Xếp hạng được đưa ra dựa trên đánh giá nhiều lĩnh vực như mạng lưới quốc phòng, nguồn lực và quan hệ kinh tế, ảnh hưởng ngoại giao - văn hóa, năng lực đối phó rủi ro... của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đây cũng là công cụ phân tích của Viện Lowy dùng để theo dõi các thay đổi về mức độ ảnh hưởng của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực,
Susannah Patton, trưởng dự án xếp hạng, chia sẻ: "Nhiều quốc gia thoát khỏi đại dịch phụ thuộc nhiều hơn vào đối tác thương mại chính của họ và có mối quan hệ xuất khẩu ít đa dạng hơn. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và sức mạnh tổng thể của họ trong Chỉ số Quyền lực Châu Á năm 2023".
Theo báo cáo, Việt Nam đạt 17,5 điểm, giảm 0,8 điểm so với năm 2021 (năm 2022 không có báo cáo), xếp thứ 12/26 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với thứ hạng này, Việt Nam được xếp vào nhóm "quyền lực trung bình".
Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 về chỉ số này, sau Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Việt Nam nằm trong top 10 về Nguồn lực tương lai, Mối quan hệ kinh tế và Ảnh hưởng ngoại giao ở châu Á. Chỉ số ảnh hưởng ngoại gia của Việt Nam có thứ hạng cao nhất, xếp thứ 9 trong khu vực. Đây là kết quả của việc chủ động tiếp cận ngoại giao với nhiều đối tác.
Theo báo cáo, Việt Nam đã tham gia rất hiệu quả trong các diễn đàn và các sáng kiến thương mại khu vực, từ việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với tư cách là Chủ tịch ASEAN, cho đến nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với 10 quốc gia thành viên khác.
Trong đó, Lào và Campuchia là 2 quốc gia có thương mại phục thuộc vào Việt Nam nhiều nhất (8,1%). Tiếp theo là Hàn Quốc với 7% và Trung Quốc với 4,2%.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, Việt Nam cũng đã cải thiện nhiều về năng lực kinh tế và tăng 3 bậc trong chỉ số về mạng lưới quốc phòng, chỉ số ảnh hưởng ngoại giao tăng 3 bậc do xử lý tốt đại dịch COVID-19. Đồng thời, các chỉ số về cạnh tranh kinh tế và mạng lưới quốc phòng của Việt Nam cũng đều gia tăng…
Điểm số được đánh giá dựa trên 8 chỉ số chia theo 2 nhóm: Nguồn lực (khả năng kinh tế, năng lực quân sự, khả năng phục hồi, nguồn lực tương lai) và Ảnh hưởng (các mối quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa). Những chỉ số này đều đánh giá tầm ảnh hưởng trong khu vực của các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Báo cáo nhận xét rằng Việt Nam "tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn mong đợi trong khu vực với các nguồn lực sẵn có của mình".