Năm 2021, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đưa 2 robot AGV về vận hành thử nghiệm tại kho Thanh Liệt. Robot được lập trình đơn chiếc theo phần mềm của đối tác, thực hiện một số nhiệm vụ chia chọn ở quy mô nhỏ.
Mặc dù vậy, đây đã là một sự ‘chịu chơi’ cho đầu tư công nghệ trong cộng đồng các doanh nghiệp (DN) giao nhận của Việt Nam khi đó.
Từ cuộc thử nghiệm nhỏ, Viettel Post đã quyết định tăng gấp 100 lần số lượng robot AGV, tức 200 robot, được sử dụng tại tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh vừa chính thức khai trương ngày 17/1/2024 tại KCN Quang Minh. Tích hợp với các công nghệ chia chọn tiên tiến nhất đang ứng dụng tại đây, Viettel Post đang đứng trước một bước ngoặt về công nghệ.
Chia chọn 100% các loại hàng hóa với sản lượng tăng 3,5 lần
TTKT5 ứng dụng các công nghệ chia chọn hiện đại nhất hiện nay như công nghệ tự động hóa, IoT và AI… tích hợp cân tự động, camera AI 5 chiều giúp nâng tối đa tỷ lệ nhận diện tự động thành công, công nghệ RFID tự động kiểm đếm tải kiện, tỷ lệ chính xác đạt 99,99% theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
Hiện tại, hệ thống chia chọn của Viettel Post đã được xếp hạng có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam.
Nhưng không dừng lại ở đó, Ban Tổng giám đốc Viettel Post đặt ra mục tiêu cho tổ hợp công nghệ này là xây dựng được hệ thống công nghệ chia chọn tự động hóa 100%, đưa trung tâm này trở thành ‘át chủ bài’ để Viettel Post giải bài toán cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành chuyển phát và logistics ở Việt Nam.
Ba hệ thống công nghệ chia chọn hàng đầu được ứng dụng tại đây là Crossbelt, Wheel Sorter Matrix và robot AGV.
Trong đó, Wheel sorter-Matrix là hệ thống chia hàng tải, kiện lớn. Cross-belt sorter là hệ thống chia chọn dạng băng tải có điều khiển chủ động, phù hợp hàng hóa COD, kiện tiêu chuẩn với công suất lớn.
Còn robot AGV là công nghệ robot hiện đại được nhiều đơn vị logistics lớn trên thế giới như China Post, Amazon… sử dụng để chia chọn các loại hàng hóa nhẹ, mỏng, hàng có hình dáng đặc thù, tròn lăn, thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.
Robot tự hành AGV sẽ nhận thông tin đơn hàng qua cổng truyền thông không dây, phân loại và tự động vận chuyển hàng hóa tới các điểm đích đã được số hóa trên hệ thống.
Trước đây, niềm tự hào của Viettel Post là hệ thống tích hợp chia tự động hàng nặng đến 50kg và hàng nhỏ trên cùng một kịch bản chia. Giờ đây, niềm tự hào mới là Viettel Post có thể chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa với hiệu quả lớn hơn rất nhiều về thời gian và chi phí, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng, tối ưu 60% chi phí nhân sự.
Năm 2019, Viettel Post là doanh nghiệp tiên phong áp dụng công nghệ Crossbelt (chia chọn theo dạng băng tải) tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa đáp ứng được việc chia chọn hàng hóa đặc thù như hàng tròn, thư… chiếm gần 40% tổng sản lượng đang được xử lý (tương ứng khoảng 120.000 bưu phẩm/ngày).
Vì vậy, công ty này vẫn phải duy trì việc chia chọn thủ công và thường dẫn tới quá tải vào khung giờ cao điểm, hàng hóa chia chọn, tỷ lệ kết nối không đạt mục tiêu thời gian của middle mile (chặng giữa) lên tới 15%.
Tuy nhiên, với giải pháp công nghệ tích hợp Robot AGV - Matrix - Crossbelt , TTKT 5 Quang Minh đã tương đương với các công ty logistics hàng đầu thế giới như Amazon, Alibaba.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, Viettel Post là doanh nghiệp logistics đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ robot AGV trong vận hành khai thác hàng hóa, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Tiến tới, Viettel Post sẽ tự xây dựng hệ thống phần mềm với mục tiêu làm chủ công nghệ lõi, mở rộng ứng dụng tại tất cả các trung tâm khai thác của Tổng công ty.
Nguồn tin từ Viettel Post cho biết, Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh tại Khu Công nghiệp Quang Minh là điểm đầu tiên. Công ty này dự kiến sẽ mở rộng ra các khu vực khác và sắp tới là một tổ hợp tương tự ở phía Nam.
Đáp ứng 50% dung lượng ngành TMĐT Việt Nam
Theo thông tin Viettel Post cung cấp, so với các TTKT khác, công nghệ tích hợp 3 hệ thống chia chọn tại TTKT5 đã giúp cho thời gian toàn trình liên tục được tối ưu, rút ngắn. Và đến nay, sản lượng đơn hàng trong ngày của VTPost đã đạt đỉnh mốc lịch sử với gần 1 triệu đơn hàng được vận chuyển qua hệ thống.
200 robot AGV với sản lượng xử lý của mỗi robot có thể lên tới 6.000 pph (bưu phẩm/giờ), cao gấp 6 lần xử lý thủ công (mỗi công nhân xử lý tối đa 1.000 pph).
Ngoài ra, robot ghi nhớ toàn bộ 800 điểm phân loại hàng hóa tại TTKT5. Trong khi trước đó, một người lao động chỉ có thể ghi nhớ và chia hàng hóa tối đa 10 điểm phân loại.
Đồng thời, khi đưa vào vận hành Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh Quang Minh, Viettel Post đã nâng năng lực xử lý lên 4 triệu đơn hàng/ngày (tương ứng hơn 50% dung lượng ngành TMĐT Việt Nam), tăng 300% so với trước đây. Thời gian toàn trình bưu phẩm cũng tiếp tục được rút ngắn thêm từ 8- 10 giờ.
Cú ‘nhảy vọt’ về năng suất giao vận dự kiến giúp cho kết quả kinh doanh quý 4/2023 của Viettel Post tiếp tục khởi sắc.
Dự kiến quý 4/2023, doanh thu của Viettel Post đạt 5.077 tỷ đồng, thực hiện 103,4% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 131 tỷ đồng, tăng trưởng lên đến 46.8% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do Viettel Post đẩy mạnh kinh doanh các lĩnh vực cốt lõi mang lại lợi nhuận cao như chuyển phát, logistics, supply chain…
Riêng lĩnh vực bưu chính (bao gồm chuyển phát và logistics) ghi nhận doanh thu Quý 4/2023 tăng trưởng 35.3% so với cùng kỳ, tăng 11.3% so với kế hoạch và tăng 12,5% so với quý liền trước.
Lũy kế năm 2023, Viettel Post đạt doanh thu 19.659 tỷ đồng, thực hiện 106,5% kế hoạch năm. Sản lượng cao nhất Viettel Post đạt được trong quý 4 là gần 900.000 đơn hàng/ngày.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9 - 14%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, như hạn chế về kết cấu hạ tầng gắn liền với dịch vụ, quy hoạch hạ tầng logistics chưa hiệu quả…
Một trong những giải pháp để có thể giảm chi phí logistics là ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, báo cáo Logistics 2023 của Bộ Công thương mới đây cũng cho biết, trên thị trường, các doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít.
Mức độ này chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn.
Viettel Post là cái tên “nội địa” hiếm hoi được đánh giá cao về mức độ ứng dụng công nghệ trong bối cảnh 90% các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn số hóa.
Bởi vậy, việc Viettel Post tiên phong đầu tư cho công nghệ, nâng cao năng lực và tiến tới làm chủ công nghệ lõi được kỳ vọng sẽ mở ra tương lai của sự đổi mới và hiệu suất cho ngành logistics Việt Nam.