1 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm vừa qua, thi 9,5 điểm/môn cũng chưa chắc đỗ: Vừa ra trường doanh nghiệp đã “trải thảm đỏ”, mức lương tới 50 triệu/tháng

Phương Thùy | 11:30 09/07/2024

Ngành này được ước tính còn thiếu khoảng 900.000 nhân sự, do đó, nhiều sinh viên vừa ra trường đã có cơ hội làm việc rộng mở với thu nhập cao.

1 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm vừa qua, thi 9,5 điểm/môn cũng chưa chắc đỗ: Vừa ra trường doanh nghiệp đã “trải thảm đỏ”, mức lương tới 50 triệu/tháng

Trong 20 ngành học có điểm chuẩn cao nhất kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023 có tới 15 ngành học thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, 4 ngành học thuộc nhóm công nghệ thông tin còn lại 1 ngành học thuộc nhóm kinh tế. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội 29,42 điểm.

Đến mùa tuyển sinh năm 2024, một số trường đại học cũng đã bước đầu công bố điểm chuẩn của ngành Khoa học máy tính. Đáng chú ý, đây vẫn là ngành dẫn đầu bảng xếp hạng điểm chuẩn ở không ít trường. Cụ thể, ngành Khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế khi đạt điểm chuẩn cao nhất với mức điểm tuyệt đối 10/10 theo phương thức ưu tiên xét tuyển.

Cũng trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, ngành này tiếp tục gây ấn tượng mạnh với điểm chuẩn lên đến 1.052 trên thang điểm 1.200, một con số vượt trội so với các ngành khác. Ở phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng, ngành Khoa học máy tính tiếp tục dẫn đầu với điểm chuẩn 9,8/10, khẳng định sự hấp dẫn và mức độ cạnh tranh cao.

Không dừng lại ở đó, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, theo phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm học bạ, ngành Khoa học máy tính vẫn giữ vững ngôi vị đầu bảng với điểm chuẩn 9,58.

Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), ngành khoa học máy tính cũng có điểm chuẩn cao nhất trong tất cả các ngành nghề theo phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Cụ thể, khoa học máy tính có điểm chuẩn 86,7 điểm ở chương trình tiêu chuẩn và 86,2 ở chương trình dạy học bằng tiếng Anh.

Vậy hãy cùng tìm hiểu về ngành học "bá chủ" bảng xếp hạng điểm chuẩn này nhé.

Khoa học máy tính được xem là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, Chuyển đổi số, và Đô thị thông minh bền vững trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Lĩnh vực này bao gồm các nghiên cứu về cấu trúc dữ liệu, cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu, phân tích dữ liệu, các thuật toán xử lý dữ liệu, khai phá dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các hệ thống dữ liệu lớn, đóng góp quan trọng vào mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.

Theo chuyên gia TS. Trần Đăng Công, lý do khiến nhu cầu nhân lực trong ngành Khoa học máy tính tăng cao là do bối cảnh các dự án công nghệ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực trình độ cao với chi phí cạnh tranh.

Đồng thời, sự bùng nổ của dữ liệu lớn và yêu cầu về bảo mật, vận hành hệ thống, cũng như các giải pháp bảo vệ thông tin trước tin tặc, đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu này. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ mới cũng góp phần làm tăng nhu cầu nhân lực trong ngành.

TS. Trần Đăng Công nhấn mạnh thêm: "Khoa học máy tính là ngành học lý tưởng cho những bạn trẻ năng động, có tư duy sáng tạo và đam mê công nghệ. Học ngành này, người học không chỉ yên tâm về cơ hội việc làm mà còn có thể đạt được mức thu nhập cao, bởi cung không đủ cầu."

Theo báo cáo của VietnamWorks, trang tuyển dụng phổ biến tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin đã tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua và chưa có dấu hiệu chững lại.

Đánh giá từ Google Brain chỉ ra rằng, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cần tới 1 triệu nhân lực, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao. Ước tính, Việt Nam thiếu khoảng 900.000 nhân sự khoa học máy tính vào năm 2022 trên tổng nhu cầu 1 triệu người của toàn thị trường.

Theo thống kê từ nhiều trường đại học trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính có việc làm hoặc tiếp tục học sau đại học trong vòng một năm sau khi ra trường đạt từ 98% đến 100%.

Kỹ sư Khoa học máy tính sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau như: kỹ thuật viên, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; lập trình viên, kiểm thử sản phẩm phần mềm, quản lý quy trình phát triển phần mềm; chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng; thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và bảo trì mạng máy tính nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học; quản trị dự án hệ thống mạng thông tin, và nhiều vị trí khác.

Theo số liệu từ LinkedIn, mức lương trung bình của các chuyên gia Khoa học máy tính tại Việt Nam khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Với các vị trí cao cấp, mức lương có thể lên tới 50 triệu đồng mỗi tháng hoặc cao hơn.

LinkedIn cũng dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Khoa học máy tính sẽ tăng 22% trong vòng 5 năm tới, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành này trong tương lai.

(Tổng hợp)


(0) Bình luận
1 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm vừa qua, thi 9,5 điểm/môn cũng chưa chắc đỗ: Vừa ra trường doanh nghiệp đã “trải thảm đỏ”, mức lương tới 50 triệu/tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO