Yuanta: Mức độ ảnh hưởng của bão Yagi lên thị trường không nhiều, chứng khoán vẫn đang trong con sóng lớn

Mai Chi | 21:59 16/09/2024

Mặc dù cơn bão Yagi có thể sẽ ảnh hưởng đến một phần dự phóng cho năm 2024, nhưng Yuanta cho rằng mức độ ảnh hưởng không nhiều và P/E dự phóng 2024 đang dưới mức 12,x cho thấy mức định giá hiện nay vẫn thấp.

Yuanta: Mức độ ảnh hưởng của bão Yagi lên thị trường không nhiều, chứng khoán vẫn đang trong con sóng lớn

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá nền kinh tế trong nước đang tiếp tục quá trình hồi phục nhờ sức tiêu dùng mạnh, xuất khẩu tăng trưởng trở lại và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Các chỉ báo sản xuất cũng tăng trưởng tích cực. Mặc dù giá hàng hóa vẫn tăng trong tháng 8 nhưng giá xăng dầu giảm đã kìm chế lạm phát. Nhiều điểm sáng đã xuất hiện như tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng theo đó cũng hạ nhiệt theo.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, Yuanta vẫn lưu ý tốc độ tăng trong tháng 8 chậm hơn so với tháng 7 nhưng vẫn ở mức cao. Nhập khẩu đang tăng mạnh với nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn là do nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tăng. Theo đó, Yuanta kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt trong những tháng tới và xuất siêu sẽ tiếp tục tăng theo.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi vốn FDI đăng ký chậm lại trong tháng 8 nhưng vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng. Yuanta cho rằng dòng vốn FDI có thể chưa tăng mạnh khi chờ đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, vốn đầu tư công giải ngân 8 tháng đầu năm vẫn khá chậm, đạt 274,5 nghìn tỷ, đạt 40% kế hoạch của Thủ tướng.

Đội ngũ phân tích cho rằng tỷ giá hạ nhiệt nhờ xuất siêu tăng mạnh và đồng USD giảm trên thị trường quốc tế, theo đó, CPI cũng kỳ vọng giảm khi chi phí nhập khẩu và giá xăng dầu đều giảm, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt mặc dù còn nhiều thách thức nhưng xu hướng sẽ khó tăng thêm nhờ tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và kỳ vọng Fed giảm lãi suất, NHNN bắt đầu mua lại USD để tăng dự trữ ngoại hối. Tâm điểm tháng 9 này sẽ xoay quanh cuộc họp của Fed (ngày 18/09) và câu chuyện giảm lãi suất.

"Chúng tôi giữ đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 sẽ tiếp tục cao hơn quý 2, giảm nhẹ trong quý 4 do mức nền Q4/2023 khá cao và tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 6,2%, tương đương mức điều chỉnh hồi cuối quý 1", báo cáo phân tích nêu. 

Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index tiếp tục biến động trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm – thị trường đã đi ngang trong biên độ này trong suốt 7 tháng quá. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn và nếu chỉ số VN-Index vượt mức 1.300 điểm thì xu hướng dài hạn có thể rõ ràng hơn.

Theo mô hình giá, Yuanta cho rằng thị trường vẫn đang ở giai đoạn sóng tăng 3 với chu kỳ sóng được hình thành từ cuối 2022 (đây là dự báo xuyên suốt trong xu hướng dài hạn của nhóm phân tích trong thời gian qua).

Nhìn về bối cảnh hiện tại, đội ngũ phân tích đánh giá rủi ro dài hạn vẫn ở mức thấp. Fed có khả năng sẽ giảm lãi suất trong tháng 9, cùng với đó là tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt là điều kiện để NHNN có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Đồng thời, động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặc dù chậm do tác động từ đà hồi phục chậm của các nước lớn và ảnh hưởng từ thiên tai, nhưng  kinh tế đang ở chu kỳ hồi phục.

Định giá thấp là yếu tố Yuanta muốn nhấn mạnh. Mặc dù cơn bão Yagi có thể sẽ ảnh hưởng đến một phần dự phóng cho năm 2024, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều và P/E dự phóng 2024 đang dưới mức 12,x cho thấy mức định giá hiện nay vẫn thấp. Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược mua và nắm giữ cho danh mục dài hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Yuanta: Mức độ ảnh hưởng của bão Yagi lên thị trường không nhiều, chứng khoán vẫn đang trong con sóng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO