34 tuổi tôi vẫn ‘ăn bám’ bố mẹ: Độc lập tài chính là thứ gì đó quá xa vời

Vũ Anh | 16:51 05/09/2023

Tiền và tình yêu của mẹ đã giúp tôi dành thời gian cho những điều khiến bản thân thực sự hạnh phúc.

34 tuổi tôi vẫn ‘ăn bám’ bố mẹ: Độc lập tài chính là thứ gì đó quá xa vời

The New York Times vừa trích lời Sara Murphy - người phụ nữ phụ thuộc vào bố mẹ trong một khoảng thời gian dài. Nội dung như sau: 

“Mùa hè 1996, năm tôi 16 tuổi, bạn bè cùng trang lứa đi làm thêm tại trung tâm mua sắm địa phương tại Jacksonville, Fla. Hầu hết đều xuất thân từ các gia đình gốc Iran trung lưu, thượng lưu, vậy nên đi làm chủ yếu để xây dựng tính cách chứ không phải điều gì đó quá bắt buộc về mặt tài chính. 

Vì có niềm yêu thích với âm nhạc nên tôi nảy ra ý tưởng làm việc tại cửa hàng băng đĩa Blockbuster Music. Mẹ biết chuyện thì vô cùng tức giận, thậm chí mắng tôi té tát. Bà cho rằng tôi nên theo đuổi những công việc hoặc hoạt động giúp ích được cho mục tiêu học tập và nghề nghiệp tương lai thay vì sa đà vào những công việc chân tay vô bổ. 

Quan niệm của mẹ quá khác tôi. Bà khẳng định sẽ chu cấp đầy đủ cho đến ngày tốt nghiệp, song thực tế, thời gian học càng nhiều thì năng lực kiếm tiền càng trì hoãn lâu hơn. Tuy nhiên, đối với các bậc làm cha làm mẹ có điều kiện, sự đánh đổi này là xứng đáng dù cho con cái có bị ‘kỳ thị’ vì phụ thuộc vào tài chính bố mẹ quá lâu. 

Farnoosh Torabi, một chuyên gia tài chính cũng cho biết mình đã kinh qua những trải nghiệm tương tự. Cha mẹ cô luôn kỳ vọng con gái học lên cao học bất kể là chuyên ngành gì. Cuối cùng, Farnoosh Torabi cũng may mắn lấy được bằng thạc sĩ báo chí.

Jason Rezaian, một cây bút của The Washington Post, cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ông nội. Cha anh, chủ sở hữu một doanh nghiệp kinh doanh thảm Ba Tư, khẳng định sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ con trai nếu cần. 

Quay trở lại với câu chuyện của tôi. Mẹ tôi, một bác sĩ gây mê, người kiếm được 250.000 USD/năm khi ở đỉnh cao sự nghiệp, có lẽ đã đầu tư cho việc học của tôi nhiều hơn bất kỳ khoản chi nào khác. Bà thanh toán học phí trường tư và đại học, đồng thời trợ cấp thêm trong thời gian tôi hoàn thành chương trình tiến sĩ.

“Đây là con tôi. Tôi có tiền. Miễn là tôi còn sống, tôi sẽ chịu trách nhiệm với nó”, mẹ tôi nói. 

Ở tuổi 34, tôi nhận bằng tốt nghiệp nhưng không có việc làm trong tay. Tôi đáp ứng kỳ vọng của mẹ nhưng điều đó không giúp tôi đạt đến sự độc lập tài chính như bao người. Ban đầu tôi không nghĩ ngợi nhiều. Chỉ đến khi so sánh bản thân với lý tưởng thành công của người Mỹ, tôi mới nhận ra mình giống một kẻ ăn bám.

Sự hỗ trợ của bố mẹ giúp tôi không phải lo lắng quá nhiều về việc kiếm sống. Tôi cũng không dọn ra ở riêng vì sống chung với bố mẹ được coi là điều phổ biến trong những gia đình nhập cư”. 

Khảo sát từ Liên minh người Mỹ gốc Iran, một tổ chức phi lợi nhuận, cho thấy 86% người Mỹ gốc Iran có ít nhất một bằng đại học và cứ năm hộ gia đình thì có một nhà có thu nhập hàng năm trên 100.000 USD. Một số vẫn chọn cách đi làm để tự nuôi sống bản thân và quyết định không theo đuổi bằng đại học.

Nỗi lo sợ mơ hồ của mẹ rằng bạn bè ở Blockbuster Music sẽ lôi kéo con gái bà khỏi việc học, thực chất, là nỗi lo của hầu hết các cha mẹ nhập cư về một nền văn hóa mà họ không hiểu. Họ chấp nhận trả tiền cho con đi học, song cảnh báo sẽ cắt viện trợ nếu cô mắc nợ thẻ tín dụng. Họ nói khoản nợ duy nhất có thể chấp nhận được là khoản nợ từ việc đầu tư vào tấm bằng thạc sĩ, “bởi bằng cấp thực sự sẽ giúp con có được sự nghiệp”. 

“Tôi vừa biết ơn vừa xấu hổ với sự hỗ trợ tài chính từ mẹ. Tôi không phải lo lắng về các hóa đơn hàng ngày song lại lo sợ cho chính tương lai của mình. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ và động viên tài chính từ mẹ, tôi sẽ không bao giờ có thể theo đuổi niềm yêu thích học tập. Tiền và tình yêu của mẹ đã giúp tôi dành thời gian cho những điều khiến tôi thực sự hạnh phúc”, Sara Murphy nói. 

Theo: The New York Times 

Bài liên quan

(0) Bình luận
34 tuổi tôi vẫn ‘ăn bám’ bố mẹ: Độc lập tài chính là thứ gì đó quá xa vời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO