15 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất sàn chứng khoán vay nợ gần nửa triệu tỷ đồng

Dương Ngọc | 10:29 02/11/2022

Thống kê cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, tổng dư nợ (bao gồm vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn) của 15 doanh nghiệp này rơi vào khoảng 425.750 tỷ đồng.

15 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất sàn chứng khoán vay nợ gần nửa triệu tỷ đồng

Ba phần tư chặng đường của năm 2022 đi qua, đồng nghĩa với việc khép lại mùa kinh doanh quý 3, các “đại gia” nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm) cũng đã lộ diện.

Tại thời điểm 30/9/2022, thống kê cho thấy có ít nhất 15 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 15 doanh nghiệp này lên đến 351.000 tỷ đồng, tương đương 14,3 tỷ USD, tăng hơn 28.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trước bối cảnh lãi suất tăng mạnh như hiện nay, bên cạnh việc doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt và tiền gửi được hưởng lợi, nhà đầu tư lại ít chú ý rằng điều này sẽ kéo theo chi phí sử dụng vốn các doanh nghiệp này sẽ tăng mạnh hơn.

Tính đến thời điểm 30/9/2022, thống kê cho thấy tổng dư nợ (bao gồm vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn) của 15 “đại gia” sở hữu nhiều tiền mặt nhất rơi vào khoảng 425.750 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, chi phí cho các khoản nợ vay của các doanh nghiệp ngày càng “phình” ra.

capture.png

Trong đó, Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) dẫn đầu bảng với dư nợ hơn 172.500 tỷ đồng, nhiều hơn 35.000 tỷ đồng so với tổng nợ vay của Hoà Phát (HPG) và Novaland (NVL) cộng lại. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, sau 9 tháng, Vingroup đạt tổng doanh thu thuần 60,4 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.739 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.571 tỷ đồng. Tổng tài sản đến hết quý 3/2022 của Vingroup đạt 556.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu của Vingroup trong 9 tháng đầu năm là 8.098 tỷ đồng.

Đứng vị trí thứ 2 là Novaland với gần 72.000 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, trong đó 58% là nợ dài hạn với 41.600 tỷ đồng; còn lại hơn 30.000 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. 

Tiếp theo, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) xếp thứ 3 với tổng vay nợ gần 66.000 tỷ đồng. Được biết, HPG nắm giữ “ngôi vương” doanh nghiệp nhiều tiền nhất sàn chứng khoán từ nhiều năm nay.

Mặc dù đã dự báo trước, Hòa Phát vẫn gây "sốc" khi bất ngờ lỗ lịch sử 1.786 tỷ đồng trong quý III, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.

Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy tích cực, nợ vay của "ông lớn" ngành thép tăng mạnh 8.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn đạt 52.870 tỷ đồng và nợ vay dài hạn đạt 12.629 tỷ đồng. Khoản vay nợ lớn này khiến Hòa Phát phải trả hơn 2.151 tỷ đồng chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 13% so với cùng kỳ 2021.

Danh sách doanh nghiệp có nợ vay lớn còn xuất hiện MWG với khoản nợ vay hơn 22.800 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 74% ở mức hơn 16.857 tỷ đồng, còn lại gần 6.000 tỷ đồng là nợ vay dài hạn. Chi phí lãi vay của MWG trong 9 tháng đầu năm đạt 1.001 tỷ đồng, tính riêng quý 3 doanh nghiệp này phải trả 435 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 164% so với quý 3/2021.

Các doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt khủng có tổng nợ vay trên 10.000 tỷ đồng còn có FPT (18.330 tỷ đồng), Petrolimex (14.340 tỷ đồng), ACV (11.363 tỷ đồng).

Đáng chú ý, VEA và SAB là 2 doanh nghiệp ít vay nợ nhất với lần lượt hơn 200 tỷ đồng và 800 tỷ đồng. Trong đó, VEA không có nợ vay dài hạn. 

Dư nợ còn lại sau khi trừ lượng tiền mặt nắm giữ của nhiều doanh nghiệp gây "bất ngờ"

Xét riêng nợ vay ngắn hạn, Tập đoàn Vingroup vượt xa các doanh nghiệp khác với dư nợ hơn 62.820 tỷ đồng. Xếp theo sau lần lượt là Novaland, Hòa Phát, Thế giới di động, FPT...

no-ngan-han-.png

Giả sử, dùng toàn bộ tiền và tiền gửi của các doanh nghiệp này để trả hết nợ vay ngắn hạn thì dư nợ còn lại khá bất ngờ. Vingroup còn hơn 34.000 tỷ đồng dư nợ, Novaland còn gần 8.000 tỷ đồng. Đồng thời, Hòa Phát còn gần 14.000 tỷ đồng dư nợ ngắn hạn.

Một số các doanh nghiệp nhiều tiền mặt khác như ACV, PVGas, SAB, VEA, Vinamilk, GVR còn có thể trả hết nợ vay ngắn hạn mà vẫn còn dư ra lượng tiền vài nghìn đến vài chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, PVGas dư khoảng 36.000 tỷ, ACV dư ra lượng tiền lên đến 33.000 tỷ đồng; và SAB dư hơn 23.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, các Tập đoàn kinh tế lớn thường đi vay sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi bởi những lợi ích trên hết doanh nghiệp đem lại cho đất nước. Song, xu hướng lãi suất tăng cao khó có thể định lượng được điều này có lợi hay hại với các doanh nghiệp này. 

Đáng nói, những doanh nghiệp sở hữu quy mô tài sản lớn đi vay nợ nhiều cũng là việc bình thường. Song, việc hiểu và nắm rõ nguồn hình thành các khoản tiền mặt cho doanh nghiệp và các kế hoạch mà lãnh đạo thực hiện sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn chuẩn xác hơn.

Theo nhiều chuyên gia, việc vay nợ lớn để đầu tư trong bối cảnh lãi suất đang tăng "nóng" như hiện nay gây áp lực lớn lên sức khoẻ tài chính cũng như ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Để phòng tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị điều hành và sử dụng nguồn vốn vay thật hiệu quả.


(0) Bình luận
15 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất sàn chứng khoán vay nợ gần nửa triệu tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO