Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hưởng lương tháng bao nhiêu từ Vietjet?

Huyền Trang | 16:27 02/11/2022

Tổng chi lương, thù lao cho các thành viên HĐQT của Vietjet trong quý 3 là 1,5 tỷ đồng; chi cho ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng là 3,5 tỷ đồng.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hưởng lương tháng bao nhiêu từ Vietjet?

CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo đó, doanh thu thuần kỳ này của công ty đạt 11.600 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần cùng kỳ, do mức nền so sánh thấp. Mức doanh thu này tăng nhẹ so với quý 2/2022, trong bối cảnh ngành hàng không đang dần hồi phục trở lại và đạt khoảng 85% so với mức trước dịch Covid-19.

Trong quý 3, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế 43 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, Vietjet đạt doanh thu thuần 27.535 tỷ đồng và lãi sau thuế 187 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ.

Phía Vietjet cho biết nguyên nhân chính lợi nhuận sau thuế giảm đến từ chi phí nhiên liệu bay tăng cao bình quân 130 USD/1 thùng, có thời điểm tăng đến 160 USD/1 thùng so với mức trung bình 80 USD/1 thùng năm 2019. Mặt khác, Vietjet tập trung đẩy mạnh hoạt động marketing và khuyến mãi, đặc biệt với các đường bay quốc tế để thu hút hành khách trong các dịp cao điểm gồm Giáng sinh, Tết Nguyên Đán và chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng năm 2023.

Một điều đáng chú ý trong báo cáo tài chính của Vietjet đó là tổng chi lương, thù lao cho các thành viên HĐQT trong kỳ là 1,5 tỷ đồng; chi cho ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng là 3,5 tỷ đồng.

Điều đó đồng nghĩa với việc tiền lương trung bình 1 tháng của 1 thành viên HĐQT là hơn 101 triệu đồng còn tiền lương trung bình 1 tháng của 1 thành viên Ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng là hơn 120 triệu đồng.

Như vậy với việc là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có thể nhận lương, thù lao trung bình khoảng 221 triệu đồng/tháng từ Vietjet.

Trong quý 3/2022, Vietjet đã thực hiện hơn 35 nghìn chuyến bay và vận chuyển 6,4 triệu lượt khách. Vận tải hành khách nội địa là nhân tố chính đóng góp vào sự phục hồi với tăng trưởng 36% số chuyến bay và 44% tổng hành khách, trong khi đó vận tải hành khách quốc tế mới phục hồi khoảng 25% so với trước dịch Covid-19. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý 3/2022 đạt 11,5 nghìn tấn.

Đối với việc phát triển mạng bay, Vietjet đã mở hơn 10 đường mới, tập trung vào thị trường Ấn Độ, kết nối các thủ phủ vùng Tây Ấn và Trung-Nam gồm Ahmedabad, Hyderabad và Bangalore với các trung tâm kinh tế - du lịch của Việt Nam gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Phú Quốc. Tính đến thời đểm 30/09/2022, Vietjet đang thực hiện khai thác tổng cộng 84 đường bay, bao gồm 49 đường bay nội địa và 35 đường bay quốc tế.

Trong quý 4/2022, Vietjet kỳ vọng tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh tích cực đến từ lượng hành khách tăng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế, nhờ hiệu ứng từ các chương trình marketing, khuyến mãi triển khai trong quý 3/2022, tăng cường hoạt động thương mại tài chính tàu bay nhờ vào các đơn đặt hàng sẵn có với Airbus và Boeing trong bối cảnh thị trường tàu bay tại nước ngoài đang rất khan hiếm và nguồn doanh thu mới từ việc đầu tư các dự án kinh doanh và dịch vụ khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hưởng lương tháng bao nhiêu từ Vietjet?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO