Thống kê FiinGroup ghi nhận, tổng giá trị phát hành sơ cấp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 139.000 tỷ từ đầu năm 2023 đến 8/9/2023. Con số này cho thấy sự hồi phục đáng kể sau loạt sự cố và nút thắt năm 2022. FiinGroup cũng nhấn mạnh những lô trái phiếu huy động lớn nhất trong 8 tháng qua có mức lãi suất rất thấp nhiều khả năng là các giao dịch mang tính cấu trúc lại nợ.
Trong đó, theo FiinGroup với những doanh nghiệp huy động thực, mức lãi suất danh nghĩa giao động 12-14% cho trái phiếu bất động sản và 9-12% đối với trái phiếu doanh nghiệp ngành khác, kỳ hạn 3-5 năm.
Đơn cử, Tập đoàn Masan phát hành 5.500 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất gần 11%/năm, kỳ hạn 5 năm. Công ty VinFast huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất trung bình lên đến 14,47%/năm, kỳ hạn 1,59 năm. Công ty Đầu tư và Kinh doanh Nam An huy động 4.700 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất trung bình 13%/năm, kỳ hạn 1,48 năm…
Ngược lại, chiếm giá trị phát hành lớn nhất là Capitaland Tower, với hơn 12.200 tỷ đồng nhưng mức lãi suất coupon ở mức tối thiểu vỏn vẹn 1%/năm. Hay Công ty TNHH phát triển đô thị Hưng Yên, đứng thứ hai về quy mô phát hành từ đầu năm với 7.200 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 1 năm với lãi suất không được công bố.
“Những lô trái phiếu huy động lớn nhất trong danh sách có mức lãi suất rất thấp nhiều khả năng là các giao dịch mang tính cấu trúc lại nợ cho các đơn vị phát hành”, FinnGroup cho biết.
Phát hành giá trị cao còn có các ngân hàng. Đơn cử, Techcombank là nhà băng phát hành nhiều nhất với tổng giá trị phát hành lên đến 14.700 tỷ đồng, lãi suất coupon bình quân là 6,77%/năm. Kế đến là Ngân hàng ACB và OCB với mức huy động đều là 8.000 tỷ đồng, lãi suất giao động trung bình từ 6,5 – 7,12%/năm.
Ở diễn biến khác, theo FinnGroup, với việc sàn giao dịch trái phiếu mới đi vào vận hành, giao dịch bình quân ngày của trái phiếu riêng lẻ thoả thuận đạt khoảng 400 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn kể từ khi bắt đầu giao dịch (từ 19/7/2023 đến 8/9/2023). Tổng giá trị giao dịch tích luỹ kế đạt 12.800 tỷ đồng.
“Hoạt động mua lại trái phiếu cũng rất sôi động. Áp lực đáo hạn theo các tháng cũng cao. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu trong nước không đóng băng như nhiều người lo ngại”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận định.
Trong các tháng tiếp theo, FiinGroup đánh giá áp lực đáo hạn vẫn sẽ tiếp tục là khó khăn chung của thị trường. Cụ thể, quý 4/2023 là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65,5 nghìn tỷ đồng (không tính các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản. Trong bối cảnh này, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 nhằm ngưng hiệu lực các điều khoản liên quan đến hoạt động cho vay tái cơ cấu nợ và hợp đồng hợp tác đầu tư.
Động thái này phần nào gỡ bỏ nút thắt của thị trường bằng việc cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn huy động nguồn vốn mới, từ đó tăng khả năng phục hồi của nhóm ngành bất động sản nói riêng và toàn thị trường nói chung.