm ít ỏi.

Tuy nhiên, điều khiến tôi phiền lòng hơn cả là trong thời gian chồng tôi hóa trị, không hiểu vì lý do gì mà số lần con gái và con rể ghé thăm chỉ đếm đến đầu ngón tay. Sau đó tôi mới biết vì con rể khởi nghiệp thất bại nên cả hai bận chạy vạy khắp nơi để lo trả nợ, chẳng có thời gian cho lo cho người bố bệnh tật nằm viện.

Vì thương con nên vợ chồng tôi cũng chẳng trách móc gì. Tuy nhiên, trước khi nhắm mắt, chồng tôi dặn dò tôi những ngày tháng sau này nếu không thể trông cậy vào con cái thì phải tự mình lo liệu. Dù có chuyện gì xảy ra, cũng khuyên tôi không được bán nhà. Nếu con cái muốn mượn tiền, trừ khi là để chữa bệnh hoặc cho cháu trai học hành, còn lại thì không được cho vay.

58 tuổi, tôi bắt đầu cuộc sống một mình, lấy việc trồng cây, xem TV, tập dưỡng sinh… làm niềm vui tuổi già. Con rể và con gái tôi thỉnh thoảng đến hỏi vay tiền nhưng tôi vẫn nhớ lời dặn của chồng nên từ chối. Cũng từ đó, mối quan hệ của tôi và các con trở nên xa cách. 

9 năm sau đó, sức khỏe tôi không còn tốt như trước, bệnh thấp khớp ngày càng nặng khiến tôi cả ngày chỉ  biết quanh quẩn ở nhà, chẳng thể đi đâu xa. Thấy thế, con rể không yên tâm nên đề nghị đón tôi lên phố để tiện chăm sóc. Điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm động. Lúc đầu, tôi định từ chối ý tốt của con. Tuy nhiên sau khi cân nhắc kỹ, tôi thấy việc con cái lo liệu cho mẹ khi về già là hợp lý nên đã nhờ các con thu dọn giúp đồ đạc để lên phố ở cùng.

Ở nhà con gái được nửa năm, tôi rất vui vì mọi việc đều suôn sẻ. Con rể cũng khá hiếu thuận khiến mối quan hệ mẹ con chúng tôi trở nên khăng khít hơn. Để không trở thành gánh nặng của các con, tháng nào tôi cũng đều gửi các con 2000 NDT (hơn 6 triệu đồng) để phụ giúp. Thấy con gái hay than thở lương thấp, có nhiều thứ phải chi tiêu, tôi cũng thành thật nói với con rằng mình còn sổ tiết kiệm 600.000 NDT, nếu khó khăn quá tôi sẽ hỗ trợ cùng. Tuy nhiên, khi tiết lộ bí mật đó, tôi đã hối hận.

Lòng tốt có “mục đích”

Những ngày sau đó, con rể tôi liên tục than thở với tôi rằng hai vợ chồng chịu rất nhiều áp lực khi đón tôi về ở chung. Từ chi phí sinh hoạt đến những lời đàm tiếu của họ hàng nhà nội khi “rước” mẹ vợ về nhà chăm sóc. Con rể cho rằng số tiền 2000 NDT mỗi tháng tôi chu cấp là không đủ và nêu ra 3 điều kiện muốn tôi thực hiện để giải quyết những vấn đề trước mắt.

Trước tiên, con rể muốn tôi bán căn nhà ở quê đi để có tiền mua một căn nhà lớn hơn cho 3 thế hệ cùng chung sống. Điều này cũng sẽ giúp xóa tan những điều tiếng từ nhà nội bấy lâu nay. Thứ hai, con rể muốn tôi tăng tiền chu cấp hàng tháng từ 2000 NDT lên 3000 NDT thì mới có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu cơ bản của gia đình. Thứ ba, các con muốn đứng tên khoản tiết kiệm của tôi để trong trường hợp khẩn cấp như tôi đổ bệnh thì có thể nhanh chóng rút tiền ra giải quyết.

Ảnh minh họa: Toutiao

Đây đều là những điều chồng tôi đã dặn dò tôi trước khi mất, do đó tôi kiên quyết từ chối yêu cầu của các con. Con rể thấy tôi không đồng ý liền thay đổi thái độ, tỏ vẻ tức giận rồi lớn tiếng quát mắng. Trong khi đó, con gái Tiểu Vy của tôi thấy thế cũng chỉ im lặng, chẳng nói câu nào.

Quá thất vọng về thái độ của các con, tôi về phòng đóng cửa, trằn trọc cả đêm không ngủ được. Trên thực tế, những điều kiện con rể đặt ra, tôi đều có thể đáp ứng. Tuy nhiên, cũng nhờ những điều kiện đó, tôi bỗng hiểu rõ bấy lâu nay, các con chăm lo cho mình là có mục đích. Hóa ra, hai con không hề thực lòng muốn chăm sóc người mẹ già này mà chỉ nhắm đến căn nhà và khoản tiền tôi tiết kiệm được.

Quá đau lòng, sáng sớm hôm sau, tôi thu dọn đồ đạc rồi về quê ngay. Trước khi đi, tôi gửi con gái thêm 20.000 NDT (hơn 66 triệu đồng) xem như hoàn trả chi phí ăn ở suốt 6 tháng tại nhà con gái. Tôi làm thế cũng là bởi vì không muốn bản thân nợ ân tình của con rể.

Bài học cho tuổi già

Trở về quê, tôi quyết định cho thuê căn nhà của vợ chồng tôi trước đây, còn bản thân thì dọn đến ở cùng người bạn già cùng cảnh ngộ trong xóm. Nhờ đó, tôi vẫn có tiền trang trải cuộc sống. Còn số tiền tiết kiệm được, tôi sẽ dùng cho những lúc cấp thiết. Tuổi già không có con cháu cũng buồn, nhưng ít ra, tôi vẫn có người cùng bầu bạn. Nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn khi nghe lời căn dặn của chồng. Nhờ đó mà cuộc sống của tôi những ngày xế chiều vẫn đầy đủ.

Ảnh minh họa: Toutiao

Trải qua nhiều chuyện, tôi đã nhận ra khi về già, bậc cha mẹ nào cũng nên biết tính toán thêm cho bản thân. Bởi sự đời xoay vần, có những sự việc sẽ xảy ra mà chúng ta không thể lường trước được. Giống như việc trên thế giới này, không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể nương nhờ vào con cái. Do đó, việc bản thân có tài chính ổn định sẽ giúp cho tuổi xế chiều trở nên chủ động và bớt âu lo hơn.

(Theo Toutiao)


(0) Bình luận
67 tuổi có một khoản tiền tiết kiệm, tôi được con rể đón về nhà dưỡng già nhưng vội “quay xe” bỏ về quê vì 1 lý do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO