Năm 2023 là một năm của cơn sốt vàng khi giá kim loại quý này đã phá kỷ lục, tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Theo hãng tin CNN, giá vàng đã tăng 3% trong phiên 4/12/2023 lên mức 2.135 USD/ounce, phá vỡ kỷ lục trước đó 2.072 USD/ounce của tháng 8/2020.
Như vậy tính từ mức giá đóng cửa 272,65 USD/ounce cuối năm 2000, giá vàng đã tăng đến 683% trong 23 năm, tương đương 29,6% mỗi năm. Nếu tính riêng trong năm 2023, giá vàng đã tăng đến gần 15%.
Trớ trêu thay, đây lại chính là cách đầu tư gom vàng của nhiều "ông bà cụ" khi chỉ đơn thuần mua kim loại quý này nhằm dự trữ tài sản chứ không có ý định hay kiến thức đầu cơ gì trên thị trường.
Thậm chí nhiều gia đình mua vàng chỉ đơn thuần để làm của hồi môn, nhất là với những người lớn tuổi muốn tặng quà cho con cháu khi kết hôn.
Thế nhưng chính cách tích trữ vàng kiểu "không biết gì" này lại đem lại mức lợi suất khả quan cho những người lớn tuổi.
Hãng tin Reuters cho hay kiểu đầu tư vàng "ông bà cụ" này đang khiến lớp trẻ cũng phải đổ xô học theo.
Báo cáo của hãng vàng bạc Chow Tai Fok cho thấy 70% số khách hàng mua vàng hiện nay là từ 18 đến 40 tuổi thay vì lớp người già như trước đây.
"Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người 18-40 tuổi đi mua trang sức bằng vàng. Đây là điều cực kỳ bất ngờ vì trước đây người già mới là đối tượng khách hàng thường xuyên hơn", giám đốc Kent Wong của Chow Tai Fok cười nói.
Trả lời Reuters, cô sinh viên Nadia Qi tại Bắc Kinh cho biết mình đã dùng tiền tiêu vặt hàng ngày để tích cóp mua vàng. Vị nữ sinh viên 21 tuổi này nói rằng mình đã gom được hơn 2.000 USD vàng trang sức và vàng miếng.
"Thứ duy nhất khiến tôi yên tâm hiện nay là đầu tư vào vàng", cô Qi nói với Reuters khi cho biết đang đặt mục tiêu mua ít nhất 20gr vàng mỗi năm.
"Vàng giống như một loại tiền tệ mạnh hiện nay vậy", nhân viên văn phòng họ Yang đã 38 tuổi tại tỉnh Hunan đồng quan điểm khi phỏng vấn với Reuters.
Theo hãng tin CNN, giá vàng khả năng sẽ còn đi lên trong năm 2024 trước áp lực hạ lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng mạnh là niềm tin của nhà đầu tư rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất sau khi khống chế lạm phát thành công.
Nhiều đồn đoán cho rằng vào tháng 3 năm sau, FED sẽ thực hiện đợt cắt giảm đầu tiên của mình và gây ảnh hưởng lan rộng đến thị trường tài chính.
Về lý thuyết, lãi suất cao sẽ khiến các nhà đầu tư bị thu hút bởi thị trường trái phiếu của Mỹ hơn và ngược lại, khi lãi suất giảm hoặc được kỳ vọng sẽ hạ thì vàng mới là chân ái.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm 5% từ mức cao nhất 16 năm qua xuống còn 4,3% vào giữa tháng 11/2023, qua đó cho thấy nhà đầu tư đang dịch chuyển nguồn vốn của mình trước khả năng FED thay đổi chính sách tiền tệ.
"Kỳ vọng Mỹ chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ đã tác động mạnh đến thị trường, khiến lợi suất trái phiếu dài hạn xuống thấp. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để vàng tăng giá", giám đốc nghiên cứu Daria Efanova của Sucden Financial nhận định.
Chuyên gia chiến lược John Reade của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council-WGC) nói với CNN rằng các nhà đầu tư đang dự đoán giá vàng nhiều khả năng sẽ còn liên tiếp phá kỷ lục trong năm 2024 do thị trường kỳ vọng FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào năm tới để kích thích kinh tế.
Ngoài ra, dự báo hạ lãi suất đã tác động đến tỷ giá đồng USD khiến đồng tiền này hạ giá, qua đó khiến vàng vốn giao dịch bằng đồng USD càng tăng giá để sát với giá trị thực. Tỷ giá đồng USD đã mất 3% giá trị trong tháng qua so với một rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Do vàng được giao dịch bằng đồng USD trên thị trường quốc tế nên tỷ giá USD hạ khiến giá vàng trở nên rẻ hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, qua đó càng thúc đẩy nhu cầu mua kim loại quý này.
Bên cạnh đó, các yếu tố bất ổn địa chính trị cũng là nguyên nhân khiến giá vàng tăng gần 15% từ đầu năm đến nay. Thậm chí CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase nhận định tình hình kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức và gặp nguy hiểm nhất trong suốt vài chục năm trở lại đây.
"Tình hình bất ổn địa chính trị đang tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Từ cuộc xung đột Ukraine đến tình hình ở Israel, thế rồi câu chuyện xung đột thương mại Mỹ-Trung và nhiều vấn đề địa chính trị khác", chuyên gia chiến lược John Reade của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council-WGC) đồng quan điểm.
Chính những nhận định bi quan này cũng như lo lắng về khủng hoảng đã khiến nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm kênh trú ẩn tài sản như vàng.
Một yếu tố nữa là việc Phương Tây đóng băng nhiều tài sản dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga đã khiến hàng loạt chính phủ các nước chuyển sang dự trữ vàng thay vì đồng USD nhằm đảm bảo an toàn.
Số liệu của WGC cho thấy ngân hàng trung ương các nước mới nổi đã mua ròng 473 tấn vàng bình quân mỗi năm trong khoảng 2010-2021.
Thế nhưng trong năm 2022, những ngân hàng trung ương này bất ngờ mua ròng đến 1.100 tấn vàng và con số này lên đến 800 tấn vàng trong 3 quý đầu năm nay.
Khảo sát vào tháng 5/2023 cho thấy ¼ số ngân hàng trung ương đang có kế hoạch gia tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.
Cơn sốt vàng năm 2023 đã khiến vô số những người từng đặt niềm tin vào vàng mừng rỡ, tiêu biểu trong số đó là tác giả “Cha giàu, cha nghèo”.
Vào tháng 4/2023, tác giả Robert Kiyosaki của "Cha giàu, cha nghèo" đã đăng trên mạng xã hội ý kiến cho rằng nhà đầu cơ nên đổ tiền vào kim loại quý và tiền số thay vì tích trữ tiền trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nguy cơ khủng hoảng.
"Với tôi thì vàng, bạc hay tiền số mới là tài sản thực sự trong khi tiền mặt lại như rác rưởi trong thời khủng hoảng", ông Kiyosaki nhấn mạnh.
Vốn nổi tiếng với cuốn sách dạy làm giàu bán chạy, ông Kiyosaki thường khuyên mọi người đầu tư dựa trên tiềm lực tài chính của bản thân thay vì chạy theo số đông.
Ngoài ra, vị tác giả này cũng khuyên mọi người nên đầu tư vào bất động sản hay những kênh khác bên cạnh thu nhập từ đồng lương để có thể làm giàu.
Dẫu vậy trong vài tháng qua, ông Kiyosaki đã cảnh báo rằng thị trường đang khá nóng và có nguy cơ đổ vỡ hậu đại dịch Covid-19.
"Bong bóng thị trường thuộc hàng lớn nhất lịch sử đang ngày một phình to. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất sẽ khiến chứng khoán, bất động sản và thị trường vàng đi đến đổ vỡ", ông Kiyosaki đăng trên Twitter.
Theo tác giả này, thị trường vàng tăng quá nóng sẽ dẫn đến những điều chỉnh. Dự đoán của một số chuyên gia mà ông Kiyosaki kính trọng như Steven Van Metre cho thấy giá vàng có thể giảm xuống 1.000 USD/ounce.
Bất chấp điều đó, vị tỷ phú này vẫn ưa thích kim loại quý và tiền số hơn đồng USD hay bất động sản bởi chúng giữ giá trị tốt hơn và có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt nhanh hơn các loại tài sản khác trong thời kỳ khủng hoảng.
"Tại sao tôi lại thích vàng, bạc và Bitcoin ư? Vì chúng có tính THANH KHOẢN cao. Mọi người cứ thích đua nhau mua nhà khi thị trường bất động sản đã quá nóng và đến lúc đổ vỡ thì chẳng thể thoát ra nổi", ông Kiyosaki cho biết.
Không riêng gì ông Kiyosaki có những dự đoán về sự đổ vỡ của thị trường trong tương lai mà nhiều nhà đầu tư nổi tiếng như Jeremy Grantham, Leon Cooperman, Stanley Druckenmiller và Michael Burry cũng đều có chung nhận định.
"Bạn không nên đầu cơ vàng mà hãy đầu tư dài hạn, mua và giữ. Còn nếu bạn muốn giao dịch trong ngày, trong tháng hay nửa năm tới để ăn chênh lệch thì thị trường vàng có lẽ không dành cho bạn", CEO Jonathan Rose của Genesis Gold Group nhận định.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu Kiyosaki chê bai tiền mặt là rác. Trong suốt những năm qua, vị tác giả "Cha giàu, cha nghèo" này đã liên tục chế giễu tiền mặt là "tiền đểu" hay có giá trị như những "tờ giấy vệ sinh" nếu như không được chính phủ công nhận và người dân đặt niềm tin vào đó.
Việc chính quyền Washington in quá nhiều tiền trong đại dịch Covid-19 để hỗ trợ kinh tế, cùng với việc tăng lãi suất bị Kiyosaki cho là hiểm họa lớn với đồng USD cũng như các thị trường tài sản khác.
Quan điểm của tác giả “Cha giàu, cha nghèo” đang là một lời thách thức đến Warren Buffett khi nhà đầu tư huyền thoại này luôn nhận định “vàng là thứ vô dụng”.
Khoảng 40% sản lượng vàng được sản xuất ra hiện nay dùng cho việc tích trữ dưới hầm của các ngân hàng trung ương dưới dạng thỏi hoặc đồng xu. Với khả năng chống chịu oxy hóa tốt cũng như giữ được vẻ đẹp trong thời gian dài, nhất là yếu tố giữ được giá trị trong tương lai khiến vàng trở thành thứ tài sản hay được dùng để tích trữ nhất trong thời kỳ khủng hoảng.
Ngoài ra, khoảng 50% sản lượng vàng được sản xuất ra hiện nay dùng cho thị trường trang sức. Tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, vàng chủ yếu được dùng cho trang sức và các hộ gia đình cũng tích trữ kim loại quý này dưới dạng trang sức nhiều hơn là dạng thỏi hay đồng xu.
Bất chấp điều đó, tỷ phú Warren Buffett vẫn chẳng ưa thích gì thứ kim loại quý này.
Quay ngược trở lại năm 2009 khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn trong cơn khủng hoảng và mọi người đổ xô vào những tài sản trú ẩn như vàng, nhà đầu tư Buffett đã thẳng thừng tuyên bố: "Điều duy nhất tôi có thể nói với bạn về vàng là rằng nó sẽ chẳng làm gì ngoài việc nằm im ở đó. Trái lại, những công ty như Coca Cola hay Well Fargo đang kiếm tiền và bạn có thể đổ tiền vào đó. Rõ ràng việc có một con gà đẻ trứng sẽ tốt hơn rất rất rất nhiều một con gà chẳng làm gì mà chỉ ngồi đó nhìn bạn, trong khi bạn phải tốn thêm tiền đóng bảo hiểm, lưu kho và cả đống chi phí khác".
"Vàng được đào ra từ các mỏ như ở Châu Phi, rồi chúng ta nung nóng chúng, tạo một cái khuôn, đúc nó thành hình và trả phí cho nhân viên đứng xung quanh để canh gác. Nó chả mang lại lợi ích gì cả. Bất cứ người ngoài hành tinh nào nhìn thấy cảnh này chắc cũng cảm thấy khó hiểu", tỷ phú Warren Buffett bổ sung.
Theo Buffett, việc đổ tiền vào những tài sản mang tính bảo hiểm như vàng, trang sức… sẽ tốn thêm chi phí bảo quản cũng như hạn chế tính thanh khoản. Tệ hơn, lợi nhuận mà bạn kiếm được phụ thuộc hoàn toàn vào việc giá các tài sản đó tăng hay giảm mà không làm chủ được tình hình.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác khi nền kinh tế khủng hoảng lan rộng và các nhà đầu tư nháo nhào tìm nơi trú ẩn.
Nghe đến đây có lẽ một số người sẽ thắc mắc, bởi chẳng lẽ nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men... mới là thứ mọi người phải tích trữ trong thời buổi rối ren hay sao?
Trên thực tế, câu chuyện tích trữ vàng diễn ra khi nền kinh tế chưa đến mức sụp đổ và các nhà đầu tư chỉ đơn giản tìm nơi trú ẩn cho tài sản không bị mất giá. Bởi vậy họ không cần tích trữ những thứ vẫn có khả năng mua được bằng tiền trong tương lai.
Đặc biệt hơn, vàng được cho là tài sản chống chịu tốt với lạm phát.
Kể từ thập niên 1970 đến nay, giá vàng luôn theo chiều hướng đi lên nếu tính cả lạm phát. Dù có chững lại trong thập niên 1990-2000 thì vẫn cao hơn so với các thời kỳ giảm giá trước đó.
Trên thực tế, rất nhiều kho dự trữ ngoại hối trên thế giới đã giảm tích trữ đồng USD và mua vào vàng. Tỷ lệ dự trữ đồng USD trong kho dự trữ 10,7 nghìn tỷ USD ngoại hối của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm từ 65% xuống dưới 62% trong thời kỳ Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền.
Tại Nga, Ngân hàng trung ương nước này cũng đã giảm tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối xuống còn 22% và mua mạnh vào vàng.
Trong năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng 74%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1971.
Hiện ngay cả tỷ phú Warren Buffett, người vốn chẳng ưa gì việc tích trữ vàng khi cho rằng chúng là rác rưởi, không đóng góp được gì cho hoạt động sản xuất hay nền kinh tế, cũng phải đồng ý với Kiyosaki về rủi ro khủng hoảng.
Tuy nhiên thay vì coi tiền mặt là rác để đổ vào vàng, Warren Buffett lại làm điều ngược lại.
Tờ Business Insider (BI) cho hay việc Warren Buffett tích trữ lượng lớn tiền mặt được đánh giá là dấu hiệu hệ lụy từ những bất ổn của tình hình kinh tế toàn cầu cũng như việc khó tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn hiện nay.
Cụ thể, hãng Berkshire Hathaway của Buffett đã ghi nhận kỷ lục 157 tỷ USD tài sản lưu động gồm tiền mặt và tín phiếu kho bạc tính đến ngày 30/9/2023.
Số tài sản này chiếm 15% trong tổng số 1 nghìn tỷ USD tài sản của Berkshire, đồng thời tương đương 20% tổng vốn hóa thị trường 783 tỷ USD của hãng.
Chủ tịch Lee Munson của Portfolio Wealth Advisors nhận định rằng việc Warren Buffett tích trữ lượng lớn tiền mặt như vậy đang cho thấy nhiều dấu hiệu thận trọng.
"Tôi cho rằng Buffett đã nhìn thấy những khó khăn, thách thức trong năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc phải cẩn trọng hơn khi Buffett không nhìn thấy một kênh đầu tư nào thực sự an toàn để rót vốn thay vì tích trữ tiền mặt", Chủ tịch Lee cảnh báo.
Nhận định của Chủ tịch Lee tương tự những gì mà Warren Buffett từng cảnh báo vào tháng 5/2023. Nhà đầu tư nổi tiếng này đã cảnh báo cực kỳ gay gắt về tương lai kinh tế Mỹ ảm đạm do lãi suất cao cũng như những tác động từ việc chính phủ chi quá nhiều tiền trong đại dịch.
Thậm chí chính Buffett còn dự đoán các mảng kinh doanh con, đầu tư của Berkshire trong năm tới sẽ suy giảm doanh thu.
Với tình hình như vậy, liệu nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có phá vỡ quan điểm của mình để chạy theo cơn sốt vàng chống khủng hoảng?
*Nguồn: Bloomberg, CNN, CNBC