Vụ nâng khống vốn tại FLC Faros: Ký báo cáo kiểm toán để nhận tiền

Hồng Minh | 11:04 26/02/2024

Để đưa FLC Faros lên niêm yết, hồ sơ của công ty phải có báo cáo tài chính kiểm toán được chấp nhận toàn phần, tức là không có ý kiến ngoại trừ hay từ chối đưa ý kiến của kiểm toán viên và công ty kiểm toán độc lập.

Vụ nâng khống vốn tại FLC Faros: Ký báo cáo kiểm toán để nhận tiền
Ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo vụ nâng khống vốn tại FLC Faros và niêm yết, “xả hàng” trên thị trường chứng khoán, thu lợi 3.300 tỷ đồng.

Nội dung chính:

  •  Kiểm toán viên và lãnh đạo công ty kiểm toán liên quan báo cáo tài chính kiểm toán của FLC trong hai năm 2014, 2015 và báo cáo vốn góp chủ sở hữu 3 tháng đầu năm - đã bị khởi tố trong vụ nâng khống vốn FLC Faros.
  •  Báo cáo tài chính kiểm toán được chấp nhận toàn phần là điều kiện đầu tiên để FLC Faros có điều kiện nâng khống vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán. 
  • Cơ quan điều tra kết luận mặc dù không đủ cơ sở để đưa ý kiến chấp nhận toàn phần, công ty kiểm toán vẫn phát hành báo cáo trái quy định, vi phạm các chuẩn mực kiểm toán. 

Trong vụ việc nâng khống vốn (tăng vốn nhưng các cổ đông đầu tiên không đóng tiền) và niêm yết chứng khoán tại Công ty cổ phần Xây dựng Faros (sau đổi tên thành FLC Faros), kiểm toán viên và lãnh đạo công ty kiểm toán đã bị đề nghị truy tố, theo kết luận điều tra của Bộ Công an. 

Theo quy định, điều kiện đầu tiên để một doanh nghiệp có thể niêm yết trên sàn chứng khoán là công ty kiểm toán độc lập phải phát hành báo cáo kiểm toán và các báo cáo liên quan với ý kiến chấp nhận toàn phần.

Báo cáo kiểm toán được chấp nhận toàn phần là báo cáo do công ty kiểm toán độc lập phát hành, thường là báo cáo tài chính, báo cáo vốn góp chủ sở hữu…- trong đó kiểm toán viên kết luận rằng báo cáo tài chính đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

Ý kiến chấp nhận toàn phần cũng hàm ý rằng tất cả các thay đổi về nguyên tắc kế toán cũng như các chính sách kế toán của đơn vị được kiểm toán và những ảnh hưởng của sự thay đổi đó đã được xem xét, đánh giá một cách đầy đủ và được đơn vị nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Tại vụ án này, cơ quan điều tra kết luận Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội không thực hiện kiểm toán nhưng ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (Tổng giám đốc) cùng kiểm toán viên Lê Văn Tuấn vẫn ban hành ba báo cáo kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính năm 2014, 2015 và báo cáo vốn góp của chủ sở hữu ba tháng đầu năm 2016. Các báo cáo kiểm toán đều có nội dung chấp nhận toàn phần. 

Đây cũng là hai người trực tiếp ký tên lên các báo cáo nói trên của FLC Faros.

Trong hai báo cáo tài chính năm 2014 và 2015, kiểm toán có đưa lưu ý về các khoản ủy thác đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng cho các tổ chức và cá nhân. Việc ủy thác này, theo kết luận của cơ quan điều tra, là nhằm mục đích nâng khống vốn FLC Faros và đưa công ty này lên niêm yết với số vốn khủng (4.300 tỷ đồng). 

Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Giám đốc công ty kiểm toán thừa nhận các báo cáo  và các tài liệu thu thập được không đủ căn cứ để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, nhưng vẫn ký phát hành báo cáo. Nguyên nhân được bị cáo cho biết là do Tập đoàn FLC và các công ty trong hệ sinh thái là khách hàng lớn, thường xuyên, nên ban hành báo cáo kiểm toán trái quy định theo ý muốn của doanh nghiệp để được thanh toán tiền. 

Kiểm toán viên Lê Văn Tuấn - người cùng ký tên vào các báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần cũng khai nhận như trên.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, dù vốn thực góp ban đầu của FLC Faros chỉ là 1.200 tỷ đồng, từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2016, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo góp khống hơn 3.100 tỷ đồng, giúp công ty này tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Các đối tượng này đã quay vòng vốn bằng việc ủy thác cho các cá nhân, tổ chức… hàng nghìn tỷ đồng qua ủy nhiệm chi, mà không bỏ ra số tiền tương đương. Với các lệnh nộp tiền, rút tiền liên tiếp, số vốn được xoay vòng đã tăng lên nhiều lần, giúp vốn điều lệ của FLC Faros được “thổi” trước khi niêm yết. 

Toàn bộ số lượng cổ phiếu niêm yết sau đó được “xả” trên sàn chứng khoán cho các nhà đầu tư, trong khi các đối tượng góp vốn ban đầu vào FLC Faros thu tiền. 

Theo cơ quan điều tra, ông Quyết đã thu lợi 3.600 tỷ đồng từ thương vụ này. Bản chất là lấy tiền từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. 

Theo báo cáo tài chính năm 2015 đã được các bị can nói trên ký tên, tính đến cuối năm 2015, FLC Faros ủy thác đầu tư cho các tổ chức, cá nhân với số tiền trên 3.300 tỷ đồng. Một số cá nhân trong danh sách này đã bị đề nghị truy tố. 

Cũng theo báo cáo này, FLC Faros có 14 cổ đông cá nhân góp vốn tổng cộng 3.037 tỷ đồng, nhưng không có ông Trịnh Văn Quyết. Một số cá nhân trong danh sách góp vốn này đã bị đề nghị truy tố, có thể kể đến một số cá nhân sau: 

  • - Ông Doãn Văn Phương - Chủ tịch FLC Faros (đang bỏ trốn)
  • - Ông Trần Thế Anh - Phó Tổng Giám đốc FLC. 
  • - Ông Lê Thành Vinh - Chủ tịch FLC Faros
  • - Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Thường trực FLC. 
  • - Ông Trịnh Văn Đại - Phó Tổng Giám đốc FLC Faros

Lưu ý: Vị trí, chức vụ của các bị can đã bị hủy tính đến thời điểm hiện tại.


(0) Bình luận
Vụ nâng khống vốn tại FLC Faros: Ký báo cáo kiểm toán để nhận tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO