Trước sự “xâm lấn” của hàng giá rẻ từ Trung Quốc, không thể để sản xuất trong nước “chết mòn”

Hà Vân | 08:50 05/11/2024

Sự xâm lấn của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, điển hình là thông qua Temu, đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại.

Trước sự “xâm lấn” của hàng giá rẻ từ Trung Quốc, không thể để sản xuất trong nước “chết mòn”

Cơ quan quản lý phản ứng quyết liệt

Với những ưu đãi giảm giá lên đến 70-90%, sản phẩm đến từ Temu đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự “đổ bộ” của Temu khiến cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia kinh tế quan ngại sâu sắc.

Temu ra mắt lần đầu vào tháng 9/2022, bán hàng trực tiếp đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt con số 18 tỷ USD của năm 2023. Temu đã vượt qua eBay trở thành trang website thương mại điện tử được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới, với 684,4 triệu lượt truy cập toàn cầu vào tháng 8 năm nay. Hình thức kinh doanh của các sàn thương mại điện tử như Temu là kết nối trực tiếp người mua hàng với nhà sản xuất. Mô hình bán hàng giá rẻ tận xưởng giúp họ thu hút tập người dùng tìm kiếm sản phẩm giá rẻ. 

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn của sàn Temu, với nhiều sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc đã gây ra không ít lo ngại cho các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

images2581-60dfa8d808fd3.jpg
Sự tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn của sàn Temu, với nhiều sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc đã gây ra không ít lo ngại cho các quốc gia trên thế giới.

Temu bán hàng tại Việt Nam dù chưa được cấp phép, vi phạm quy định, ngay lập tức, Bộ Công thương đã vào cuộc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688 nói riêng; đặc biệt yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký. 

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tham mưu để báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, yêu cầu các đơn vị trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Nguy cơ triệt tiêu hàng hóa, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước

Sự “xâm lấn” của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, điển hình là thông qua Temu, đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng "cơn lốc" hàng giá rẻ nước ngoài có thể đe dọa doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Ông Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy Trà Vinh nhìn nhận hàng giá rẻ nước ngoài với chi phí logistics thấp, bán trên các sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua hàng giá rẻ, thậm chí siêu rẻ "chỉ qua vài click chuột". Song, mặt tiêu cực là nó có thể “khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước chết mòn". Lý do, hàng Việt không thể cạnh tranh về giá, mẫu mã.

Về phía doanh nghiệp ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, có 3 yếu tố khiến doanh nghiệp sản xuất Việt bất lợi khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Đầu tiên chính là chi phí sản xuất cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi phí lao động, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển trong nước cao hơn so với Trung Quốc từ 10-20%. Thứ hai, doanh nghiệp trong nước cũng bị thua kém về khả năng tiếp cận công nghệ so với các đối thủ từ nước ngoài, khi tỷ lệ đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp Trung Quốc cao gấp 1,5-2 lần so với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng tiêu dùng nhanh và điện tử.

Thứ ba, các sàn TMĐT lớn của Trung Quốc như Alibaba, Taobao đang hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp Trung Quốc bán ra nước ngoài, bao gồm cả hỗ trợ về chi phí vận chuyển, giá ưu đãi và hỗ trợ pháp lý, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại gặp khó khi muốn đưa hàng lên các sàn này do chi phí và rào cản ngôn ngữ, quy định nên chịu phần thiệt khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Mai Quốc Bình, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thế Giới Giấy lại chỉ ra những khía cạnh khác, rằng ngoài sự hậu thuẫn của “đại gia” Pinduoduo, giá bán cực thấp thì Temu còn có thể gây tê liệt và đánh sập các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng mô hình Affiliate Marketing đa cấp.

Các sàn TMĐT lớn của Trung Quốc như Alibaba, Taobao đang hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp Trung Quốc bán ra nước ngoài

Mô hình này trả hoa hồng cho việc giới thiệu mua hàng, tạo ra một "cơn bão giới thiệu" lan rộng như virus, người giới thiệu không quan tâm đến hàng rẻ hay đắt, chỉ quan tâm đến số tiền mình nhận được. Ông Bình cho rằng mô hình này có thể là một mối đe dọa với các doanh nghiệp Việt Nam khi họ không thể cạnh tranh với sức mạnh của hệ thống đa cấp khổng lồ này, là “một cuộc chiến không cân sức”.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội, và chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần lập tức cần hành động. Dù khó có thể có các hành động cứng nhắc như cấm các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, tuy vậy, ông Phan Đức Hiếu đề xuất Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp về thuế, quy tắc xuất xứ, xuất nhập khẩu để đảm bảo thương mại công bằng.

"Cơ quan quản lý rà soát toàn bộ hoạt động này, để có biện pháp phòng vệ thương mại theo luật Việt Nam, quốc tế. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ cần có giải pháp ngay", ông Hiếu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cơ quan quản lý cần xem lại giải pháp về hàng rào thuế quan, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước, ví dụ xem xét, sửa chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị dưới 1 triệu đồng, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Chính phủ cần sớm đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới. Cùng với đó, cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống bán giá để giúp doanh nghiệp “chống đỡ” trước sức tấn công mạnh mẽ từ hàng nhập ngoại giá rẻ, kết hợp với các biện pháp tuyên truyền để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều quốc gia, nền kinh tế đã siết các quy định với các sàn thương majid diện tử như Temu, tăng thuế để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

BOX: Trước đó, nhiều quốc gia, nền kinh tế đã siết các quy định, tăng thuế để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tháng 10 vừa qua, Indonesia đã yêu cầu Alphabet và Apple chặn ứng dụng Temu, nhằm ngăn người dùng tải xuống, dù chính quyền chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân trên nền tảng này. Nêu lý do, Bộ trưởng Truyền thông Budi Arie Setiadi cho biết: "Chúng tôi không ở đây để bảo vệ thương mại điện tử, mà là để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hàng triệu doanh nghiệp chúng tôi cần phải bảo vệ", ông nói. Chính quyền Jakarta cũng tuyên bố sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào của Temu vào thương mại điện tử nước này.

Trước đó, chỉ một tháng sau khi đặt chân vào Thái Lan, Temu đã vấp phải chính sách mới. Từ tháng 7, Thái Lan áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (42 USD), hiệu lực đến cuối tháng 12. Năm tới, luật mới sẽ cho phép cơ quan thuế tiếp tục thu thuế VAT đối với những sản phẩm đó. Trước đây, các kiện hàng dưới ngưỡng này được miễn thuế. Tờ Bangkok Post cho hay chính phủ hồi tháng 9 đã yêu cầu các cơ quan liên quan đảm bảo rằng Temu tuân thủ luật pháp địa phương và nộp thuế phù hợp.

Người dùng cần thận trọng, tỉnh táo khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ

Mới đây nhất, ngày 1/11, Bộ Công Thương đã phát đi cảnh báo khẩn về nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam, như Temu, Shein và 1688. 

Ngày 1/11, Bộ Công Thương đã phát đi cảnh báo khẩn về nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam

Trong văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, Bộ Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường truyền thông và hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện giao dịch trực tuyến và khuyến cáo, “tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử”.

Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng ban đầu rất hào hứng với sàn giao dịch mới này, nhưng đến nay đã thấy thất vọng về giá, chất lượng hàng hóa và thời gian cung cấp dịch vụ của Temu. Đặc biệt, sàn TMĐT này không cho thanh toán tiền mặt khi nhận hàng, cũng không có chế độ đổi trả hàng phù hợp

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo: "Thứ nhất, lựa chọn sàn cho chuẩn, sàn được phép vào Việt Nam. Thứ hai nữa là hàng hóa dịch vụ rất đa dạng, cho nên mình cũng phải cân nhắc lựa chọn, thấy là phù hợp và tin tưởng thì lựa chọn. Còn nếu như thấy không tin tưởng, sự lựa chọn mình chứa đựng rủi ro, chúng tôi cho rằng hãy dừng lại”.

Mặt khác, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt cũng chính là động lực quan trọng để doanh nghiệp Việt tiếp tục phát triển sản xuất trong nước, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho đất nước. Ngược lại, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực tối ưu hơn nữa, cũng như cần tận dụng tối đa lợi thế của mình trên “sân nhà”, chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng chính thực lực của doanh nghiệp.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới cả về chất lượng, bao bì sản phẩm, kết nối với nhau để tạo thành hệ sinh thái, nhằm phát huy điểm mạnh của các doanh nghiệp trong nước, để hiểu thị hiếu và gần với người sử dụng hơn, từ đó các doanh nghiệp trong nước sẽ có những lợi thế trước các doanh nghiệp cung cấp trên thương mại điện tử xuyên biên giới.


(0) Bình luận
Trước sự “xâm lấn” của hàng giá rẻ từ Trung Quốc, không thể để sản xuất trong nước “chết mòn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO