Xác định các đột phá mang tính chiến lược cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

PV | 09:05 21/06/2022

Sáng 21/6, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030.

Xác định các đột phá mang tính chiến lược cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị nhằm triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long lần này là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt kết quả khá toàn diện, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp, là trụ đỡ bảo đảm an ninh lương thực, có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, do nhiều nguyên nhân nội vùng và ngoại vùng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng như: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13–NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13–NQ/TW. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg.

Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các đối tác phát triển; tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến rộng rãi, nhất là ý kiến các chuyên gia trong nước và ngoài nước am hiểu Vùng, để xây dựng bản Quy hoạch có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Để phác họa bức tranh toàn cảnh về thời cơ mới và vận hội mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh thực hiện những quyết sách nêu trên của Đảng và Nhà nước, tôi xin trình bày các nội dung về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch thực hiện quy hoạch; Nguồn lực thực hiện quy hoạch; Các cơ hội đầu tư mới và việc điều phối phát triển Vùng trong thời kỳ tới.

Biến thách thức thành cơ hội

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, Quy hoạch xác định các đột phá mang tính chiến lược như sau: Thứ nhất, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy "con người" làm trung tâm.

Thứ hai, biến thách thức thành cơ hội, "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn"; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Thứ ba, thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng.

Thứ tư, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực, trung tâm đầu mối nông nghiệp được xác định trong quy hoạch.

Thứ năm, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai. Phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Thứ sáu, tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.

Thứ bảy, thay đổi tư duy về khai thác, sử dụng tài nguyên nước: coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt; chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu về nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với phân vùng chức năng của nguồn nước.

Thứ tám, chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước đặc thù của vùng. Đặc biệt là thành lập và vận hành hàng lang đa dạng sinh học ở khu vực ven biển từ Vườn quốc gia mũi Cà Mau đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; phát triển các không gian văn hóa đặc thù của vùng như văn hóa sông nước, văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số với phát triển du lịch.

Thứ chín, tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn bộ Hồ sơ Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long được công bố tại Hội nghị ngày hôm nay, được chuyển giao cho địa phương và thông tin công khai tại Cổng thông tin quy hoạch quốc gia.

Kế hoạch thực hiện quy hoạch

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, bao gồm 04 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển các trung tâm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistics, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các công trình nguồn và lưới điện, phát huy có hiệu quả tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo.

Xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn: Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo, y tế, du lịch có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế tại thành phố Cần Thơ; Chương trình phát triển thương hiệu du lịch đồng bằng sông Cửu Long tầm cỡ quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng, đa dạng sinh học biển, hải đảo.

Quản lý, điều phối thực hiện quy hoạch vùng: Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện thống nhất các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án theo Quy hoạch.

Nguồn lực thực hiện quy hoạch

Để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Thường vụ quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 ngày 08/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 ngày 14/09/2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định các tiêu chí tính điểm của Vùng ưu tiên cao hơn các Vùng khác trong cả nước.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó:

Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 178 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82 nghìn tỷ đồng, tăng 41,2% so với giai đoạn 2016-2020; Nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 60 nghìn tỷ đồng (trong đó bao gồm 46 nghìn tỷ đồng khoản hỗ trợ DPO), chiếm 30% tổng ODA cả nước trong giai đoạn 2021-2025, trong khi con số tương ứng giai đoạn 2016-2020 là 7,66%.

Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của Vùng khoảng 460 nghìn tỷ đồng.

Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển quan tâm (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ đô la để triển khai 20 dự án liên kết vùng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Để thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức Lễ công bố cam kết tài trợ thực hiện các dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các tổ chức quốc tế tại Hội nghị hôm nay.

Cơ hội đầu tư 

Dù đã nhận được nguồn vốn đầu tư phát triển lớn, việc thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể đạt kết quả cao nhất nếu huy động thành công các dự án đầu tư từ mọi thành phần kinh tế và khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân.

Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tập trung đầu tư lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xác định các đột phá mang tính chiến lược cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO