Trung Quốc đang thử nghiệm diện rộng mẫu tàu viên đạn tốc độ cao nhanh nhất thế giới 450 km/h có tên CR450. Nguyên mẫu sau khi được đánh giá sẽ mở đường cho hoạt động ứng dụng thương mại.
Theo Công ty tập đoàn đường sắt Trung Quốc, các kỹ sư đang cẩn thận kiểm soát trọng lượng của nguyên mẫu tàu CR450 thông qua các cảm biến trên đường ray giúp truyền dữ liệu trọng lượng theo thời gian thực đối với mỗi bánh xe tới hệ thống máy tính. Điều này cho phép theo dõi và điều chỉnh chính xác để đảm bảo hiệu suất tối ưu.
“Trong khi giảm trọng lượng, chúng tôi phải đảm bảo độ bền của tàu không giảm đi, thậm chí cần tăng độ bền do chạy ở tốc độ cao. Điều đó rất giống một người muốn giảm cân đồng thời tăng cường sức bền. Quá trình bao gồm những thay đổi về cấu trúc và đổi mới ở vật liệu”, Chen Can, nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu đầu máy và phương tiện thuộc Viện hàn lâm Khoa học Đường sắt Trung Quốc (CARS), chia sẻ.
Nhằm giảm lực cản khí trong khi vận hành ở tốc độ cao, nhóm nghiên cứu vượt qua nhiều thách thức như cộng hưởng và tiêu tán nhiệt, đồng thời lần đầu tiên khép kín toàn bộ khu vực giá chuyển hướng bên dưới tàu. Việc đảm bảo hoạt động trơn tru của toàn bộ thân tàu giúp giảm tối đa lực cản khi vận hành, theo nhà thiết kế Ha Dalei thuộc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật giao thông đường sắt thuộc Công ty phương tiện đường sắt Trường Xuân.
Được biết, nguyên mẫu CR450 đã hoàn thành thử nghiệm tĩnh và động ở tốc độ thấp về độ bám, lực phanh và tiếng ồn. Bước tiếp theo là tăng dần tốc độ trong thử nghiệm chạy chủ động.
Hiện nay, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới vận hành đường sắt thương mại tốc độ cao ở 350 km/h. Theo Zhang Bo, giám đốc Viện nghiên cứu đầu máy và phương tiện ở CARS, từ năm 2018, nhóm nghiên cứu đã dành vài năm kiểm tra tính khả thi về mặt kỹ thuật, xác định những tiêu chuẩn kỹ thuật hàng đầu hợp lý và vượt qua khó khăn đi kèm để tăng dần tốc độ vận hành trên 350 km/h.
Nỗ lực giảm lực cản, triệt tiêu độ rung, tiếng ồn, đồng thời tăng cường thiết tự động và siêu nhẹ đã giúp thân tàu trơn nhẵn hơn, cải tiến khí động và giảm đáng kể lực cản. So với tàu Fuxing CR400 hiện nay đang chạy ở 350 km/h, CR450 nhẹ hơn 12%, tiêu thụ năng lượng ít hơn 20% và có hiệu suất phanh cải thiện 20%, theo tập đoàn Đường sắt Trung Quốc.

Theo WSJ, Trung Quốc đã chi hơn 500 tỷ USD cho các tuyến đường sắt, tàu hỏa và nhà ga mới trong 5 năm qua. Công cuộc tóm tắt tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc, tập trung vào công nghệ tiên tiến do chi tiêu của chính phủ thúc đẩy như một cách nhấn mạnh lợi ích tập thể.
Câu chuyện Trung Quốc với gần 30.000 dặm (gần 50.000km) đường sắt cao tốc đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Hệ thống nước này hình dung sẽ tăng thêm gần 15.000 dặm nữa vào năm 2035, với chi phí hàng trăm tỷ USD. Chi tiêu lớn là phần không thể thiếu của câu chuyện tăng trưởng Trung Quốc, khi đầu tư chiếm khoảng 42% tổng sản phẩm quốc nội, so với 26% trên toàn cầu.
Thách thức đối với Trung Quốc là tàu cao tốc đắt hơn nhiều so với các phương án thay thế, chẳng hạn như tàu hỏa hoặc xe buýt truyền thống. Đường sắt cao tốc sẽ có ý nghĩa nhất ở những khu vực đông dân cư, nơi du khách sẵn sàng trả thêm tiền để di chuyển thuận tiện. Theo truyền thông nhà nước, tuyến đường sắt nối Thượng Hải và trung tâm công nghệ Hàng Châu đã thu hút trung bình khoảng 100.000 lượt hành khách mỗi ngày trong thập kỷ đầu tiên từ năm 2010 đến năm 2020.
Dĩ nhiên, các mục tiêu tham vọng tỷ lệ thuận với nợ. Tính đến tháng 9/2024, các khoản nợ phải trả của Đường sắt Nhà nước Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục khoảng 860 tỷ USD. Tổng nợ liên quan đến việc mở rộng đường sắt thậm chí còn cao hơn vì chính quyền địa phương vốn đang thiếu tiền mặt lại phải chịu thêm nhiều chi phí cho các dự án mới. Theo thời gian, chi phí bảo trì sẽ tăng lên.
Zhao Jian, một học giả tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, chỉ trích kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc. Ông lập luận rằng dường như Trung Quốc đang nhắm mắt làm ngơ trước những rủi ro mà hệ thống tài chính có thể gặp phải; rằng đất nước sẽ tốt hơn nếu chỉ xây dựng một vài nghìn dặm đường sắt cao tốc ở những khu vực đông dân.
Dẫu vậy, đối với nhiều người, trong đó có Zhang Jianbo, tàu hỏa vẫn được coi là niềm tự hào dân tộc. Anh vừa rời Ga Phủ Thuận sau chuyến công tác cùng vợ đến Thành Đô. Nếu tự lái xe, giá vé 13 USD cho chuyến đi hơn 130 dặm sẽ không đủ để trả phí cầu đường, chứ đừng nói đến tiền xăng.
Trung Quốc đã đầu tư thành công mạng lưới tàu cao tốc kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Mặc dù không thay thế được hoàn toàn xe hơi lẫn máy bay nhưng chắc chắn tàu cao tốc thải ít khí thải nhà kính cũng như thuận tiện hơn so với các chuyến bay ngắn. Thay vì tốn hàng giờ tại các sân bay xa trung tâm, người dân có thể đến trực tiếp các sân ga tàu cao tốc ngay nội đô.
Theo: SCMP, CGTN