Thử search từ khoá “thẻ tín dụng", bạn sẽ nhận được cả ngàn kết quả về lợi ích của hình thức thanh toán này, từ được hoàn tiền khi mua sản phẩm, hỗ trợ trả góp cho đến vô vàn ưu đãi khác. Tuy nhiên, thẻ tín dụng cũng khiến nhiều người dễ rơi vào cảnh nợ nần nếu không biết dùng chúng đúng cách hoặc chưa tường tận phương pháp quản lý tài chính.
Đó cũng là câu chuyện của Lê Hồng Việt (SN 2000) đang sống tại TP.HCM và là chủ của một startup kinh doanh trang sức. Sau 2 năm sử dụng thẻ tín dụng, chàng trai đã có trong tay khoản nợ 120 triệu đồng. “Bài học đáng nhớ" là cách Hồng Việt tóm gọn về trải nghiệm dùng thẻ tín dụng đã qua của mình.
Nợ thẻ tín dụng 120 triệu đồng sau 2 năm sử dụng
Hồng Việt bắt đầu có chiếc thẻ tín dụng đầu tiên vào tháng 4/2022. Chiếc thẻ được công ty cấp sau khi chàng trai ký hợp đồng lao động.
Cho đến hiện tại, Việt đã sử dụng 5 chiếc thẻ tín dụng từ các ngân hàng khác nhau, hạn mức tăng dần là 20, 32, 36, 44 và 150 triệu đồng. Có nhiều thẻ tín dụng trong tay khi chưa biết kiểm soát đồng tiền đã khiến anh chàng mang khoản nợ hơn 100 triệu vào năm 23 tuổi.
Hồng Việt nhớ lại: “Ở thời điểm đó, bản thân mình chưa biết về quản lý tài chính nên việc tiêu xài diễn ra nhiều hơn. Nguyên nhân dẫn đến số nợ này phần lớn là do mình cứ ‘chuyển đổi trả góp’ cho những món đồ muốn mua. Đồng thời, mình nghĩ rằng bản thân sẽ dễ dàng thanh toán được thôi vì khi mua trả góp, mình không mất bất cứ lãi gì và chỉ tốn một phần phí chuyển đổi là 2-3% trên giá trị món hàng”.
Những khoản nợ tín dụng của Việt bắt đầu hình thành từ khoảng tháng 7/2022. Ban đầu anh chàng vẫn có thể thanh toán nợ tín dụng dễ dàng vì giao dịch mua bán còn nhỏ. Tuy nhiên, khi Hồng Việt bắt đầu chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt trong thời điểm chuyển giao công việc và nghỉ ở nhà 2-3 tháng, chàng trai càng “lạm chi" khi dùng thẻ tín dụng.
Thời điểm Hồng Việt “tỉnh ngộ” là vào tháng 10/2023, cũng là lúc anh phát hiện bản thân đã có khoản nợ tín dụng hơn 100 triệu đồng. Có thẻ tín dụng Hồng Việt chỉ cần thanh toán 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng có thẻ khác cần trả đến 10 triệu đồng/tháng.
Hành trình trả nợ thẻ tín dụng của Hồng Việt bắt đầu. Anh chàng kể: “Khi phát hiện, mình đã không có khả năng trả toàn bộ dư nợ của thẻ tín dụng. Nên mình bắt đầu phải tìm đến cách là thanh toán dư nợ tối thiểu hàng tháng nhằm có thể duy trì khả năng trả nợ. Ngoài ra, mình đã ngưng sử dụng 3/5 thẻ tín dụng để thanh toán dần dần hết nợ.
Đến thời điểm hiện tại, mình đã thanh toán được một nửa. Còn lại bao nhiêu nợ, mình vẫn cố gắng làm mỗi ngày, trích thu nhập từ lợi nhuận của brand mới startup và công việc freelancer để hỗ trợ chi trả một phần nào đó. Mình không nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình để chi trả nợ tín dụng. Vì tự nhiên có thêm ‘gánh nặng’ thì chắc ba mẹ đánh mình xỉu luôn (cười)”.
Có còn tiếp tục dùng thẻ tín dụng trong tương lai?
Mặc dù vẫn còn đang mang khoản nợ của thẻ tín dụng, nhưng câu trả lời của Hồng Việt là “Có". Lý do là bởi Việt cho rằng sở dĩ anh có khoản nợ tín dụng vì đã dùng chúng khi còn trẻ và chưa biết kiểm soát chi tiêu. Còn nếu biết xài thẻ tín dụng thông minh, Hồng Việt vẫn được hưởng nhiều lợi ích từ hình thức thanh toán này.
Anh chàng chia sẻ: “Cụ thể hơn, trong 5 thẻ tín dụng thì mình đang sử dụng 2 chiếc là TPBank và MBBank. Với thẻ TPBank, mình dùng để đi ăn, mua đồ và sẽ được hoàn tiền. Chiếc thẻ có hạn mức cao nên mình có thể back up trong một số trường hợp nhất định.
Tiếp đến là thẻ MBBank, mình sử dụng nhiều nhất chiếc thẻ này khi đi nước ngoài vì chuyển đổi ngoại tệ thấp nhất trong những chiếc thẻ mà mình có, cũng như là không có bất kỳ phí thường niên hay bảo hiểm thẻ. Tiện nhất chính là việc mình đi ra sân bay thì có thể vào phòng chờ thương gia mà không tốn phí, đồng thời mình được ưu tiên hơn khi sử dụng dịch vụ khác từ ngân hàng”.
Song với đó, Hồng Việt nhận thấy thẻ tín dụng cũng đem lại cho người dùng vài “hạn chế” như phí thường niên và lãi suất trả chậm của một số ngân hàng còn cao, hay nếu mất thẻ thì có thể mất tiền lớn nếu như không kịp khóa thẻ khẩn cấp,... Tuy nhiên, việc biến “hạn chế” của thẻ thành “nhược điểm" khi chi tiêu hay không còn phụ thuộc vào cách quản lý của người dùng.
Với những người trẻ đang có ý định sử dụng thẻ tín dụng, Hồng Việt đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân: “Mình mong các bạn trẻ như mình có thể tự biết cách quản lý tài chính, sử dụng thẻ thông minh và thấy rằng ‘tiền mình thì khó xài chứ tiền ngân hàng mình xài mê ly lắm’. Nên là hãy sử dụng thẻ tín dụng khi cần thiết và thật sự thông minh để nó không trở thành ‘con dao 2 lưỡi’, cũng như rơi vào trường hợp giống mình nha".