Vì sao shophouse, biệt thự, liền kề Hà Nội “ế ẩm” nhưng giá sơ cấp toàn thị trường vẫn tiếp tục leo thang trong quý 2?

Minh Tâm | 07:38 05/07/2023

Mặc dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng, song giá bán sơ cấp nhà thấp tầng tại các khu đô thị tại TP. HCM và Hà Nội đều tăng mạnh trong quý vừa qua.

Vì sao shophouse, biệt thự, liền kề Hà Nội “ế ẩm” nhưng giá sơ cấp toàn thị trường vẫn tiếp tục leo thang trong quý 2?

Theo báo cáo mới nhất của CBRE, với thị trường nhà shophouse, biệt thự, kiền kề (nhà thấp tầng trong các khu đô thị) trong quý II vừa qua chỉ có 152 căn được mở bán mới từ 2 dự án ở Thanh Xuân và Hưng Yên (giáp ranh Hà Nội). Đây là mức mở bán mới thấp nhất ghi nhận tại Hà Nội kể từ giai đoạn Covid-19. 

Do lượng hàng tồn kho còn cao và những trở ngại vĩ mô vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường, hầu hết các đơn vị phát triển đều thận trọng với những đợt mở bán mới tiếp theo của mình.

Tổng nguồn cung nhà liền thổ tại Hà Nội trong nửa đầu năm nay ghi nhận hơn 1.400 căn, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ bán hàng duy trì ở mức thấp với chỉ 1.671 căn ghi nhận đã bán, bằng 20% số căn bán được trong nửa đầu năm ngoái. Trong quý II, phần lớn số căn bán được đến từ các dự án đô thị lớn ở phía Đông Hà Nội.

Về giá bán, mặc dù tỷ lệ hấp thụ chậm nhưng giá bán sơ cấp nhà liền thổ Hà Nội ghi nhận mức tăng 8% so với quý trước và đạt gần 195 triệu đồng/m2. Nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh tăng giá bán sơ cấp của các dự án tại Hưng Yên và sự khác biệt về vị trị cũng như loại hình sản phẩm. 

z2780325987865_00693c0dff3cee71e1dcf1439f0df462.jpg

Ngược lại, giá bán tại thị trường thứ cấp cuối quý II tiếp tục xu hướng giảm kể từ quý IV/2022 nhưng với tốc độ chậm hơn. Giá thứ cấp trung bình đạt 154 triệu/m2, giảm 1,6% so với quý trước và giảm 13% so với mức lập đỉnh hồi quý III/2022. 

Một số khu vực ngoại thành gồm Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức vốn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kể về giá bán thứ cấp giai đoạn 2021 - 2022 thì đến nay có mức giảm giá thứ cấp cao hơn so với các khu vực khác, khoảng 5 - 6% theo quý.

"Nửa cuối năm nay, dự kiến hơn 3.250 căn nhà thấp tầng trong các khu đô thị sẽ được bổ sung vào tổng nguồn cung mới của Hà Nội. Tổng nguồn cung mở bán mới năm nay dự kiến đạt gần 4.650 căn, khá khiêm tốn so với số liệu ghi nhận được trước đây", bà Nguyễn Hoài An Giám Đốc Cấp Cao Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn Phát triển CBRE thông tin.

Tại TP. HCM, theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield quý II/2023 cho thấy, về thị trường nhà thấp tầng những tín hiệu hồi phục khi lượng nguồn cung mới đang dần được tung ra nhiều hơn, với 282 căn, tăng 403% so với quý trước và tăng 45% so với cùng kỳ.

Các dự án đã hoàn thiện các quy trình pháp lý và bắt đầu xây dựng trở lại, đặc biệt là các dự án bị vướng mắc ở quý trước. Tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường trong quý tập trung chủ yếu ở các giai đoạn mới trong các siêu dự án tại TP. Thủ Đức, đạt 839 căn.

Quý II/2023 cũng ghi nhận lượng tiêu thụ nhà thấp tầng 375 căn, tăng 792% so với quý I và tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng trong lượng bán mới quý II/2023 là nhờ vào các chính sách hỗ trợ người mua từ các chủ đầu tư.

Đồng thời, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất trong thời gian gần đây. Giá sơ cấp trung bình đã tăng 12% theo quý và tăng 43% theo năm, đạt 13.546 USD/m2, nhờ sự mở bán các phân đoạn mới từ các dự án ở TP. Thủ Đức (Khu vực phía Đông HCM).

Theo Cushman & Wakefield, nguồn cung tương lai được dự đoán sẽ có thêm 7.900 căn từ năm 2023 trở đi. Phía Đông TP. HCM tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn đầu do quỹ đất sẵn có và nhu cầu đô thị hóa cao của TP. Thủ Đức.

Đơn vị này cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ đô thị hóa tại các khu vực ngoại ô như Nhà Bè hoặc khu vực xa hơn. Trong tương lai, TP. HCM sẽ có nhiều dự án với số lượng trung bình khoảng 200 căn mỗi dự án; và đồng thời tiếp tục các giai đoạn đoạn tiếp theo của các dự án lớn hiện hữu.


(0) Bình luận
Vì sao shophouse, biệt thự, liền kề Hà Nội “ế ẩm” nhưng giá sơ cấp toàn thị trường vẫn tiếp tục leo thang trong quý 2?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO