15 năm VN-Index vẫn 1.100 điểm, chứng khoán Việt Nam có “dậm chân tại chỗ”?

Hà Linh | 06:57 02/10/2022

VN-Index trở lại mốc 1.100 điểm nhưng vốn hóa của HoSE hiện đã tăng gấp 15 lần sau 15 năm, từ con số khiêm tốn 300.000 tỷ đồng hồi tháng 2/2007 lên hơn 4,5 triệu tỷ đồng.

15 năm VN-Index vẫn 1.100 điểm, chứng khoán Việt Nam có “dậm chân tại chỗ”?

Thị trường chứng khoán đã khép lại tháng 9 nhiều sóng gió bằng một phiên lội ngược dòng đầy ấn tượng. Nhà đầu tư đã có thể tạm thở phào khi VN-Index không tiếp tục thủng đáy dù có thời điểm chỉ số nhúng xuống dưới 1.100 điểm. Với những nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán trong gần 2 năm qua, đây mới là lần đầu tiên được thấy con số trên dù chỉ là một khoảnh khắc chớp nhoáng.

Còn với những người chinh chiến lâu năm trên thị trường, phiên giao dịch vừa qua làm gợi nhớ đến những lần VN-Index đảo qua đảo lại mốc 1.100 trong quá khứ, đặc biệt là lần đầu tiên lên đỉnh vào tháng 2/2007. Dù vẫn mốc điểm đó nhưng thị trường sau 15 năm đã có những bước phát triển vượt bậc. Nội bật nhất là việc vốn hóa của HoSE đã tăng gấp 15 lần từ con số khiêm tốn 300.000 tỷ đồng lên hơn 4,5 triệu tỷ đồng.

tuong-quan.png

Số lượng cổ phiếu niêm yết trên HoSE cũng đã tăng gấp 5 lần từ hơn 100 mã đầu năm 2007 lên gần 550 mã bao gồm cả những sản phẩm mới như chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có đảm bảo (CW),... Thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã được đưa vào vận hành và phát triển nhanh chóng, ổn định, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp thêm công cụ phòng ngừa rủi ro, cải thiện cơ sở nhà đầu tư, thúc đẩy thanh khoản thị trường.

Trong hơn 15 năm đã qua, hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi đã niêm yết có thể kể đến như VinGroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Sabeco (SAB), Vietnam Airlines (HVN), Thế Giới Di Động (MWG), Chứng khoán SSI.... Các ngân hàng Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), VPBank (VPB), Techcombank (TCB),... cũng đã lần lượt lên sàn.

Sự khác biệt còn được thể hiện qua định giá thị trường. Thời điểm đầu năm 2007, P/E trung bình của 20 công ty lớn nhất (chiếm 99% vốn hóa của thị trường) niêm yết trên HoSE lên đến 73 lần, rất cao so với các thị trường khác. Đến hiện tại, đinh giá thị trường đã hợp lý hơn nhiều với P/E trailing của VN-Index (theo dữ liệu của Algo Platform) chỉ ở mức 12,09 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm (15,x lần) cũng như các nước trong khu vực.

vn-index-4-.png

Thêm nữa, Luật Chứng khoán cũng đã có nhiều thay đổi theo thời gian để phù hợp hơn với sự phát triển của thị trường, giúp nhà đầu tư ngày càng dễ dàng tiếp cận hơn với chứng khoán. Minh chứng rõ ràng nhất là sự bùng nổ của làn sóng nhà đầu tư mới trong suốt cả năm 2021 kéo dài cho đến nửa đầu năm nay. Số lượng tài khoản chứng khoán đã lên đến 6,5 triệu, tăng gấp 65 lần so với thời điểm đầu năm 2007.

Thanh khoản cũng theo đó bùng nổ cùng sự xuất hiện của nhiều phiên giao dịch tỷ USD. Mặc dù đã hạ nhiệt thời gian gần đây nhưng rõ ràng thanh khoản vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây 15 năm. Chứng khoán về cơ bản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, có tiềm năng phát triển khả quan trong dài hạn nhờ vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao. Do đó, thanh khoản được dự báo sẽ dần hồi phục cùng số lượng nhà đầu tư tham gia sẽ ngày càng gia tăng trong tương lai.

Vì sao có cảm giác thị trường “dậm chân tại chỗ”?

Thực tế, thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng sau 15 năm nhưng việc VN-Index trở lại mốc 1.100 vẫn khiến không ít nhà đầu tư có cảm giác “dậm chân tại chỗ”, thậm chí thụt lùi. Điều này có thể xuất phát từ tâm lý nặng nề của nhà đầu tư khi giai đoạn sóng gió vừa qua thổi bay gần hết thành quả đạt được trong năm trước hoặc tệ hơn là âm vào vốn.

Thống kê cho thấy, từ lần gần nhất VN-Index “chia tay” mốc 1.100 điểm (tháng 2/2021) đến nay, đã có khoảng 3,6 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, chiếm hơn một nửa tổng số tài khoản hiện tại. Đối với lực lượng đông đảo này, VN-Index quay trở lại mốc 1.100 phần nào đó là một bước lùi. Dù không phải cổ phiếu nào cũng giảm theo thị trường nhưng xác suất để chọn được cổ phiếu đi ngược không cao.

Yếu tố tâm lý rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến cảm giác của nhà đầu tư về thị trường. Nhìn lại hồi đầu tháng 1/2021, thời điểm VN-Index vượt 1.100 điểm sau 3 năm chờ đợi, không nhiều nhà đầu tư nhắc về thời điểm năm 2007 bởi vẫn còn đang chìm trong men say trong chiến thắng, giai đoạn “mua là thắng”.

Bối cảnh hiện tại đã khác rất nhiều, thị trường liên tục biến động không thuận lợi khiến nhà đầu tư cứ bắt đáy lại thấy đáy mới, càng trung bình giá càng lỗ. Câu chuyện 15 năm vẫn 1.100 điểm được mang ra bàn luận khắp các diễn đàn về chứng khoán cũng không quá khó hiểu. Nhưng thực tế, khi VN-Index quay trở lại mốc điểm năm 2007, đã có những cổ phiếu âm thầm tăng gấp nhiều lần như REE, VNM, FPT,...

fpt.jpg

Điển hình như trường hợp của FPT, nếu nhà đầu tư chót đu đỉnh vào đầu năm 2007 và chấp nhận “cất tủ” đến hiện tại, khoản đầu tư vào cổ phiếu này đã tăng gấp hơn 3 lần chưa kể cổ tức bằng tiền đều đặn hàng chục % mỗi năm. Ví dụ này cũng cho thấy rằng, bất chấp bối cảnh thị trường khó khăn như thế nào trong ngắn hạn, vẫn luôn có những cổ phiếu chất lượng có thể mang về hiệu suất sinh lời ấn tượng trong dài hạn. Như chuyên gia của Dragon Capital từng chia sẻ “biến động lớn sẽ trở nên nhỏ đi nếu nhìn dài hạn”.

Trong quá khứ, thị trường tài chính toàn cầu từng không ít lần bị đe dọa bởi các đợt khủng hoảng, suy thoái. Trong thời kỳ bong bóng dot.com năm 2000 và khủng hoảng tài chính năm 2008, NAV của PYN Elite đều giảm mạnh. Tuy nhiên, danh mục quỹ đã nhanh chóng phục hồi và lập đỉnh mới chỉ sau 2 năm nhờ việc phân bổ vốn ở một quốc gia mới nổi có thị trường chứng khoán đã sụt giảm từ mức định giá trung bình xuống mức định giá cực thấp.

Nhà quản lý PYN Elite Fund tiết lộ đã mạnh dạn rót thêm vốn vào quỹ để “bắt đáy” trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Mỹ vào năm 2008-2009. Dù có thời điểm đã lỗ 30% khi NAV của quỹ chạm đáy, khoản đầu tư trên cuối cùng đã tăng gấp đôi sau 2 năm. Ngay tại thị trường Việt Nam, PYN Elite cũng từng “gồng lỗ” nhiều cổ phiếu trong thời gian dài nhưng cuối cùng vẫn lãi lớn.

Rất khó để khẳng định thị trường đã tạo đáy hay chưa sau phiên bất ngờ khởi sắc cuối tuần qua. Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường có thể giảm thêm, nhiều chuyên gia và quỹ đầu tư lớn đều cho rằng, đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu chất lượng bị định giá thấp và có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai thay vì cuốn vào những câu chuyện “trading” ngắn hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
15 năm VN-Index vẫn 1.100 điểm, chứng khoán Việt Nam có “dậm chân tại chỗ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO