w_05.png

w_08.png

Tại Hội nghị Công ước khung về biến đổi khí hậu 26 (COP 26), Việt Nam đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là một mục tiêu rất khó và không ít người hoài nghi về tính khả thi của mục tiêu này. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Đầu tiên phải nói, mục tiêu đưa Việt Nam đến điểm trung hoà carbon (Net Zero) vào năm 2050 là một cam kết rất mạnh. Nó mạnh bởi cả những nước lớn như Ấn Độ hay Trung Quốc cũng chưa dám cam kết như thế này. Mốc thời gian Ấn Độ cam kết là 2070, còn của Trung Quốc là 2060, và cũng hãy còn khá dè dặt.

Nhiều nước phát triển như Mỹ hay Canada đưa ra cam kết mạnh nhưng cũng như Việt Nam thôi. Nói như vậy để thấy tạo ra được những điều kiện để có thể hoàn thành mục tiêu này là rất khó, kể cả đối với những nước phát triển cao, kinh tế mạnh; huống hồ còn yếu và nhiều điểm kém, khó như Việt Nam. Vì thế, những ý kiến hoài nghi cam kết của Việt Nam là bình thường, thậm chí, còn là điều cần được suy nghĩ nghiêm túc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết này tại COP 26 không phải là một quyết định bột phát, tùy hứng và ít tính khả thi. Ngược lại, cam kết đó có cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn vững chắc. Nên lưu ý rằng đến năm 2050, nghĩa là Việt Nam còn gần 30 năm nữa để thực hiện mục tiêu.

thu-tuong-cop-26.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP 26, với cam kết: Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Theo ông, những cơ sở và căn cứ để Việt Nam hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là gì?

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển mạnh đến mức tạo ra mức ô nhiễm đậm đặc. Việt Nam vẫn cơ bản là nước nông nghiệp, là quốc gia biển, tỷ lệ rừng còn khá. Tuy tương quan giữa “mặt bằng” ô nhiễm với năng lực của chúng ta là lớn, nhưng không đến mức phải bi quan.

Trên thực tế, nền công nghiệp “cơ khí cổ điển” của Việt Nam chưa phát triển quá mạnh. Sản xuất xi măng, sắt thép có gây ô nhiễm, không phải là không đáng lo ngại, nhưng tôi nghĩ là đang trong tầm kiểm soát. Công nghiệp hoá kiểu cũ trải qua mấy chục năm, song hiện nay, việc chuyển hướng, thay đổi sang “kinh tế xanh” đang được đặt ra quyết liệt. Đường lối, chiến lược phát triển đang tập trung ưu tiên cho định hướng công nghệ giảm tiêu dùng năng lượng hóa thạch, thúc đẩy nông nghiệp “xanh”, giao thông “xanh”, … nhằm giảm mạnh phát thải carbon.

Thứ hai, Việt Nam đang có điều kiện để xử lý những yếu tố cản trở quá trình giảm phát thải. Tính theo tỷ lệ phát thải carbon thì có mấy yếu tố tác động chính nhưng năng lượng (hóa thạch) là lớn nhất (khoảng 60%), tiếp đến là nông nghiệp và giao thông vận tải… Căn cứ vào từng yếu tố cấu thành, có thể tính toán việc giảm phát thải carbon theo lộ trình hiệu quả nhất.

Lĩnh vực phát thải carbon lớn nhất ở Việt Nam là năng lượng. Trong cấu trúc ngành năng lượng của Việt Nam, gần 40% là điện than. Và chúng ta có cơ sở để giảm mạnh nguồn phát thải này trong tương lai.

w_10.png

Trong những năm gần đây, Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo rất tốt, tốc độ thuộc loại cao nhất thế giới. Nếu tận dụng tốt nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) đã được đầu tư thành nguồn thay thế điện than trong cơ cấu năng lượng thì tổng phát thải carbon của Việt Nam sẽ giảm nhanh.

Đây là chưa kể đến tiềm năng năng lượng gió năng lượng mặt trời ngoài khơi còn rất dồi dào. Tận dụng tốt tiềm năng này, sẽ tạo bước tiến lớn, thay năng lượng hóa thạch bằng năng lượng xanh, thay đổi mạnh mẽ cấu trúc kinh tế theo hướng giảm mạnh phát thải carbon.

Hiện nay, quy hoạch điện VIII hướng đến cấu trúc năng lượng nghiêng mạnh về năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng hydro. Tư duy và hành động chiến lược đang chuyển biến rất căn bản, tạo cơ sở đáng tin cậy để thực hiện cam kết mục tiêu “zero carbon” vào năm 2050.

Chúng ta đang chuyển hướng từ kinh tế nâu sang xanh, kinh tế tuần hoàn và các khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái bắt đầu xuất hiện… Tuy mới là bước đầu, nhưng cách đặt vấn đề “cải cách” của chúng ta là khá toàn diện và mạnh mẽ. Cam kết mà Thủ tướng đặt ra tại COP 26 là có cơ sở thực tiễn để tin tưởng vào khả năng thực hiện. Nó đang thấm vào các chiến lược, quy hoạch phát triển, vào các nỗ lực đang được tích cực triển khai.

w_13.png

Vì sao một mục tiêu có căn cứ thực tiễn, đã được thấm vào các chiến lược, quy hoạch phát triển đang triển khai… nhưng vẫn bị hoài nghi về khả năng trở thành hiện thực như vậy?

Điểm mấu chốt liên quan đến văn hoá và cơ chế điều hành ở Việt Nam. Chúng ta hay điều hành theo “chủ nghĩa thành tích”, tính hình thức cao, kiểu đặt ra mục tiêu cao nhưng nếu khi thực thi thấy khó thì hạ xuống để cuối cùng vẫn đạt được, thậm chí “hoàn thành vượt mức”. Cách làm này thực chất là đặt mục tiêu dễ, ít đặt ra những mục tiêu thách thức về thực chất để phải phấn đấu, nỗ lực cao nhất mới đạt được.

Thế nhưng, cách tư duy – hành động này đang thay đổi. Cách xử lý mục tiêu tăng trưởng GDP quý IV năm nay là một điển hình. Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể trong điều kiện hết sức khó khăn (tăng trưởng GDP cả năm 5,5-6,0%) – dù biết rằng rất khó đạt, thay vì chấp nhận mục tiêu dễ đạt hơn: 5%. Không lấy khó khăn khách quan để biện minh cho “thành tích tăng trưởng thấp” mà vẫn nỗ lực cho mục tiêu đầy thách thức – đó thực sự là sự thay đổi cách tiếp cận, hành động mới chứa đầy sự tin cậy

bo-qua-tang-gan-lai-o.png
ACB gửi tới thông điệp: Góp phần vào hành trình Net Zero, các bạn có thể bắt đầu từ những việc hàng ngày vô cùng đơn giản như tắt hết điện nước khi không sử dụng, di chuyển bằng các phương tiện công cộng để giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Cuối tháng 10/2023, ACB trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững (ESG)

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa cao và đang có xu thế suy giảm trong dài hạn. Trong khi đó, chúng ta lại biết chắc rằng chính chúng ta đang lãng phí rất nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực nhân tài rất tiềm tàng. Vậy tại sao chúng ta không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao, thực sự mang tính thách thức tài năng, để gây áp lực lên bộ máy, để gia tăng nỗ lực của các cá nhân và doanh nghiệp, để tìm cách hợp lý hóa, tối ưu và huy động, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực tăng trưởng của đất nước?

Thủ tướng Phạm Minh Chính từ Hội nghị COP 26 về, ông có chia sẻ với tôi về việc có một số người hoài nghi mục tiêu Net Zero năm 2050 của Việt Nam. Tôi nói rằng nhiều người hoải nghi là đúng, nhưng việc Thủ tướng đặt ra mục tiêu thách thức cho một đất nước còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng con người là đúng đắn và tuyệt đối cần thiết trong lúc này. Tại sao lại không thử để phát hiện và xác nhận năng lực phát triển thực tế của đất nước này. Mà chắc là thành công thôi. Khó - nhưng đất nước mình càng khó thì năng lực bứt phá lại càng trỗi dậy. Lịch sử và kinh nghiệm đều khẳng định chân lý đo.

Tại sao chúng ta vẫn chưa tối ưu được việc sử dụng người tài? Vì chưa đặt ra được những mục tiêu, bài toán xứng tầm đủ để thách thức năng lực, trí tuệ, khát vọng của đất nước, dân tộc. Ở đây, cơ hội cho người tài không nằm ở bài toán dễ mà là ở những bài toán phát triển thách thức, để họ phải mang – và có cơ hội mang tất cả tài năng ra sử dụng.

w_16.png

Mục tiêu Việt Nam phải đưa phát thải carbon về 0 vào năm 2050 là một bài toán thách thức cả đất nước này, nhưng hoàn toàn có tính khả thi. Tuy nhiên, muốn khả thi thì phải làm theo cách mới hoàn toàn. Cách mới đó là: coi thách thức của đất nước chính là cơ hội cho người tài, cho doanh nghiệp Việt.

Cơ chế đánh giá nên căn cứ vào các sáng kiến, kết quả đạt được cho tương lai chứ không phải cố gắng tránh mắc khuyết điểm như hiện nay. Đừng nghĩ đây chỉ là mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050 mà còn là bài toán thay đổi cơ chế, với cách tiếp cận coi thách thức của Nhà nước là cơ hội của doanh nghiệp, của những người có năng lực.

w_18.png

Ông có thể chia sẻ những ví dụ thực tế có thể coi như mạch nguồn của việc Việt Nam đã chuẩn bị chuyển từ nền kinh tế nâu sang xanh, với tư duy mới về tăng trưởng và phát triển trước khi có tuyên bố về Net Zero tại COP 26?

Ví dụ điển hình theo kiểu “hạt mầm” thì từ xưa đã có rồi, từ thời làm bèo hoa dâu, hay phân chuồng, phân xanh... nhưng lúc đó chủ yếu là do nghèo, để tiết kiệm những năng lực còn rất ít ỏi, quý hiếm. Đó cũng là cách thể hiện trí thông minh của người Việt trong nỗ lực chuyển từ nâu sang xanh, để bảo vệ môi trường sống ở những bước đi sơ khởi.

gan-80-ty-le-nuoc-duoc-tai-su-dung-tai-masan-high-tech-materials-1688038498.jpg
Tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, gần 80% tỷ lệ nước được tái sử dụng tại Masan High-Tech Materials. Ảnh: Masan Group

Còn ví dụ điển hình thời nay khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh là Quảng Ninh, cách đây hơn 2 nhiệm kỳ (Đại hội). Trước đây, chúng ta đều biết, Quảng Ninh là tỉnh tắm trong bụi than đen. Dù có kỳ quan thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long làm nền tảng để phát triển du lịch đẳng cấp cao thì du lịch cũng không thể phát triển. Du lịch khó phát triển bởi việc đào than lên để bán sẽ dễ hơn nhiều và thu lợi cũng lớn, nhanh hơn nhiều. Và một khi lợi ích phát triển đã bám rễ vào than thì việc chuyển đổi rất khó: hàng trăm nghìn công nhân đang đào than từ nhiều năm nay, nếu chuyển đổi thì họ sẽ làm gì?

Thế nên, ngay cả khi đã nhìn thấy xu hướng tất yếu là không thể mãi phụ thuộc vào kinh tế nâu (kinh tế đào than để bán), để thay đổi thực tiễn, vẫn cần sự thay đổi quyết liệt từ lãnh đạo. Lãnh đạo Quảng Ninh đã làm được việc đó khi quyết liệt chuyển cơ cấu kinh tế từ “nâu sang xanh”, thúc đẩy dịch vụ du lịch phát triển, cùng với đô thị và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tất nhiên, như chúng ta biết, quá trình đó diễn ra không hề dễ dàng và phải trả giá.

Nhưng đến giờ, mọi người đến Quảng Ninh sẽ thấy một bộ mặt khác hẳn, không còn nhuốm màu bụi than đen thui như trước mà đã trở nên hiện đại, và xanh hơn.

w_20.png

Ví dụ thứ 2 là Khu Công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền của doanh nhân Phạm Hồng Điệp. Thời điểm ông Điệp bắt đầu làm KCN sinh thái thì thế giới cũng chỉ mới làm – cơ bản như ông Điệp thôi. Cho nên KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền thực sự là một đột phá. Tôi nghĩ Quảng Ninh chuyển từ “nâu” sang “xanh” vất vả thế nào thì ông Điệp cũng khổ thế, có khi còn khổ hơn vì là tư nhân làm. Thế nhưng, đến nay, Khu công nghiệp sinh thái của ông Điệp đã được khẳng định.

Một ví dụ khác hiện nay là TPHCM đang xây dựng huyện Cần Giờ thành khu đô thị sinh thái mang tầm khu vực với siêu cảng, khu đô thị hiện đại khổng lồ, rừng ngập mặn….

Đó là những ví dụ cho thấy cả quá khứ, hiện tại đang diễn ra và tương lai bắt đầu với những tín hiệu rất rõ ràng của một tư duy mới về Tầm nhìn xanh cho Việt Nam.

w_22.png

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông có nhận xét gì về việc hiện thực hoá Tầm nhìn xanh cho Việt Nam, cả qua những câu chuyện về thay đổi chính sách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như những điển hình thực tế?

Đầu tiên, việc hiện thực hoá Tầm nhìn xanh cho Việt Nam không chỉ được đo bằng vấn đề giảm phát thải carbon. Trong thực tiễn, những dự án được vận hành hiệu quả hơn cũng có thể được coi là một bước giúp đất nước tiến tới Net Zero vào năm 2050. Như chuyện tư nhân xây dựng sân bay Vân Đồn chẳng hạn, họ làm hiệu quả hơn Nhà nước và do đó cũng đóng góp vào việc giảm phát thải carbon. Nếu hiểu theo nghĩa rộng về tăng hiệu quả như vậy để khuyến khích thì đất nước mới mong sớm đến được mục tiêu phát thải bằng 0.

Thứ hai, đó không phải là sứ mệnh chỉ do Nhà nước làm, mà có vai trò rất lớn của tư nhân và rộng hơn, của người dân. Nhà nước phải tin vào tư nhân, khuyến khích người ta làm việc tốt. Ví dụ như Khu công nghiệp sinh thái của ông Điệp ở Hải Phòng. Chính quyền muốn cản ông Điệp làm thì rất dễ, nhưng khuyến khích, hỗ trợ những người tiên phong như vậy để họ thành công, trở thành lá cờ đầu mới tạo ra được thay đổi lớn.

manulifemove.jpg
MOVE vì Việt Nam Tốt Hơn Mỗi Ngày – Manulife sẽ giúp bạn trồng 1 cây xanh khi bạn hoàn thành một thử thách, để cùng nhau góp phần giảm thiểu lượng khí carbon, tăng tỷ lệ che phủ đất trống, chống biến đối khí hậu. 

Ở đây, chúng ta phải chia sẻ được cơ chế hành động, giúp huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân, và khuyến khích được đông đảo người dân tham gia là cực kỳ quan trọng. Lấy ví dụ về sử dụng túi nilon, nếu như khuyến khích được những sáng kiến, văn hoá mới trong tiêu dùng - hạn chế tiêu thụ sản phẩm này là một niềm tự hào chẳng hạn, ở cộng đồng làng xã, phường, thôn xóm… thì hiệu quả có thể rất lớn.

Nói cách khác, không chỉ có những đường lối, chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh mới cần cổ động thực thi, mà những sáng kiến trong dân cũng là đối tượng chủ trương, đường lối cần hướng tới để cổ vũ, khuyến khích.

Thực tế, không chỉ có Nhà nước mới là người hiện thực hoá Tầm nhìn xanh cho Việt Nam với những chính sách, thay đổi lớn mà hàng vạn, hàng triệu sáng kiến, thay đổi nhỏ về tăng hiệu quả, xanh hoá, bảo vệ môi trường ở trong dân cùng kết hợp lại, mới tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn, giúp cho mục tiêu Net Zero vào năm 2050 có thể trở thành hiện thực.

w_24.png

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỉ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, nhưng khu vực công chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu về vốn. Ông có suy nghĩ gì về thách thức đến từ nguồn vốn?

Nếu cứ nói về những con số hàng trăm tỷ USD nhu cầu về vốn mà chưa tìm thấy nguồn rõ ràng và lộ trình triển khai thì có vẻ hơi doạ dẫm quá. Cần chú ý đến khía cạnh lợi ích được tạo ra từ đó là bao nhiêu. Đây là diểm quan trọng không kém, thực tế, có thể mấu chốt hơn.

Ta quá nhấn mạnh đến “chi phí” trong khi bài toán phát triển luôn là bài toán “chi phí – lợi ích”. Tôi rất thích quan điểm của Thủ tướng: Đừng chỉ có bàn về chi phí hay đầu vào không thôi, mà cần tính cả đến lợi ích thu được. Khi lợi ích đủ lớn thì chi phí lớn người ta vẫn làm: 500 tỷ USD người ta cũng làm chứ không phải là 368 tỷ USD đâu nếu hiệu quả phát triển tổng thể của Việt Nam và thế giới vượt xa con số đó.

Tất nhiên, việc có thể thu được lợi ích đủ để bù đắp hay nhiều hơn chi phí hay không còn phụ thuộc vào tài năng. Ở đây, chúng ta giả định là chúng ta đang làm tốt, có những bài học tốt để xử lý vấn đề giảm phát thải carbon. Và cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế thì chúng ta có thể hiện thực hoá được mục tiêu vào năm 2050.

Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” do Trang tin kinh tế tài chính CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, cùng sự đồng hành về chuyên môn của các đơn vị quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các đơn vị tư vấn, và sự hỗ trợ về tổ chức của các doanh nghiệp: ACB, Manulife, Masan Group, XanhSM, HSBC Việt Nam, SHB, Gamuda, T&T Group và Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling).

- Thời gian: 8h00-11h30 thứ Tư ngày 22/11/2023

- Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

-Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; và Ông Phạm Hải Âu - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro của PwC Việt Nam.

Mọi thông tin liên quan đến Hội thảo xin vui lòng liên hệ email: info@cafef.vn

Bài: Hằng Kim - Hoàng Ly

Ảnh: Việt Hùng

Thiết kế: Hương Xuân

POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO