Tại một cửa hàng Huawei bên trong trung tâm nhộn nhịp phía bắc Hồng Kông, người mua sắm đổ xô tìm Mate XT - chiếc điện thoại thông minh gập ba đầu tiên trên thế giới có thể biến thành máy tính bảng cỡ lớn. Sớm hơn cùng ngày, hiện tượng YouTube IShowSpeed cũng đã mua 3 chiếc Mate XT cao cấp - với giá khởi điểm khoảng 2.800 USD - trong một buổi phát trực tiếp.
“Nó to quá”, một người có sức ảnh hưởng lớn tại Mỹ với hơn 38 triệu người đăng ký trên YouTube bình luận tại một cửa hàng Huawei đông đúc.
“Những người mua điện thoại do Trung Quốc sản xuất đang tìm kiếm các tính năng tiên tiến”, Steve Fok, chủ cửa hàng điện thoại nói với Rest of World . Ngay cả những người sở hữu iPhone cũng mua một thiết bị ‘made in China’ thứ hai để trải nghiệm công nghệ vượt trội.
Apple đã mất vị thế nhà bán điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc — thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới — vào năm ngoái trước các đối thủ địa phương là Vivo và Huawei. Lượng hàng xuất xưởng hàng năm của hãng tại quốc gia này đã giảm 17%, mức giảm hàng năm lớn nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2016. Trên toàn cầu, mặc dù Apple vẫn giữ được vị trí hàng đầu, lượng hàng xuất xưởng trong năm 2024 đều kém lạc quan.
Francisco Jeronimo, phó chủ tịch phụ trách dữ liệu và phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC ở London, chia sẻ với Rest of World rằng: “Việc sở hữu một chiếc iPhone ngày nay không còn là biểu tượng địa vị như cách đây 5 đến 10 năm nữa. Apple đang tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc về tính năng sáng tạo. Mọi người đang chuyển sang các thiết bị đặc biệt hơn, như điện thoại có thể gập lại của Huawei.
Cú trượt dài của Apple tại Trung Quốc được cho là một phần đến từ công cuộc triển khai các tính năng AI khó khăn. Mặc dù iPhone 16 có một số tính năng AI, song tháng trước, hãng lại thông báo trì hoãn kế hoạch nâng cấp trí tuệ nhân tạo cho Siri cho đến năm 2026. Apple Intelligence không có sẵn trong các mẫu iPhone 16 bán tại Trung Quốc vì công ty này cần được cơ quan quản lý chấp thuận trước khi có thể cung cấp các dịch vụ AI.
Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc áp dụng mô hình AI của DeepSeek và tận dụng tối đa lòng yêu nước nồng nàn. Kể từ năm ngoái, các mẫu máy mới nhất của Huawei đều có Xiaoyi, một trợ lý AI sử dụng công nghệ DeepSeek giúp củng cố mô hình AI của riêng công ty. Các thương hiệu khác như Oppo và Honor cũng tung ra nhiều tính năng hiện đại.
“Việc tích hợp AI vào điện thoại thông minh đang có tác động lớn”, Jeronimo cho biết. “Trong một cửa hàng, khi người mua được giới thiệu về tất cả các tính năng và họ thấy rằng chúng không có trên iPhone, khả năng cao họ sẽ chọn một thương hiệu Trung Quốc”.
Hiện tại, kế hoạch áp thuế 54% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có thể khiến ngay cả người Mỹ cũng không mua iPhone. Hầu hết iPhone được bán ở Mỹ đều được sản xuất tại Trung Quốc, vậy nên theo một số ước tính, iPhone 16 rẻ nhất có thể có giá lên tới 1.142 USD. iPhone 16 Pro Max có thể có giá 2.300 USD.
Ming Leung đã đổi chiếc iPhone X cũ của mình lấy chiếc Pura 70 Pro của Huawei vào tháng 10 năm ngoái. “Là một người Trung Quốc, tôi ủng hộ Huawei như một thương hiệu nước nhà”, anh chia sẻ với Rest of World.

Tại cửa hàng Huawei, King Mak, 40 tuổi, cũng chọn Mate XT thay vì iPhone. Anh đang cẩn thận chỉ vợ cách gập chiếc điện thoại này sao cho đúng.
“Sếp tôi cũng sở hữu một chiếc. Ông ấy mang nó theo trong những chuyến công tác ở Trung Quốc để cho mọi người thấy rằng ông ấy là người yêu nước, dù không thực sự dùng nhiều đến nó đâu”.
Trong một thập kỷ, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của iPhone khi chiếm tới 20% doanh số bán hàng. Thực tế đó giờ đã khác khi từ phía chính phủ, sức ép ngày càng tăng còn người tiêu dùng thì thờ ơ với các thiết bị đến từ Mỹ. Nhà vô địch quốc gia Huawei đã hồi sinh.
“Thời kỳ hoàng kim của Apple tại Trung Quốc đã qua”, Linda Sui, giám đốc cấp cao của TechInsights, một công ty nghiên cứu thị trường, nói và cho biết nếu không giảm bớt đáng kể căng thẳng địa chính trị, Apple khó lòng giữ được vị thế của mình. “Vấn đề không chỉ nằm ở người tiêu dùng. Đó là về bức tranh toàn cảnh, khi hai siêu cường cạnh tranh với nhau”.
Lucas Zhong, nhà phân tích của Canalys, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “5 năm trước, Apple là một thương hiệu thực sự mạnh ở Trung Quốc. Mọi người sẵn sàng mang lều chờ suốt đêm bên ngoài Apple Store cho mỗi lần ra mắt sản phẩm mới tiếp theo”.
Những tấm biển quảng cáo iPhone bắt mắt hiện vẫn được dán khắp các thành phố lớn, song không thể thuyết phục được Jason Li, 22 tuổi, khi anh chàng cần lên đời chiếc iPhone 13 Pro Max. Thay vì mua iPhone 15, Li quyết định xuống tiền cho chiếc Mate 60 Pro đầy tính thời thượng.
“Tôi không muốn sử dụng iOS nữa”, anh nói, ám chỉ hệ điều hành của iPhone. “Nó hơi cũ một chút.”
Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research ở Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết: “Ngày nay, Mate 60 mang lại cho người dùng cảm giác hệt như iPhone trước đây. Điều này đặc biệt đúng với những người trên 35 tuổi, nhóm tuổi mua nhiều điện thoại thông minh nhất”.
Theo Daniel Ives, nhà phân tích của Apple tại Wedbush Securities, các chủ sở hữu của khoảng 125 triệu trong tổng số 215 triệu iPhone ở Trung Quốc đã không nâng cấp lên thiết bị mới trong suốt 3 năm qua. Chi Miaomiao là một trong số đó. Người phụ nữ 38 tuổi này đã quyết định mua Mate 60 Pro của Huawei.
“Huawei là thương hiệu của riêng chúng tôi. Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta nên đoàn kết lại”, cô nói.
Theo: Rest of World, The NY Times