Vietjet sẵn sàng bay thẳng tới Côn Đảo với máy bay Trung Quốc Comac từ ngày 15/4

Trí Đức | 06:03 14/04/2025

Hãng hàng không Vietjet Air vừa đề xuất khai thác các chuyến bay thẳng tới Côn Đảo từ ngày 15/4, sử dụng máy bay Comac ARJ21 của hãng máy bay Trung Quốc Comac.

Vietjet sẵn sàng bay thẳng tới Côn Đảo với máy bay Trung Quốc Comac từ ngày 15/4

Hãng hàng không Vietjet Air vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đề xuất kế hoạch khai thác các chuyến bay đến Côn Đảo từ tháng 4/2025 bằng tàu bay Comac ARJ21.

Hành trình dự kiến gồm các chặng khứ hồi từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến sân bay Côn Sơn (VCS), bắt đầu từ ngày 15/4. Vietjet cũng đề nghị ACV hỗ trợ công tác phục vụ mặt đất và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho loại tàu bay mới này.

comac-vietjet(1).jpg
Máy bay Comac ARJ21 trong chuyến bay thử nghiệm tại sân bay côn đảo tháng 3/2024. Ảnh: Comac.

Tuy nhiên, ACV cho biết hiện vẫn còn một số thủ tục phải hoàn tất, ACV đang phối hợp với hãng để hoàn thiện hồ sơ, đồng thời khẳng định đã sẵn sàng về hạ tầng và an toàn.

Việc Vietjet gia nhập đường bay đến Côn Đảo được kỳ vọng sẽ giúp hành khách có thêm lựa chọn thuận tiện, đặc biệt sau khi Bamboo Airways ngừng khai thác tuyến bay này. Hiện hành khách từ miền Bắc muốn đến Côn Đảo thường phải nối chuyến qua Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, sau đó đi tiếp bằng máy bay ATR72 của Vietnam Airlines hoặc Vasco.

atr72-vietnam-airlines.jpg
Máy bay ATR72 của Vietnam Airlines. Ảnh: Vietnam Airlines.

Cục hàng không Việt Nam đã có ý kiến với máy bay Trung Quốc

Tháng 3/2025, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về khảo sát tiêu chuẩn thiết kế chế tạo tàu bay COMAC C909.

Theo đó, từ ngày 15 - 24/1/2025, CAAV đã cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc tại Thượng Hải - Trung Quốc để khảo sát, tìm hiểu tổng quan về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng và các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận loại tàu bay ARJ21- 700 (C909).

Trong đó, hệ thống quy chế an toàn (CAAC Regulations) của Trung Quốc được thiết lập các phần (Parts) tương tự như cách tổ chức các parts của Cục Hàng không Mỹ (FAA).

Liên quan đến thiết kế, chế tạo tàu bay, các quy định của Trung Quốc bao gồm CCAR 25 Tiêu chuẩn thiết kế đủ điều kiện bay tàu bay vận tải hàng không, CCAR 33 Tiêu chuẩn thiết kế đủ điều kiện bay của động cơ tàu bay, CCAR 34 các yêu cầu về phát thải và lưu thông nhiên liệu đối với động cơ Tua bin, CCAR 36 các tiêu chuẩn về tiếng ồn đối với chứng nhận loại và đủ điều kiện bay của tàu bay tương đương với hệ thống quy định và tiêu chuẩn của FAA (FAR) 25, 33, 34, 36.

Thông qua IPA giữa Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) và Cục Hàng không Liên Bang Mỹ (FAA), thông tin về sự khác biệt đáng kể về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay giữa hai quốc gia liên quan đến thiết kế loại tàu bay sẽ được nhận dạng trên cơ sở đối chiếu quy định của hai quốc gia.

Qua báo cáo Khác biệt tiêu chuẩn đáng kể (Significant Standards Differences (SSD) giữa CAAC và FAA đối với thiết kế máy bay vận tải, các yếu tố chủ yếu liên quan đến việc các chỉ dẫn duy trì đủ điều kiện bay và nhãn, mác đối với cửa thoát hiểm phải chuẩn bị bằng tiếng Trung Quốc.

Qua dữ liệu báo cáo của COMAC, không có tai nạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với tàu bay C909 kể từ khi tàu bay này đi vào hoạt động.

Tính đến 05/01/2025, 160 tàu bay C909 đã được cung cấp đến tổng cộng 12 hãng hàng không trong đó có 11 của Trung Quốc và 01 của Indonesia, đã chuyên chở tổng cộng hơn 19,16 triệu hành khách trên tổng cộng 633 đường bay tới 158 thành phố, 181 sân bay với giới bay tích lũy tổng là hơn 550,000 giờ bay và hơn 330,000 lượt cất hạ cánh.

Qua quá trình tìm hiểu hệ thống cấp chứng nhận tàu bay của CAAC và qua các hệ thống tài liệu thu thập được, CAAV đánh giá các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của Trung Quốc chỉ có một số khác biệt nhỏ (minor) liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trong các nhãn mác trên tàu bay.

Việc đề xuất công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc là cơ sở cho việc tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay, khó khăn trong việc mở rộng đội bay, đường bay và tạo một dư địa, động lực phát triển mới cho ngành hàng không Việt Nam, theo CAAV.

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) là công ty thuộc sở hữu nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào ngày 11 tháng 5 năm 2008 có trụ sở chính tại Thượng Hải (Headquarter) với tổng cộng hơn 21.000 nhân viên bao gồm 06 Trung tâm chính liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm bay, dịch vụ khách hàng, huấn luyện đào tạo và trên 10 đơn vị hoạt động khác trong lãnh thổ Trung Quốc và nước ngoài.

Tính đến ngày 07/01/2025, COMAC đã cung cấp 160 tàu bay C909 ra thị trường. Các hãng hàng không đang khai thác tàu bay C909 bao gồm: của Trung Quốc (Chengdu Airlines 30 tàu bay, China Southern 33 tàu bay, Air China 33 tàu bay, China Eastern 26 tàu bay, China Express 11 tàu bay, Genghis Khan Airlines 7 tàu bay, COMAC Express 6 tàu bay, Jiangxi Air 5 tàu bay, China Flight General Aviation 2 tàu bay, YTO Cargo 1 tàu bay, Longhao Airlines 1 tàu bay) và của Indonesia (TransNusa 3 tàu bay).


(0) Bình luận
Vietjet sẵn sàng bay thẳng tới Côn Đảo với máy bay Trung Quốc Comac từ ngày 15/4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO